“Chiếc gậy thần” của điện ảnh Việt

07:00 | 28/03/2018

1,442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
2018 được coi là năm bản lề của Chiến lược phát triển điện ảnh Việt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 - đây được ví như “chiếc gậy thần” để vực dậy hoạt động chiếu phim. Tuy nhiên, để chiến lược đi đến thành công không phải là điều dễ dàng.  

Cụ thể, Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra mục tiêu từ năm 2020 đến 2030 sản xuất 40-60 phim truyện/năm; 36-72 phim/năm cho mỗi thể loại phim tài, phim khoa học, phim hoạt hình; có 15-25% phim xếp loại xuất sắc, 70-80% xếp loại khá và có ít nhất từ 2- 5 phim đạt giải cao tại liên hoan phim quốc tế.

2018 được coi là năm bản lề thực hiện chiến lược này. Ngay từ đầu năm, Cục Điện ảnh đã tiến hành thẩm định 40 kịch bản phim tài liệu và phim khoa học, 33 kịch bản phim hoạt hình của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng phim Giải phóng. Cục Điện ảnh đã nhận được 19 kịch bản phim truyện do các đơn vị sản xuất gửi tham dự tuyển chọn kịch bản sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước.

chiec gay than cua dien anh viet
“Đảo của dân ngụ cư” đạt nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng trong năm 2017

Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cũng đã thẩm định 21 kịch bản phim truyện có yếu tố nước ngoài và chỉ đạo sản xuất; nghiệm thu 3 phim truyện miền núi và 5 chương trình miền núi dành cho đồng bào dân tộc, miền núi vùng sâu, vùng xa.

Trong năm 2018, Cục Điện ảnh sẽ tiếp tục tổ chức các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước; đầu tư chiều sâu, tạo nguồn kịch bản các thể loại phim cho giai đoạn 2018-2020; tăng cường quảng bá điện ảnh thông qua các liên hoan phim, tuần phim Việt Nam ở nước ngoài…

Đồng thời, Cục Điện ảnh đang gấp rút phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch, thực hiện đặt hàng sản xuất phim đáp ứng tiêu chí, chất lượng, nội dung, đề tài đã được quy định. Có thể thấy, đây là tín hiệu rất đáng mừng với các đơn vị sản xuất, phát hành và cả những người yêu mến điện ảnh Việt Nam sau 3 năm liên tiếp (2015-2017) không có bộ phim truyện nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất, phát hành.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều đã làm được, điện ảnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề để đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển điện ảnh đã đề ra. Năm 2017, số lượng phim chiếu rạp lên tới con số 70. Từ đầu năm 2018 đến nay, số phim đã và đang quay cũng lên tới con số 40, thế nhưng nhiều tác phẩm chỉ có chất lượng ở mức trung bình, thiếu đột phá về kịch bản, diễn xuất… Những trường hợp gây sốt phòng vé, đạt nhiều giải cao tại các liên hoan phim trong và ngoài nước như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Đảo của dân ngụ cư”… quá hiếm hoi.

Bên cạnh chất lượng kịch bản, diễn xuất… chưa được như mong đợi, điện ảnh Việt Nam cũng phải đối mặt với sự “lấn lướt” của các cụm rạp nước ngoài trong khâu phát hành. Năm 2017, điện ảnh Việt Nam đã từng phải chứng kiến nhiều trường hợp các cụm rạp lớn của nước ngoài từ chối hoặc gây khó cho phim Việt Nam trong việc sắp xếp suất chiếu. Thậm chí, vào tháng 11-2017, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã “tố” CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục chèn ép doanh nghiệp Việt.

Không những vậy, các cụm rạp nước ngoài còn liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi về giá vé, số lượng phim… khiến rạp chiếu nội địa lao đao vì sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Các doanh nghiệp phát hành phim Việt Nam cũng lo ngại nếu tình trạng đó tiếp diễn, các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ sẽ chết, triệt tiêu nền điện ảnh Việt Nam (do các doanh nghiệp sản xuất phim không còn khả năng thu hồi vốn) và đặc biệt là cảnh báo Việt Nam sẽ mất toàn bộ thị trường giải trí điện ảnh, khán giả Việt Nam sẽ chỉ hưởng thụ nền văn hóa do nước ngoài quyết định.

Năm 2017, số lượng phim Việt chiếu rạp lên tới con số 70. Từ đầu năm 2018 đến nay, số phim đã và đang quay cũng lên tới con số 40, thế nhưng nhiều tác phẩm chỉ có chất lượng ở mức trung bình, thiếu đột phá về kịch bản, diễn xuất…

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.