Cần hoàn thiện danh mục thuốc BHYT

07:00 | 06/06/2018

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tiền thuốc chiếm một phần không nhỏ. Điều đáng nói là nếu so với các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng, tiền thuốc BHYT ở Việt Nam cao hơn nhiều.   

Chi phí thuốc BHYT luôn cao

Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, những năm gần đây, việc xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT, trong đó có những quy định về thuốc BHYT, luôn được quan tâm, từng bước hoàn thiện phù hợp với thực tiễn khám, chữa bệnh BHYT ở nước ta hiện nay. Bởi tiền mua thuốc, lựa chọn sử dụng thuốc trong khám, chữa bệnh BHYT có tác động rất lớn tới đời sống, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, tới Quỹ BHYT và cả công tác quản lý Quỹ BHYT.

can hoan thien danh muc thuoc bhyt
Nơi cấp thuốc BHYT tại một bệnh viện

Theo kết quả nghiên cứu của BHXH Việt Nam, tỷ lệ chi phí thuốc trong tổng chi khám, chữa bệnh BHYT ở Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội.

Thống kê từ Ban Dược - Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho thấy, giai đoạn 2009-2012, chi phí thuốc chiếm 60% trong tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT; năm 2013 còn 54,5%; đến năm 2017 còn khoảng 34%. Thống kê theo nhóm cơ sở khám, chữa bệnh, chi phí thuốc cao nhất với bệnh viện hạng 1 chiếm khoảng 38% tổng chi phí thuốc cả nước; bệnh viện hạng 2 chiếm 24%; bệnh viện hạng 3 chiếm 19%; bệnh viện hạng đặc biệt chiếm 10%. Chi phí cho nhóm thuốc beta-lactam chiếm cao nhất, khoảng 19%, thuốc ung thư chiếm 10%, thuốc chế phẩm y học cổ truyền chiếm 8%... Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có chi phí cho thuốc ung thư cao nhất, lần lượt là 41% và 40%...

Phải kiểm soát chặt chẽ

Có một thực trạng: Việc sử dụng thuốc BHYT chưa hợp lý. Cụ thể, danh mục thuốc BHYT quy định tương đối rộng với 1.064 loại thuốc, không quy định theo tên biệt dược, không quy định nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế cụ thể như nhiều quốc gia trên thế giới; nhiều thuốc có giá cao; chi phí sử dụng lớn nhất là thuốc điều trị ung thư… Đó là chưa kể những hạn chế khác như: Việc sử dụng thuốc chưa hợp lý, hiệu quả điều trị chưa rõ ràng; thuốc hỗ trợ, nhóm thuốc vitamin đang có chi phí sử dụng lớn; hệ thống thông tin về thuốc còn hạn chế, tra cứu sử dụng gặp khó khăn, chưa có nguồn thông tin chính thống.

Tại Việt Nam, tổng số các loại thuốc theo danh mục quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế là 1.064 thuốc. Trong khi đó, danh mục này tại Thái Lan là 765 thuốc, Philippines 186 thuốc… Danh mục thuốc thiết yếu của WHO là 454 thuốc.

Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT gặp rất nhiều khó khăn, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng chi phí thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, yêu cầu kiểm soát chi phí thuốc BHYT là việc phải làm.

Để có thể khắc phục những hạn chế trong công tác kiểm soát chi phí thuốc BHYT, theo các chuyên gia y tế, cần xây dựng danh mục thuốc hợp lý hơn với các nghiên cứu đánh giá chi phí, tính hiệu quả trên cơ sở khoa học. Đồng thời, cần khuyến khích sử dụng thuốc generic, thuốc sản xuất trong nước, thực hiện hiệu quả đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia, nhất là với thuốc biệt dược gốc, thuốc có chi phí sử dụng lớn. Bổ sung tiêu chí, nguyên tắc quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán thuốc có giá cao, chi phí điều trị lớn, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, thuốc có chỉ định rộng rãi, thuốc có cùng tác dụng điều trị… Đối với các thuốc đã có khuyến cáo về hiệu quả điều trị chưa rõ ràng, đề nghị xem xét loại khỏi danh mục thanh toán BHYT. Đối với nhóm thuốc có chi phí lớn như thuốc ung thư, cần xem xét lại tỷ lệ chỉ trả hợp lý. Ngoài ra, cần ban hành mã thuốc thống nhất dùng chung trên phạm vi toàn quốc, tạo thuận tiện trong công tác thống kê tổng hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Thực hiện đấu thầu tập trung đối với các thuốc sử dụng nhiều, chi phí lớn.

Ông Phạm Lương Sơn đề nghị: “Việc rà soát và hoàn thiện danh mục thuốc BHYT cho phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT là hết sức quan trọng, cần phải tập trung triển khai và đưa vào thực hiện ngay trong thời gian tới”.

Tại một cuộc họp với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định: “Việc đấu thầu thuốc đã có những chuyển biến tích cực trong năm qua, bảo đảm ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý, công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Thông qua đấu thầu đã góp phần giảm giá thuốc, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ BHYT và người dân. Theo thống kê trúng thầu của các sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, tiền mua thuốc đã giảm 35,5% so với quy định cũ. Như vậy, chúng ta tiếp tục thực hiện biện pháp này”.

Song Anh