Cai nghiện tự nguyện: 75%... tự bỏ cuộc

19:00 | 16/08/2014

1,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình cai nghiện tự nguyện tại công đồng ở TP HCM cho thấy, số người tham gia cai nghiện tự nguyện thành công chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết: Nói là tự nguyện nhưng đa số người nghiện vào trung tâm với tinh thần chưa tự nguyện, chủ yếu họ đến dưới áp lực của gia đình, xã hội. Cho nên trong quá trình cắt cơn giải độc, điều trị họ có thường xuyên gây khó dễ cho cán bộ của trung tâm như: quậy phá, la hét, đòi hỏi vô lý để được kết thúc hợp đồng sớm.

Theo quy định, khi vào trung tâm người cai nghiện sẽ phải mất 10 - 15 ngày điều trị cắt cơn, nhưng đến ngày thứ 6 - 7 phần lớn các đối tượng nghiện không chịu được cơn thèm muốn ma túy thế là họ bày ra các trò như: gây gổ đánh nhau, đòi uống thuốc, truyền dịch vô cớ, bỏ trốn… nhằm vi phạm hợp đồng để được về nhà.

Một bệnh nhân được hỗ trợ cai nghiện tại Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy

Với đặc thù của Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy là cơ sở cai nghiện tự nguyện nên hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chọn, tự chi trả, bệnh nhân có quyền quyết định việc ngưng điều trị. Cho nên mỗi khi thèm thuốc nếu các bệnh nhân không vượt qua được sẽ rất dễ tự ngưng điều trị. Cũng vì tự nguyện, cho nên nhiều đối tượng nghiện cứ xin vào rồi lại xin ra như “cơm bữa” và mới có chuyện bệnh nhân tới trung tâm cai nghiện 4 - 5 lần những vẫn không cai nghiện thành công, ông Hùng chia sẻ.

Thống kê sau gần một năm thí điểm mô hình cai nghiện tự nguyện tại trung tâm Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy cho thấy, tổng số bệnh nhân tham gia cũng chỉ có 134 lượt bệnh nhân, trong khi đó có đến hơn hơn 100 lượt bệnh nhân tự ý bỏ dở chương trình điều trị, chiếm tỷ lệ 75%, trong đó không hiếm bệnh nhân ra, vào trung tâm từ 2 - 4 lần.

Việc các bệnh nhân cứ vào ra liên tục khiến cho việc cai nghiện khó thành công. Các đối tượng nghiện vào trong trung tâm thường từ 15 ngày đến 1 tháng thì xin ra. Vì thời gian ở trong trung tâm quá ngắn cho nên họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống tái nghiện nên khi ra ngoài xã hội sẽ rất dễ tái nghiện.

“Do là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước lại phải thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng nhân quyền nên bệnh nhân muốn ra lúc nào mình cũng phải quyết quyết cho họ ra ngoài dù trung tâm rất muốn giữ họ lại để điều trị. Nhiều bệnh nhân cũng lợi dụng điều này nên có trường hợp vào hôm trước thì hôm sau đã đòi ra. Trung tâm cũng không giữ lại được”, ông Hùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, mặc dù việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và gia đình đã được triển khai khá lâu tại TP HCM nhưng đến nay vẫn chưa có đối tượng nào tự nguyện đến đăng ký tình trạng nghiện tại các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu có đăng ký, họ cũng chỉ đăng ký tại những cơ sở cai nghiện tư nhân hoặc nơi nào đó mà họ không phải khai báo thông tin cụ thể, chi tiết để tránh sự kỳ thị của cộng đồng. Do đó, rất khó trong việc kêu gọi các con nghiện đến các trung tâm hỗ trợ cai nghiện tự nguyện để được cai nghiện.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM, hiện nay hành lang pháp lý còn nhiều sơ hở, cộng với môi trường mua bán ma túy khá dễ dàng, cơ sở vật chất tại từng địa phương chưa sẵn sàng cho việc thực hiện cai nghiện tại cộng đồng... nên thực hiện cai nghiện tại cộng đồng sẽ rất khó triển khai thành công.

 

 

Mai Phương