Cao nguyên Golan thử lửa quan hệ Ai Cập-Israel

12:07 | 01/04/2019

1,225 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 40 năm sau khi ký Hiệp ước Hòa bình giữa Ai Cập và Israel, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng, đồng minh lớn của Hoa Kỳ ở Trung Đông, vẫn đang đứng vững trước những bất ổn của khu vực.

Ngày 26/3/1979 tại Washington, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ký Hiệp ước Hòa bình đầu tiên giữa một quốc gia Ả Rập và Nhà nước Do Thái. Đây là một hiệp ước khép lại chiến tranh từ năm 1948 giữa 2 quốc gia láng giềng này. Kể từ đó, “Ai Cập vẫn hoàn toàn nằm ngoài bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào giữa người Ả Rập và Israel” – theo ông Abdelazim Hammad, một nhà phân tích chính trị của báo Al-Chorouk.

cao nguyen golan thu lua quan he ai cap israel
Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter (giữa), Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (trái) và Thủ tướng Israel Menachem Begin

Kỷ niệm 40 năm của Hiệp ước Hòa bình này trong năm 2019 diễn ra vào thời điểm mà khu vực Trung Đông vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ phong trào Mùa xuân Ả Rập. Chính Ai Cập cũng đã trải qua nhiều bất ổn sau cuộc nổi dậy ngày 25/1/2011 gây ra sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak và sự thành lập của chính quyền Tổng thống Mohamed Morsi một năm sau đó.

Ảnh hưởng của Washington

Ngay cả trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông Morsi (2013), các mối quan hệ song phương của Cairo cũng không trải qua bất kỳ cuộc khủng hoảng lớn nào. Ai Cập thậm chí còn được chọn là trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas ở dải Gaza.

Theo nhà nghiên cứu Amr Choubaki của Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram, dù khu vực đã xảy ra nhiều bất ổn nhưng mối quan hệ Ai Cập-Israel vẫn “ổn định và Hiệp ước Hòa bình vẫn tiếp tục”.

Kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, giống như các nước Ả Rập khác, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi cũng đã khá lúng túng trước các chính sách được coi là rất thuận lợi cho Israel của vị Tổng thống Mỹ. Gần đây, ông Trump tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel trên Cao nguyên Golan - nơi quốc gia này chiếm đóng năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ năm 1981.

“Cao nguyên Golan của Syria là một lãnh thổ Ả Rập bị chiếm đóng và sự sáp nhập là vô hiệu theo luật pháp quốc tế” - Cairo phản ứng trước quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng mà không trích dẫn trực tiếp tuyên bố của ông.

Trước đó, ông Trump đã phá vỡ sự đồng thuận quốc tế qua việc đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 và tuyên bố chuyển đại sứ quán Mỹ đến thành phố Thánh này.

Ai Cập đã nhiều lần khẳng định quan điểm rằng phần phía đông thành phố Jerusalem một ngày nào đó sẽ trở thành thủ đô của nhà nước Palestine. Tuy nhiên, Cairo đã không công khai phản đối quyết định trên của Washington vì “không ai lại dại dột làm mất lòng người cho tiền mình cả”. Từ năm 1980, Ai Cập đã nhận 40 tỷ đô la viện trợ quân sự và 30 tỷ đô la viện trợ kinh tế từ Mỹ.

“Đối với Mỹ, quân đội Ai Cập là một yếu tố quan trọng giúp giữ vững sự ổn định của một khu vực luôn căng thẳng” - ông Choubaki nhận xét.

Hợp tác kinh tế

Hợp tác song phương Ai Cập-Israel đã trở nên nồng thắm hơn trong những năm gần đây sau khi Israel trao trả lại chủ quyền của Bán đảo Sinai, phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng vào năm 1967 trong Chiến tranh Sáu ngày, cho nước láng giềng theo các điều khoản của Hiệp ước Hòa bình.

Từ năm 2013, lực lượng an ninh Ai Cập đã phải liên tục chiến đấu với các chiến binh thánh chiến, bao gồm một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ở Bắc Sinai nơi lực lượng thánh chiến này chiếm đóng, quân đội Ai Cập đã hợp tác chặt chẽ với dân quân địa phương và quân đội Israel để tiêu diệt nhóm này. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS của Mỹ hồi đầu năm nay, Tổng thống Sissi cho biết hợp tác ở vùng lãnh thổ biên giới của dải Gaza giữa Ai Cập-Israel là quan hệ hợp tác thân thiết nhất mà 2 nước láng giềng này từng thiết lập. Theo nhật báo New York Times của Mỹ, Israel đã tổ chức hàng chục cuộc không kích nhắm vào IS ở Bắc Sinai trong 2 năm qua với sự đồng thuận của chính quyền Ai Cập.

Ngoài hợp tác quân sự, Ai Cập và Israel gần đây còn bắt tay nhau trong lĩnh vực năng lượng – một vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực phía đông Địa Trung Hải. Tháng 2/2018, Cairo đã đạt được thỏa thuận về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ 2 mỏ khí Tamar và Leviathan của Israel. Tháng 1/2019, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz đã tới Cairo để tham dự một hội nghị về khí đốt tự nhiên – một chuyến thăm chính thức hiếm hoi của quan chức cấp cao Israel tới “vùng đất của Kim tự tháp”.

cao nguyen golan thu lua quan he ai cap israelMỹ bị cô lập vì công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan cho Israel
cao nguyen golan thu lua quan he ai cap israelNhiều nước phản đối tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Cao nguyên Golan
cao nguyen golan thu lua quan he ai cap israelÔng Trump ký sắc lệnh chưa từng có trong lịch sử Mỹ
cao nguyen golan thu lua quan he ai cap israelLiên Hiệp Quốc khẳng định: Cao nguyên Golan là của Syria

G.K

APF

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc