Chết vì... lang băm

07:20 | 28/03/2016

547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã không ít vụ chết người vì chữa bệnh theo cảm tính, truyền khẩu… đã được cảnh báo. Thế nhưng rất nhiều bệnh nhân vẫn không thấu đáo được việc này để rồi đáng lẽ trường thọ thì thành đoản thọ, bệnh nhẹ thành trọng bệnh và sớm quy tiên.

Theo các bác sĩ điều trị ung thư thì bệnh nhân ung thư là điển hình cho kiểu chữa bệnh như vậy. Thậm chí đang chữa Tây y “nhảy” sang chữa Đông y hoặc theo các thầy… lang băm chữa các bài thuốc “chân truyền” mà chỉ có họ mới xác định được hoặc tự thổi phồng như thần dược chữa bách bệnh.

Vẫn biết có bệnh thì vái tứ phương, nhất là đối với người trọng bệnh, thế nhưng trị bệnh không thể theo cách mà nhìn vào đó người ta thấy rõ thiếu cơ sở khoa học, thiếu thực tiễn chứng minh.

Các bác sĩ Bệnh viện K cho hay, không ít bệnh nhân ung thư chết vì các phương pháp chữa bệnh thay vì chết bởi tế bào ác tính. Đáng tiếc là trong đó có nhiều bài thuốc từ… lang băm là nguyên nhân kết thúc sớm sự sống của họ.

chet vi lang bam 399771
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân điều trị hóa chất ổn định, chiều hướng phục hồi rất tốt khi tế bào ung thư teo dần, thể trạng cũng khỏe hơn theo thời gian. Thế mà sau đó nghe truyền tai từ người nọ sang người kia về “bài thuốc gia truyền” vậy là “đoạn tình” hẳn với Tây y chuyển sang điều trị thuốc “gia truyền”.

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, sức khỏe sa sút, bệnh tình tái phát nặng hơn phải quay trở lại điều trị tại viện nhưng đã muộn vì “giai đoạn vàng” trong điều trị đã qua, khiến bệnh nhân không thể qua khỏi. Các bác sĩ gọi đây là chết vì phương pháp chữa bệnh chứ không phải vì bệnh.

Th.S Phạm Việt Hương, bác sĩ điều trị có thâm niên tại Bệnh viện K cũng từng nhiều lần đáng tiếc cho các bệnh nhân đã bước qua khỏi “cửa tử” nhưng sau đó lại tự đẩy mình vào chỗ chết khi chữa trị tại bệnh viện, bệnh đã thuyên giảm hẳn. Vậy mà trong giai đoạn nghỉ giữa chừng các đợt truyền hóa chất lại loay hoay tìm “thần y” để mua thuốc uống chữa bệnh. Mà tiền thuốc, tưởng thảo dược rẻ tiền nhưng mỗi tháng cũng hết 14-15 triệu đồng, bằng cả “cơ nghiệp” của nhiều gia đình ở quê. Tiền mất “tật” vẫn mang, chết cả người vì “Do uống thuốc lá có bệnh nhân suy thận phải điều trị lọc máu. Lúc đó bệnh vô cùng nguy hiểm do phát trên “nền” tế bào ác tính. Có bệnh nhân đã tử vong”, bác sĩ Việt Hương kể.

Bác sĩ Việt Hương dẫn chứng cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, 23 tuổi quê Thanh Hóa, bị ung thư xương đã điều trị hóa chất ổn định. Bệnh nhân về nhà rồi được người ta giới thiệu đi uống thuốc lá. Sau 10 ngày uống thuốc, bệnh không thuyên giảm, ngược lại bệnh nhân ngày càng mệt, càng đau đớn đến mức phải nhập viện cấp cứu. Lúc vào viện, cơ hội sống của chị Vân không nhiều như lúc trước. Bác sĩ cũng bị động đành “còn nước còn tát”, cố gắng vớt vát cái có thể trong không thể.

Một bệnh nhân khác cũng được bác sĩ Bệnh viện K viện dẫn, bị ung thư vú giai đoạn 3, quê ở tận vùng sâu xa Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Sau hai đợt hóa trị tại Bệnh viện K đã bỏ dở và đi nghe theo người ta uống thuốc lá của một thầy lang người dân tộc Mường ngay tại quê nhà. Người nhà bệnh nhân kể, nghe đồn thầy lang này chữa khỏi ung thư cho nhiều người, bao nhiêu u bướu lặn biến hết như thể chưa bao giờ bị bệnh, lại không gây tác dụng phụ như truyền hóa chất nên gia đình đưa bệnh nhân đến chữa. Nhưng được 2 tháng ăn ở tại nhà thầy lang để uống thuốc, bệnh nhân trở nên suy kiệt sức lực, đồng thời bệnh trở nặng phải chuyển lại Bệnh viện K để cấp cứu. Tuy nhiên, thời điểm đó bệnh tình đã không thể cứu vãn nổi nên bệnh nhân tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã rất tiếc cho bệnh nhân vì nếu bệnh nhân không “giữa đường” tự ý dừng điều trị để chuyển sang uống thuốc lá của thầy lang thì cuộc sống của chị không kết thúc nhanh như vậy. Tuy nhiên, điều mà theo bác sĩ Thuấn đáng tiếc hơn cả là sự cả tin, mê muội của bệnh nhân và của cả gia đình bệnh nhân đã khiến chị thiếu sáng suốt trong lựa chọn phương pháp trị bệnh để rồi mất một cách không đáng có.

Các bác sĩ điều trị nói chung và của Bệnh viện K cho rằng, với cách điều trị đó thì khó có thể nói là “có bệnh thì vái tứ phương”. Bởi phải khi thất bại ở phương pháp điều trị này, bệnh nhân phải chuyển sang phương pháp điều trị khác thì mới được coi như vậy. Còn trường hợp đang chữa theo phương thuốc này lại “nhảy” sang chữa bằng phương thuốc khác thì đó là tùy tiện chứ không phải “có bệnh thì vái tứ phương”.

Có nhiều bệnh nhân không chỉ chữa bằng thảo dược, lá lẩu mà còn nhịn ăn, ăn kiêng để chữa ung thư theo phương pháp được cho là của Nhật. Họ cho rằng không ăn các thức ăn chứa tinh bột như cơm, ngũ cốc cho đến các loại khoai, hoa quả ngọt, đường, sữa hoặc những sản phẩm có thành phần này để không những không cho tế bào ung thư phát triển mà còn diệt chúng tận gốc. Thế nhưng có bệnh nhân đã chết vì suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể vì thiếu chất trước khi chết vì bệnh ung thư.

Bác sĩ Việt Hương cho biết, dù tế bào ung thư rất háu đường, các chất giàu protein nhưng bệnh nhân ung thư nào cũng phải ăn đủ nhóm dưỡng chất cơ bản gồm chất béo, chất đạm, chất xơ, glucose thì mới chống chọi được với bệnh ung thư. Bởi bệnh ung thư phải có cơ thể khỏe mạnh mới chống đỡ được, mới chịu đựng được tác dụng phụ của thuốc, hóa chất điều trị do thuốc ung thư, thực tế là “lấy độc trị độc”.

Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã được khoa học chứng minh và cho thấy hiệu quả điều trị. Không phải bệnh ung thư nào y học cũng “bó tay” dẫn đến bệnh nhân tử vong. Theo thống kê của y khoa thế giới, hiện bình quân cứ 3 người mắc bệnh thì có 1 bệnh nhân khỏi bệnh. Ngay ở Việt Nam, theo Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, bệnh nhân của ông bị ung thư gan đến nay đã sống 20 năm và bệnh nhân ung thư vú đã sống hơn 40 năm, không hề hấn gì.

“Bí quyết” theo GS.TS Nguyễn Bá Đức chính là không chữa trị tùy tiện và quan trọng là không lãng phí giai đoạn vàng trong điều trị ung thư. “Giai đoạn vàng” này ngoài việc phát hiện sớm, lựa chọn phương pháp phù hợp còn là kiên trì chữa trị với phương pháp ấy. GS.TS Nguyễn Bá Đức cho rằng, 70% bệnh nhân ung thư hiện không có được giai đoạn vàng là do phần vì phát hiện bệnh muộn phần vì “bỏ gánh giữa đường” trong điều trị.

Các phương pháp điều trị ung thư đang được áp dụng phổ biến hiện tại là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và nhắm trúng đích. Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn đang ráo riết nghiên cứu để tìm ra phương pháp điều trị mới, hữu hiệu hơn, hạn chế tử vong nhiều hơn dù ở giai đoạn điều trị nào. Dẫu vậy, điều mà các nhà y khoa vẫn muốn khuyến cáo với bệnh nhân ung thư là không được chữa trị tùy tiện và phải biết nắm giữ thời điểm vàng như chính mạng sống của mình bằng cách khám sức khỏe thường xuyên để kiểm tra, phát hiện sớm bệnh, theo phác đồ điều trị của bác sĩ và kiên trì trị bệnh. Khi mắc ung thư thì nên chữa trị bằng Tây y hơn là thuốc nam hay bắc. Bởi với cơ chế của bệnh thì phải điều trị theo phương pháp có hiệu ứng nhanh chứ không thể mang tính chất “mưa dầm thấm đất”, lâu dài mới có tác động.

Năm 2000, Việt Nam chỉ có 69.000 ca mắc ung thư nhưng năm 2010, con số này đã tăng lên 126.000 ca. Dự báo vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ là gần 200.000 ca. Tại Việt Nam, bệnh nhân nam giới tăng nhanh nhất là ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản; ở nữ tăng nhanh nhất là ung thư vú, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp. Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính là: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%.

PV

Năng lượng Mới số 508