Bồi thường và xin lỗi... chưa đủ (?!) 1

07:00 | 12/11/2013

3,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bồi thường và xin lỗi, đó mới là một phần rất nhỏ để an ủi người bị tù oan. Vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay là mức độ xử lý những người nhân danh công bộc của dân mà gây ra án oan sai ra sao.

Đức Long (NLM số 273)

Tiền lệ xử lý án oan sai lâu nay tất cả chỉ dừng lại ở việc bồi thường và xin lỗi chứ chưa có hình thức nào cao hơn.

Từ hôm vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn được thông tin rộng rãi, dư luận không chỉ bức xúc với cách làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm và thiếu tình người của những cán bộ trực tiếp liên quan đến vụ án mà bây giờ, câu hỏi đặt ra là pháp luật sẽ xử lý những “phán quan” ấy như thế nào? Bởi đây không phải là vụ án oan sai đầu tiên, mà ở nhiều địa phương đã có nhiều vụ án tương tự nhưng cách giải quyết chưa thấu tình đạt lý khiến người dân bất bình. Nếu như trong vụ án này, các cán bộ vi phạm lại quanh co chối tội và vin vào cớ “không có bằng chứng” để cuối cùng, người bị oan sai, đau khổ như ông Chấn chỉ nhận được một ít tiền bồi thường và một câu xin lỗi thì người dân không tâm phục, khẩu phục.

Ông Dương Phúc Thịnh sau 3 năm tù oan

Nhân vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, người ta lại nhớ đến vụ án oan khác cũng ở Bắc Giang cùng thời điểm ấy. Và một câu hỏi đặt ra: Do trình độ non kém hay vì vô trách nhiệm, tùy tiện hay chạy theo thành tích mà cán bộ “cầm cân, nảy mực” ở Bắc Giang lại để nhiều người bị oan khiên như thế?

Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết: đó là vụ trộm cắp tượng, cổ vật ở nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6/2001 đến tháng 7/2003. Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cáo buộc 8 người là thủ phạm các vụ trộm cắp này.

Ông Dương Phúc Thịnh (một trong 8 người bị cáo buộc) cho biết: việc bị tạm giam gần 1.000 ngày ở trại giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và liên tục phải ra tòa vẫn ám ảnh ông đến bây giờ. Đang là nghệ nhân cây cảnh đắt khách, ông Thịnh bỗng dưng bị bắt tạm giam. “Có lẽ chưa có vụ án nào mà lúc ra tòa cả 8 “đồng phạm” đều không hề quen biết nhau như thế. Tôi bị đánh đập đủ kiểu, bị ép ký vào lời khai soạn sẵn”, ông Thịnh kể lại.

Trải qua 3 phiên tòa, các hội đồng xét xử vẫn không thể buộc tội ông Thịnh cùng những “đồng phạm” vì thiếu chứng cứ. Tại phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên cả 8 bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Nhưng trước đó, ông Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh.

Sau khi được tạm tha năm 2006, suốt 2 năm, 7 công dân bị truy tố oan phải gõ cửa các cơ quan công quyền tỉnh Bắc Giang và cấp Trung ương để yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phải đến tháng 7/2008, VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xin lỗi các công dân này ở nơi cư trú và thỏa thuận mức bồi thường.

Có một điểm trùng hợp giữa vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết tội “Giết người” và 8 công dân bị truy tố oan trong vụ trộm cắp cổ vật là trong các phiên tòa do Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử, tất cả đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình bị giam giữ, lấy lời khai!

Trương Thị Kim Hoàn và con gái hiện nay

Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 8/11, một chuyên gia tư pháp cho rằng, việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn và truy tố oan 8 công dân trong vụ trộm cắp cổ vật diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ năm 2003-2004, nên rất có thể cùng một ê-kíp điều tra, truy tố, xét xử. Điều đó cho thấy, năng lực của nhiều cán bộ cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian đó có vấn đề. Tôi cho rằng, ngoài xem xét trách nhiệm của những người liên quan, còn phải xem xét lại các vụ án đã được những người này xét xử, tuyên án và đang bị người dân khiếu kiện, kêu oan.

Cũng nhân vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, người dân nhớ lại vụ án oan tù 4 năm với một phụ nữ ở TP Hồ Chí Mình. Đó là Trương Thị Kim Hoàn (SN 1984, ở  phường Cô Giang, quận 1, TP HCM). Vụ việc như sau:

 Cuối tháng 5/2004, Công an quận 1 (TP HCM) bắt giữ nhiều con nghiện và những kẻ mua hêrôin tại khu vực Cô Bắc - Đề Thám, trong đó có 5 người trong gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lý.  Chỉ với điều khai man của những người trong gia đình do mâu thuẫn cá nhân mà Trương Thị Kim Hoàn bị khởi tố về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Mặc dù khi khám xét nhà Hoàn, công an không thu giữ được gì, Hoàn cũng kêu oan nhưng vô vọng và cô bị tòa kết án 10 năm tù. Xử sơ thẩm lần 2, mức án 10 năm tù vẫn được giữ nguyên. “Em thất vọng lắm! Em kêu oan hoài nhưng người ta không để ý. Khi điều tra viên lấy lời khai, những gì em khai họ cũng không ghi. Em nói em không mua bán ma túy, cũng không có bằng chứng nhưng điều tra viên còn nói giờ không cần bằng chứng. Họ còn dọa dẫm, gây áp lực khiến em rất hoang mang” - Hoàn kể lại.

Sau hành trình kêu oan không ngừng của người mẹ cô, mãi đến ngày 14/1/2009, Hoàn đã được tại ngoại. Ngày 6/1/2010, Tòa án Nhân dân quận 1 tổ chức công khai xin lỗi và bồi thường cho cô hơn 140 triệu đồng…

Bồi thường và xin lỗi, đó mới là một phần rất nhỏ để an ủi người bị tù oan. Vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay là mức độ xử lý những người nhân danh công bộc của dân mà gây ra án oan sai ra sao. Dám làm thì phải dám chịu trách nhiệm. Nếu những người đó vẫn bình an vô sự thì niềm tin vào công lý của nhân dân sẽ còn phai nhạt. Và án oan sai sẽ còn xảy ra!

Đ.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc