Chỉ số tiếp cận điện năng 1,6 ngày: Điều gì giúp EVNCPC ghi dấu ấn?

21:48 | 13/03/2023

1,484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2022, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) ghi dấu ấn với chỉ số tiếp cận điện năng chỉ 1,6 ngày – duy trì tốt nhất trong toàn EVN. Đây là kết quả ấn tượng, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp và góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. EVNCPC đã triển khai những giải pháp nào để đạt được kết quả trên? Ông Ngô Tấn Cư – Tổng giám đốc EVNCPC có cuộc trao đổi về vấn đề này.

PV: Thưa ông, năm 2022, chỉ số tiếp cận điện năng được EVNCPC thực hiện chỉ 1,6 ngày. Ông có thể cho biết thêm về lộ trình, ý nghĩa của con số này?

Ông Ngô Tấn Cư: Xác định được ý nghĩa quan trọng của chỉ số tiếp cận điện năng, các năm qua, EVNCPC đã liên tục cải thiện chỉ số này.

Chỉ số tiếp cận điện năng 1,6 ngày: Điều gì giúp EVNCPC ghi dấu ấn?
Ông Ngô Tấn Cư – Tổng giám đốc EVNCPC

Năm 2015, thời gian tiếp cận điện năng của EVNCPC là 9,25 ngày thì tới năm 2020 chỉ còn 2,06 ngày và tiếp tục tới năm 2022, EVNCPC thực hiện trung bình 1,6 ngày với các thủ tục của ngành Điện để cung cấp điện tới khách hàng trung áp.

Thời gian cấp điện rút ngắn dần là nhờ chúng tôi đã tối ưu hoá và công khai quy trình, thủ tục cấp điện tới khách hàng. Đồng thời, EVNCPC luôn chuẩn bị sẵn sàng, đồng bộ vật tư thiết bị cấp điện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý lưới điện, cấp điện.

Như vậy, khi có nhu cầu, khách hàng sẽ được EVNCPC cung ứng điện sớm nhất để đảm bảo hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, với thủ tục gọn gàng, minh bạch. Điều đó mang lợi nhiều lợi ích và đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.

Với môi trường kinh doanh vĩ mô, chỉ số tiếp cận điện năng 1,6 ngày là một con số thuyết phục về độ sẵn sàng cấp điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt là với doanh nghiệp nước ngoài, chỉ số này tốt cũng góp phần hỗ trợ quyết định đầu tư, phát triển kinh tế khu vực và cả nước.

PV: Cải cách thủ tục hành chính được xem là yếu tố quan trong giúp người dân dễ tiếp cận điện năng, đồng thời, là “điểm chạm” quan trọng nâng cao sự hài lòng khách hàng. Xin ông cho biết, EVNCPC có đột phá nào trong công tác cải cách hành chính?

Ông Ngô Tấn Cư: Triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và theo thông tư của Bộ Công Thương, quy trình kinh doanh và các chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNCPC đã có nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong khâu tiếp cận điện năng.

Thứ nhất, EVNCPC tiên phong thực hiện cấp điện không cần hồ sơ giấy. Từ năm 2016, EVNCPC triển khai số hoá hợp đồng và hồ sơ mua bán điện, từng bước xoá hồ sơ giấy. Tới năm 2018, chúng tôi thực hiện xử lý toàn bộ chu trình cấp điện trên hồ sơ số hoá và chương trình máy tính, theo quy trình và được giám sát chặt chẽ. Tới năm 2022, EVNCPC đã liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và cung cấp tiện ích để khách hàng ký hợp đồng bằng chữ ký điện tử.

Thứ hai, khách hàng không cần phải đến trụ sở ngành Điện mà vẫn được cấp điện. Cùng với sự phát triển của truyền thông, EVNCPC công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cấp điện trên nhiều phương tiện để khách hàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi; tiếp nhận yêu cầu cung cấp điện qua nhiều kênh đa dạng: Cổng dịch vụ Công quốc gia, website, mobile app, tổng đài chăm sóc khách hàng, email... Chúng tôi đã kết nối “một cửa liên thông” giữa ngành Điện và các cơ quan chức năng tại 13 tỉnh/thành phố trong khu vực phục vụ cấp điện trung áp.

Và cuối cùng, EVNCPC thực hiện cấp điện không cần khảo sát trực tiếp tại hiện trường. Điều này có được là nhờ trong nhiều năm, tổng công ty và các đơn vị đã thu thập, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu lưới điện và thông tin khách hàng trên nền bản đồ địa lý, làm nền tảng cho việc khảo sát, chuẩn bị vật tư và cấp điện, bỏ qua bước khảo sát hiện trường trước khi cấp điện. Mọi thông tin từ bộ phận tiếp nhận và trực tiếp thi công tại hiện trường đều được chia sẻ, kịp thời tương tác với khách hàng.

Cả ba giải pháp nêu trên đã giúp rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng: giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm thời gian khảo sát, giảm thời gian tra cứu thông tin, giảm thời gian xử lý vướng mắc… Đó là những cải cách hành chính thiết thực tại EVNCPC đem đến cho khách hàng.

PV: Công nghệ thông tin được nhắc tới nhiều trong câu chuyện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của EVNCPC. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những công nghệ số nổi bật mà EVNCPC đã ứng dụng?

Ông Ngô Tấn Cư: EVNCPC đã ứng dụng đồng bộ nhiều công nghệ mới. Ngoài chương trình cấp điện hiện trường được nhắc đến ở trên, EVNCPC còn có nền tảng dữ liệu lưới điện và thông tin khách hàng trên nền bản đồ số, cập nhật lưới điện từ hạ áp đến trung áp và cao áp, công tơ khách hàng, thông tin khách hàng. Đây là công cụ rất quan trọng, cung cấp đầy đủ thông tin trực quan cho cả khách hàng và ngành điện, từ trực tiếp đến cấp quản lý, phục vụ toàn bộ các khâu khảo sát, chuẩn bị vật tư, dụng cụ thi công, di chuyển, lắp đặt.

Bên cạnh đó, EVNCPC cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sửa chữa điện nóng (hotline), giúp thi công đấu nối phụ tải khách hàng mà không cần cắt điện, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian cấp điện;

Ngoài ra, các cải tiến trong các kênh giao tiếp như tổng đài, website, ứng dụng chăm sóc khách hàng cũng là những ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng.

PV: Chỉ số tiếp cận điện năng đạt 1,6 ngày – liệu đây đã là đích đến? Còn dư địa nào để EVNCPC làm tốt hơn hay không, thưa ông?

Ông Ngô Tấn Cư: Mục tiêu của EVNCPC là tiếp tục duy trì chất lượng chỉ số tiếp cận điện năng, đảm bảo cấp điện đúng với mong muốn của khách hàng nhất, tạo trải nghiệm tốt và nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.

Thực tế, trong hành trình cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, EVNCPC cố gắng làm tốt nhất những việc thuộc phạm vi của chúng tôi. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan chức năng tại địa phương và sự thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác từ khách hàng.

Chúng tôi vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức như: Sự khác biệt trong thủ tục hành chính của địa phương và yêu cầu của người dân về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, làm kéo dài thời gian thi công công trình điện; một số ít khách hàng chưa thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đầu tư, chậm nghĩa vụ bảo lãnh hợp đồng, làm kéo dài thời gian cấp điện. Bên cạnh đó, vấn đề cấp đất cho công trình điện hiện đang kéo dài thời gian, do các quy định chưa đầy đủ, rõ ràng trong Luật đất đai và các quy định về đầu tư; dẫn đến việc đầu tư lưới điện bị chậm, làm giảm tính sẵn sàng cung ứng điện. EVNCPC mong muốn có quy định cụ thể về cấp đất, cũng như đầu tư công trình điện, để đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

EVNCPC sẽ tiếp tục báo cáo địa phương, EVN và các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết các khó khăn đang gặp phải trong việc đầu tư lưới điện; tiếp tục tối ưu hoá quy trình nghiệp vụ nội bộ, đơn giản hóa các thủ tục liên quan. Qua đó, tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần vào mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PV: Xin cảm ơn về cuộc trao đổi này!

M.Hạnh (thực hiện)

EVN cần bảo đảm chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốtEVN cần bảo đảm chủ động cung ứng điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt
Cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng: Kỳ vọng vào cải cách hành chínhCải thiện chỉ số tiếp cận điện năng: Kỳ vọng vào cải cách hành chính
Việt Nam thăng hạng vượt bậc chỉ số Tiếp cận điện năngViệt Nam thăng hạng vượt bậc chỉ số Tiếp cận điện năng
Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Những dấu ấn từ EVNCải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Những dấu ấn từ EVN