Cần phải xử lý hình sự “hung thần xa lộ”?

18:50 | 19/07/2015

1,278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến đề xuất xử lý hình sự hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là hình thức xử lý quá nặng. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, nên coi xe chở quá tải trọng là hành vi phá hoại tài sản quốc gia và đã đến lúc cần có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn.  

Xử lý nghiêm lái xe chống đối, không hợp tác

Xử lý nghiêm lái xe chống đối, không hợp tác

Ngày 28/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về tải trọng tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Chuyện thường ngày

Không khó để nhận ra trên các quốc lộ của Việt Nam hiện nay, tình trạng xe quá khổ, quá tải đang liên tục tái diễn cảnh vô tư “băm nát” mặt đường. Những “sống trâu”, “ổ voi” vẫn liên tục xuất hiện khi những binh đoàn xe quá tải này lướt qua. Vấn nạn xe quá khổ quá tải càng trở nên nhức nối khi hầu khắp các tuyến quốc lộ, thuộc các tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương… đâu đâu cũng tái diễn cảnh xe quá khổ quá tải.

Cần phải xử lý hình sự “hung thần xa lộ”?
Xe chở quá tải được xem là nguyên nhân chính phá đường

Có những lúc cao điểm đến 50 tỉnh thành đều cam kết vào cuộc để can thiệp vào giải quyết tình trạng xe quá khổ quá tải. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thấy đâu, hàng loạt các tuyến đường vẫn ngày đêm bị băm nát bởi những hung thần xa lộ.

Điều đáng lưu ý là trong nhiều báo cáo trước đây, việc bắt xe chạy quá tải trọng chỉ được xử lý với tỷ lệ của “phần nổi của tảng băng chìm”. Ngay chính trong báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi lên Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ ra: Hiện nay tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng, nhiều xe chở quá tải 100-200% tải trọng cho phép, nhiều xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua hư hỏng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiểm chế. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 50.000 trường hợp vi phạm quá tải trọng - như vậy trung bình một ngày bắt gần 280 trường hợp vi phạm xe quá tải.

Cần phải xử lý hình sự “hung thần xa lộ”?
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh

Chính vì vậy, để bảo vệ kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị hình sự hóa đối với hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm. Ngay sau đó, kiến nghị này đã có những ý kiến khác nhau…

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng phân tích, hiện các giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải cũng như các bộ, ngành liên quan đưa ra để xử lý xe quá tải đã khá mạnh, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ doanh nghiệp và lực lượng thực thi cố tình vi phạm.

“Về lâu dài, các giải pháp siết tải trọng nghiêm minh giúp các doanh nghiệp vận tải phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, góp phần đưa thị trường cước vận tải hàng hóa về đúng giá trị thực”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Là doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc - Nam bày tỏ sự không đồng tình việc chuyển từ xử lý vi phạm chở quá tải trọng sang xử lý hình sự.

“Chuyển sang xử lý hình sự thì quá nặng với lái xe trong khi đó hành vi chở hàng quá tải trọng không phụ thuộc nhiều vào lái xe mà còn phụ thuộc vào người xếp hàng, chủ hàng…” - ông Việt Anh đưa ra chính kiến.

Phải coi là phá hoại

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình trạng xe chở quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng. Nhiều xe chở vượt đến 100-200% tải trọng cho phép khiến những tuyến đường có xe quá tải trọng đi qua bị hư hỏng nghiêm trọng. Đã có rất nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm. Do đó, với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt hành chính nhưng tái phạm thì cần xem xét xử lý hình sự.

Cần phải xử lý hình sự “hung thần xa lộ”?
Ông Nguyễn Văn Huyện

Theo ông Huyện, để đề xuất này được luật hóa tiến tới sẽ phải sửa đổi một số Nghị định, Luật Giao thông đường bộ năm 2008…

Trước những băn khoăn về việc có thể nảy sinh hiện tượng “xin - cho” trong việc xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định: “Sau khi đề xuất trên được luật hóa, việc xử lý phải đảm bảo tuân theo quy trình. Khi phát hiện hành vi chở quá tải trọng trên 150%, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm. Sau đó, gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo đúng thẩm quyền”.

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện tượng xe chở quá tải trọng đến 100-200% đang vô cùng nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Để làm được một km đường tốn kém biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, thế nhưng chỉ xử phạt xe chở quá tải trọng vài triệu đồng là không đủ sức răn đe. Việc này chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm các doanh nghiệp vận tải, trong khi người dân và Nhà nước phải chịu rất nhiều thiệt hại.

“Do đó, việc đề xuất hình sự hóa xe chở quá tải trọng là vô cùng cần thiết. Tôi nghĩ, đã hết thời gian tuyên truyền, nhân nhượng rồi, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại biểu Vinh nói.

Trước ý kiến băn khoăn sẽ rất khó xác định mức độ thiệt hại cụ thể đối với hành vi chở quá tải trọng, đại biểu Vinh giải thích: “Đường sá là tài sản quốc gia. Việc chở quá tải trọng dẫn đến hủy hoại đường sá, cầu cống… tức là phá hoại tài sản quốc gia. Do đó, có thể quy là hành vi phá hoại tài sản”.

Vị Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cũng nhấn mạnh, để tránh nảy sinh tiêu cực, “xin - cho” trong xử lý vi phạm, lực lượng thực thi nhiệm vụ phải tuân thủ đúng quy trình. Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông chốt trực tại các trạm cân, làm nhiệm vụ trên các cung đường, cầu cảng… nếu để lọt tội phạm, để xe chở quá tải “vọt” cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Dưới góc độ cơ quan giúp cho Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp các bộ, ngành và các địa phương về vấn đề an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Việc xử phạt phải đưa ra một lời cảnh báo có sức mạnh để người dân không vi phạm để bị phạt. Nếu người dân đã quan tâm đến việc xử phạt nặng như vậy thì họ sẽ không vi phạm”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng nhìn nhận, đây là kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước để ngăn ngừa, răn đe phá hoại đến kết cấu đường bộ. Khi tiếp nhận đề xuất này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để xin ý kiến các bộ Tư pháp, Công an… và đặc biệt là ý kiến của người dân.

Không thể du di với xe quá tải mãi được

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ về đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi cố tình chở quá tải trọng cho phép và tái phạm. Bởi, hành vi cố tình chở quá tải phải coi là phá hoại tài sản quốc gia, do vậy cần khởi tố thì mới đủ sức răn đe.

“Tôi nghĩ, chúng ta phải làm quyết liệt chứ nếu cứ du di, xử lý hành chính rồi cho qua thì sẽ phát sinh tiêu cực trong hoạt động vận tải. Tôi cũng đề nghị cần giám sát chặt chẽ lực lượng thực thi công vụ để bảo đảm tính nghiêm minh và tránh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực có thể xảy ra”, ông Thanh nói.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới số 439