Các tỉnh thành ven biển lên phương án sơ tán người dân tránh bão

07:08 | 10/09/2021

473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để ứng phó với bão số 5, các tỉnh thành ven biển đã cấm biển, kêu gọi thuyền bè vào nơi tránh trú, lên phương án sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông.
Các tỉnh thành ven biển lên phương án sơ tán người dân tránh bão
Nhiều thuyền đã về nơi tránh trú an toàn (ảnh: TTXVN)

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 6.700 phương tiện nghề cá, với trên 24.732 lao động. Đến cuối ngày 9/9, đã có hơn 6 nghìn phương tiện, với 21.486 lao động đã về bến neo đậu an toàn, hiện còn gần 600 phương tiện với 3.246 lao động đang hoạt động trên biển.

Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về bão số 5, thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 2 lần/ngày.

Để chủ động phòng tránh bão, hiện nay tất cả các đồn biên phòng tuyến biển của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng, gia đình tiếp tục thông báo, kêu gọi, kiểm đếm; đồng thời, hướng dẫn cho các chủ phương tiện vào nơi trú đậu, chằng chống tàu thuyền.

Tại Hà Tĩnh, để chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó sơ tán dân, đảm bảo an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ, tỉnh đã thông tin đến toàn bộ tàu thuyền gồm 3.695 phương tiện tàu thuyền và 14.939 lao động đang hoạt động ngoài khơi nắm bắt diễn biến, đường đi của bão và kêu gọi vào bờ để tránh trú bão.

Tính đến đến chiều 9/9, Hà Tĩnh đã thu hoạch được 37.716/44.954ha lúa hè thu (đạt 83,9% kế hoạch). Thu hoạch khoảng 2.000ha bưởi Phúc Trạch (đạt tỷ lệ 55%, khoảng 13.000 tấn). Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 292 lồng bè thủy sản, gồm 234 lồng nuôi cá, 58 bè nuôi hàu, vẹm thuộc các vùng cửa sông và 380ha nuôi ngao ở các bãi bồi ven sông hiện đã lên phương án để ứng phó với bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động phương án ứng phó. Sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly tập trung.

Tại Quảng Bình, tối ngày 9/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết, tính đến chiều ngày 9/9 địa phương đã kêu gọi 121 phương tiện/660 thuyền viên vào bờ, neo đậu tại vị trí an toàn.

Hiện có 59 phương tiện /769 lao động đang hoạt động trên biển, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ 49 phương tiện /667 lao động, vùng biển Quảng Trị và Quảng Ngãi 10 phương tiện/102 lao động. Các phương tiện đã nắm được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Neo đậu tại bến 6.635 phương tiện.

Các sở ngành, địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão, sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, dự kiến di dời dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12-13. Dự kiến để ứng phó với bão số 5, toàn tỉnh sẽ di dời 29.125 hộ/108.177 người, trong đó di dời, sơ tán dân vùng sạt lở là 9.875 hộ/38.630 người. Các xã có nguy cơ cao sạt lở gồm: Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; xã Nam Hóa, Đức Hóa, Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa; xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Hiện địa phương đang rà soát các địa điểm, khu vực sơ tán dân ở khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Chủ động tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra cũng như dịch bệnh Covid-19.

Tại Thừa Thiên - Huế, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố Huế, các sở, ban ngành trong tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là phương án sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đến 14h ngày 10/9 kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định…

Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp tục thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào nơi nguy hiểm. Đặc biệt, lưu ý 9 phương tiện đang hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vĩ và 15 phương tiện hoạt động ở vùng biển Bắc Biển Đông và Hoàng Sa.

Các quận, huyện theo dõi, thông báo kịp thời diễn biến mưa, bão cho người dân để chủ động ứng phó, chằng chống, gia cố nhà cửa; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai và công tác phòng, chống Covid-19 nhất là tại các khu dân cư vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét...

Chủ tịch UBND Đà Nẵng yêu cầu chính quyền địa phương lưu ý trong quá trình di dân phải đảm bảo các phương án phòng chống dịch. Ngành y tế sớm có hướng dẫn cách ly đối với ngư dân trên các tàu thuyền chuẩn bị vào neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang.

Bão số 5 khả năng mạnh thêm khi tràn qua đảo Hoàng SaBão số 5 khả năng mạnh thêm khi tràn qua đảo Hoàng Sa

H.T