Bổ nhiệm "đúng quy trình” chưa bao giờ hết "nóng"

14:16 | 12/07/2018

267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 “Đúng quy trình” có lẽ là cụm từ được nhắc nhiều nhất trong thời gian nhiều năm trở lại đây, nó được gắn liền với cả chuyện bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo của những ông quan sắp về hưu.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ông Lê Mạnh Hùng lúc sắp về hưu đã ký bổ nhiệm một lúc tới 76 cán bộ, lãnh đạo đang dậy sóng dư luận.

Được biết, 76 quyết định bổ nhiệm do ông Hùng ký ngày 19/6, đều có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7, trong khi ông này về hưu ngày 19/7 sau đó. Các quyết định bổ nhiệm đều dựa theo Nghị quyết 1108-NQ/ĐU của Ban thường vụ Đảng uỷ và theo đề nghị của Ban Tổ chức – Nhân sự. Trong các quyết định trên có nhiều trường hợp bổ nhiệm cùng lúc 3 vị trí lãnh đạo ở một phòng như: Phòng Kỹ thuật thiết bị, Phòng Sân đường, Phòng Mua sắm..v..v.

bo nhiem dung quy trinh chua bao gio het nong
Ảnh minh họa.

Đặc biệt hơn hết, đó là những vị trí này đều là vị trí chủ chốt thuộc ACV và 22 cảng hàng không do ACV quản lý. Những vị trí này việc lựa chọn và tuyển dụng không phải là một điều dễ dàng gì đối với bất kỳ ai, nhưng ở “phút thứ 89” trước khi về hưu, thì ông Hùng coi việc này lại “nhẹ tựa lông hồng”.

Đã có những “tấm gương sáng chói”, nhỏ thì như ông Nguyễn Thành Rum - Giám đốc sở Văn hóa Thể thao & Du lịch TP HCM trước khi nghỉ hưu còn “vớt vét” cho gần 30… “đệ tử”. Lớn thì như hai ông Tổng Thanh tra Chính phủ là Trân Văn Truyền và Huỳnh Phong Tranh trước khi “hạ cánh” cùng “vét vớt” chức tước cho hàng chục “đàn em”.

“Đúng quy trình” có lẽ là cụm từ được nhắc nhiều nhất trong thời gian nhiều năm trở lại đây, nó được gắn liền với cả chuyện bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo của những ông quan sắp về hưu. Chỉ vì “đúng quy trình” mà sai phạm trong bổ nhiệm không hề bị một ai phát hiện, rồi lại luồn lách thông qua các cấp một cách đơn giản, dễ dàng.

Cũng chẳng biết giá của một chiếc ghế ở trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu? Chỉ thấy rằng, đối với nhiều người thì đó lại là một sự “ham muốn” tột bậc. Không ít người sẵn sàng chi ra cả trăm triệu chỉ để có được một chiếc ghế hợp đồng ở vùng sâu vùng xa.

Việc bổ nhiệm hàng loạt trước khi về hưu đã cho thấy những sai phạm này có lỗi rất lớn từ cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay. Đây là một trong những nguy cơ gây nên những nhóm lợi ích. Nguy hiểm hơn, đó là tác động cản trở đến sự phát triển của đất nước, làm mất niềm tin của nhân dân và Đảng, Nhà nước và chính quyền.

Nhân sự này, người viết nhớ về giai thoại kể về Trần Thủ Độ, rằng: Có lần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến.

Thủ Độ bảo hắn: “Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.

Song song, việc vua Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng, Thủ Độ tâu: An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trát sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?” Nghe vậy, vua bèn thôi.

Chẳng thế mà, liên quan đến công tác cán bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chúng ta tìm người tài, chứ không tìm người nhà” và “Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về bổ nhiệm cán bộ”.

Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập và nhấn mạnh, quyết tâm không để tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người thân, người nhà sẽ được dứt điểm.

Chính vì thế, chuyện bổ nhiệm “phút 89” ở ACV, dư luận đang chờ đợi Tổng Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ có phương án giải quyết ra làm sao, mặc dù lãnh đạo của ACV đã giải thích là mọi chuyện đều “đúng quy trình”.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc