Cậu bé con nhà nông và giải tiếng Anh toàn quốc

22:46 | 01/06/2011

306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hết mùa gặt, chị Thường chạy chợ quê, xoay cuộc sống chỉ bằng gánh mũ Trung Quốc, đi “kèm” vài xâu nón lá hẻo tiền. Anh chồng tên Giao, vốn chẳng có sức khỏe, cũng lang thang làm bảo vệ, trông xe hết khu chế xuất này đến khu công nghiệp khác. Gia đình trung du đó có lẽ còn lâu mới bừng sáng, nếu con trai họ không giành giải rất cao ở môn tiếng Anh tiểu học đã 3 năm nay.

Lớp 3 thi vượt cấp lớp 5

Tạ Anh Dũng, 11 tuổi, là nhân vật chính trong cái gia cảnh lạ kỳ đó.

“Không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai nhận được thông tin cũng cảm thấy bất ngờ” - cô Thanh Phú , Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường Tiểu học Cao Mại (Lâm Thao, Phú Thọ) hồ hởi. Có thể hiểu và thông cảm cho sự xúc động tận đáy lòng một người giáo viên vùng trung du. Nói một cách đơn giản, là vì chính chị còn chưa bao giờ dám nghĩ tới, chứ không phải “sở hữu” trọn vẹn một cậu học trò thông minh, hiếu học như đang có 3 năm nay.

“Gọi là tổ cho… oai, bộ môn tiếng Anh có mỗi 2 chị em bảo ban, chia nhau giảng dạy cả ba khối lớp 3, 4 và 5. Bản thân các em học sinh cũng chỉ có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh từ lớp 3 mà thôi. Giáo cụ trực quan, băng loa đài thiếu thốn, cơ hội cho chính giáo viên tiếp cận kiến thức bổ trợ, hoặc nâng cao cũng không nhiều” chị Phú bùi ngùi.

“Đó mới là điều đặc biệt làm nên điều… đặc biệt!”

Cô Thanh Phú tự hào với thành tích của cậu học trò nhỏ

Năm 2009, khi còn là học sinh lớp 3, Anh Dũng đã "khởi động” bằng giải Bạc môn tiếng Anh loại II toàn quốc. Xin được nói rõ, với cấp Tiểu học, riêng bộ môn Tiếng Anh chỉ dành cho duy nhất học sinh khối 5 và được chia thành loại I và II.

“Thường thì với môn tiếng Anh tiểu học, kể cả loại II giành cho 61 tỉnh thành (trừ 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), học sinh nông thôn như chúng tôi tham dự cho… vui, chứ phải cuộc đua lâu nay thường khoanh vùng cho các khu vực thành thị, tỉnh lỵ” cô Phú giải thích. “Ấy vậy mà em nó đi thi vượt 2 lớp, còn giành giải cao đến vậy!”

Hình ảnh cô trò thường xuyên ở lại lớp sau giờ học để bồi dưỡng kiến thức đã quá quen thuộc ở Trường Tiểu học Cao Mại. Không nói quá, nhưng đúng là có những thời điểm, thành tích đáng nể của từ Anh Dũng chính là động lực để học sinh toàn trường nhìn vào phấn đấu.

Đó là công sức của cả Ban Giám hiệu, và hầu hết các thầy cô giáo trong cái Trường Tiểu học hẻo lánh khi năm lần bảy lượt lên Phòng GD-ĐT Huyện thuyết phục lãnh đạo ra Quyết định đưa một học sinh lớp 3 “thi đấu” với các anh lớn hơn tới… hai lớp.

Không phụ những người thương yêu mình, một năm sau, Dũng đặt thêm dấu ấn mới cho ngành giáo dục tiểu học tỉnh Phú Thọ. Trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh toàn quốc 2010, thí sinh Tạ Anh Dũng đạt điểm cao nhất, 290/300 điểm và giành Giải Vàng chung cuộc.

Tiếng vang nhân đôi, khi trong Giải Olympic tiếng Anh qua mạng Internet 2011, Anh Dũng tiếp tục giành giải Bạc với chỉ 5 điểm kém hơn so với giải Vàng.

Khi được hỏi về môn tiếng Anh, cậu bé 11 tuổi chỉ toàn mơ đến những chốn xa xôi. “Hình ảnh cây cầu London, những bông tuyết trắng, khán đài chật ních người ở thành phố Manchester thật sự lôi cuốn cháu. Có lẽ chỉ học giỏi, thậm chí thật giỏi tiếng Anh, cháu mới có cơ hội chạm vào giấc mơ đó. Cháu quyết nuôi giấc mộng bằng được, cháu sẽ không bó hẹp mình trong làng quê này,” suy nghĩ đơn giản của một cậu nhóc khiến Dũng không mất nhiều thời gian để thổ lộ quyết tâm của riêng mình.

Tạ Anh Dũng say mê kể về những ước mơ

Dũng thường tự giác ngồi vào bàn học mà không đợi ai phải nhắc nhở một câu nào. Chị Nguyễn Thị Thường, phụ huynh cháu Tạ Anh Dũng thú nhận: “Một ngày chạy chợ 2 bữa không đủ nuôi gia đình, lại trong bối cánh bố cháu đi làm xa như vậy, tôi đâu còn thời gian lo cho cháu sau giờ học…”

“…May mà nhà cô Phú không xa lắm nên việc ôn thi của cháu còn suôn sẻ. Tan chợ chiều về, tôi chỉ đưa Dũng qua cô rồi tất tả về cơm cháo cho cả nhà”. Chị Nguyễn Thị Thường thú nhận: “Đến ngày thi, thôi đành phó mặc cho nhà trường vậy.”

“Năm cháu học lớp 3, cô giáo có trao đổi với tôi về khả năng tiếp thu môn tiếng Anh đặc biệt của Dũng. Rồi cháu đoạt Giải quốc gia, tôi cũng bất ngờ về thành tích đó. Nhà nghèo, tôi chả lo được gì, chỉ cố gắng nuôi cháu ăn học bằng bạn bằng bè thôi” - Chị Thường sụt sùi kể về con trai đang hăm hở bước vào cấp 2.

Với vài chục nghìn tiền hàng từ chợ phiên mỗi ngày, cộng thêm khoản lương ít ỏi từ người chồng, cuộc sống với một mẹ già và 2 con nhỏ của chị khó khăn thật sự.

Ý thức gia cảnh, Dũng cũng chỉ tha thẩn trong nhà, trông cậu em trai mới vào lớp 1 và học hành cho… khuây khỏa. “Cháu có nghe bạn bè kể chuyện game online, xem kênh phim này nọ. Nhưng cháu không quan tâm, bởi điều cháu mong muốn duy nhất lúc này là học thật tốt để bộ mẹ vui, yên tâm với công việc” – cậu học trò 11 tuổi ngoan ngoãn nói.

Đúng như nhận xét của cô giáo dạy Anh văn, vẻ thông minh của Tạ Anh Dũng phát lộ ngay trong ánh mắt tinh anh, giàu cảm xúc.

Kế hoạch nào bồi dưỡng nhân tài?

Năm nay, Dũng vinh dự được Hội đồng đội Trung ương chọn là một trong 10 Gương mặt thiếu nhi tiêu biểu toàn quốc. Thành tích trên không chỉ đến từ môn tiếng Anh, và còn từ cả… Toán Học và Tập làm văn. Theo đánh giá của các thầy cô trong Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cao Mại, Dũng thậm chí có thể tham dự tốt đội tuyển Toán và Tập làm văn đi thi học sinh giỏi toàn quốc.

Dũng và bằng chứng nhận Giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh tiểu học toàn quốc 2010.

“Nếu phải nói với giáo viên cấp tiếp theo của Dũng, tôi chỉ mong thầy, cô hãy quan tâm hơn nữa đến em. Dũng là một học sinh có năng khiếu thật sự với Tiếng Anh. Hãy để cho em được phát triển tự nhiên với sự lựa chọn của chính mình” – Cô Thanh Phú tâm sự.

Rất nhiều trường hợp học sinh tiểu học phát lộ tài năng sớm, cộng thêm việc được tung hê trên mức cần thiết đã dẫn đến tình trạng xuất hiện tâm lý tự mãn. Với trẻ em nông thôn, nơi chúng nhận được không nhiều sự chăm sóc từ gia đình, vấn đề càng trở nên khó kiểm soát.

Bồi dưỡng cấp tiểu học hay không, thật khó để trả lời câu hỏi này. Nhưng trước tiên chúng ta hãy cùng “vui” với vai trò của nhà trường và lòng yêu thương học trò vô bờ bến của các thầy cô giáo bộ môn vậy!

Hữu Tùng