Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ tại các hồ thủy điện

22:52 | 10/09/2024

240 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện trong mùa mưa bão năm 2024.

Theo đó, Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương có trách nhiêm kiểm tra một số công trình thủy điện vận hành xả lũ trong mùa mưa bão năm 2024 theo quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ các hồ thủy điện tại Tuyên Quang.

Tham gia Đoàn công tác có: Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn); đại diện Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Công Thương; đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; đại diện Cục Điều tiết điện lực; các phòng chức năng thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Sở Công Thương Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái.

Sáng 10/9, Đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty Thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang).

Ông Vũ Văn Tinh, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang thông qua kết nối trực tuyến với Đoàn kiểm tra cho biết: Từ 0-24h ngày 8/9, lưu lượng nước về hồ tăng từ 570 m3/s đến 3.973 m3/s ứng với mực nước thượng lưu từ 114,99 m tăng lên 116,72 m (+1,73 m). Lưu lượng đạt đỉnh vào lúc 9h00 ngày 9/9 là 6.966 m3/s ứng với mực nước 118,17 m (Mực nước dâng bình thường là 120 m).

“Đây là đợt lũ có thời gian gia tăng lưu lượng về hồ rất nhanh ảnh hưởng đến an toàn công trình. Do vậy, nhà máy đã thực hiện xả đợt 6 do lũ về hồ ở cấp đặc biệt lớn, cũng là giá trị lũ lịch sử xuất hiện trong tháng 9. Hồ đã mở đến 8 cửa xả đáy trong thời gian từ 14h ngày 8/9/2024 đến 15h00 ngày 9/9/2024 để đảm bảo mực nước hồ không vượt quá mực nước dâng bình thường 120m, lưu lượng xả lớn nhất trong đợt là 5.656 m3/s”, ông Vũ Văn Tinh thông tin.

Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang, trong đợt lũ này, tính đến 21h ngày 9/9, hồ Tuyên Quang đã cắt lũ với dung tích 305 triệu m3. Từ khi vận hành đến nay, đây là lần đầu tiên hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, trước đó tháng 11/2008 hồ Tuyên Quang đã mở 5,5 cửa xả đáy, phát điện tối đa 2 tổ máy xả lũ để đảm bảo an toàn công trình với lưu lượng xả lớn nhất là 3.900 m3/s.

Thực hiện công điện số 6685/CĐ-BNN-ĐĐ vào hồi 8h ngày 10/9, Nhà máy đã đảm bảo an toàn, mực nước lúc 8h là 118,72 m, lưu lượng về hồ 4.786 m3/s, mực nước xả qua 7 cửa xả sâu và phát tối đa 3 tổ máy là 5.027 m3/s.

Ông Vũ Văn Tinh thông tin thêm, theo thống kê từ đầu tháng 6 đến nay có 9 trận lũ đến hồ Tuyên Quang, trong đó lũ đặc biệt lớn: 1 trận; lũ lớn: 3 trận còn lại là lũ nhỏ và vừa. Trong đó lũ tháng 6 có xu hướng xuất hiện nối tiếp nhau. Các hình thế gây mưa trên lưu vực chủ yếu là rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao gây ra lũ lớn, lũ nhỏ và vừa. Trận lũ đặc biệt lớn xảy ra từ ngày 8/9 đến nay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: “Sau khi nghe báo cáo, cập nhật dữ liệu tôi thấy yên tâm hơn trong công tác đảm bảo an toàn đập của Công ty Thủy điện Tuyên Quang. Đồng thời, việc xả lũ vẫn đang đảm bảo về quy trình vận hành, đúng công lệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Theo ông Trịnh Văn Thuận, mặc dù Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã thực hiện rất tốt nhưng vẫn phải làm việc với tinh thần tập trung cao độ, không được chủ quan, nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng như các chỉ đạo của các cấp, ban, ngành có thẩm quyền.

“Trên thực tế, những khu vực đang ngập ở Tuyên Quang hầu như đã xảy ra thường xuyên, từ trước khi Thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động. Nhưng sau một số năm không xảy ra tình trạng mưa lũ, người dân đã có phần chủ quan. Thậm chí nhiều người không có đủ thông tin liên quan đến biện pháp ứng phó mưa lũ. Do đó, về công tác cảnh báo, Công ty cần thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành thủy điện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người dân”, Phó Cục trưởng chỉ ra.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Trịnh Văn Thuận cho hay, Công ty Thủy điện Tuyên Quang cần lưu ý về các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp và những nội dung trong quy trình vận hành đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

“Sau buổi họp hôm nay, theo ý kiến của Đoàn công tác, Công ty Thủy điện Tuyên Quang cần hoàn thiện báo cáo, bổ sung thêm thông tin về điểm tích cực là đơn vị đã giúp cho hạ du cắt giảm đợt đỉnh điểm lũ vào ngày 9/9 (giúp giảm khoảng 3 triệu m3 nước). Đồng thời, bổ sung thêm thông tin công tác với các đơn vị thủy điện có liên quan ở phía thượng lưu. Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về nội dung liên quan đến huy động, vận hành các công trình để phát huy tối đa hiệu quả phát điện của công trình”, ông Trịnh Văn Thuận bày tỏ.

Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ tại các hồ thủy điện tỉnh tỉnh Yên Bái

Chiều 10/9, Đoàn công tác của Bộ Công Thương tiếp tục có buổi làm việc với Công ty Thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái).

Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Vào lúc 15h00, Đoàn đã đi kiểm tra đập chính và 8 đập phụ. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Hiện đập chính đang xả tối đa qua 3 cửa xả với lưu lượng 3.000 m3/s. Đập phụ số 4 cao độ 62,5m, dài khoảng 50m, rộng 4,5m, thân đập đất. MNHT 59,45m, được phép vận hành đến cao trình 59,65m.

Phó Cục trưởng đề nghị Công ty Thủy điện Thác Bà thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện để đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện, đặc biệt vùng hạ du khi xả lũ, tiếp theo các Công điện hoả tốc của Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng tại các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo về việc tăng cường ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy điện.

“Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ”, ông Trịnh Văn Thuận nói.

Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng, Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).

Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu; kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về các khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Bộ Công Thương kiểm tra xả lũ
Thủy điện Hòa Bình đang tiến hành xả lũ.

Trước đó, chiều ngày 9/9 đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến kiểm tra tại Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).

Thông tin với phóng viên về các biện pháp bảo vệ các hồ thủy điện tại thời điểm này, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Việc bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện được kết hợp nhiều công cụ, giải pháp, bao gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; công tác tổ chức vận hành hồ chứa và công tác phối hợp các đơn vị, địa phương. Trong đó, về công tác chỉ đạo, điều hành: Đối với hồ thủy điện Hòa Bình, trước mùa mưa lũ, Hội đồng đánh giá an toàn đập quốc gia (do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch) đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa để đảm bảo đủ điều kiện tích nước, vận hành theo quy trình vận hành liên hồ và quy trình vận hành đơn hồ.

Theo đó, tùy thuộc vào tình hình thủy văn, thời tiết khí hậu, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa nước sẽ có các chỉ đạo cụ thể trong quá trình vận hành. Tại thời điểm trước, trong và sau cơn bão số 3 vừa qua, Bộ Công Thương đã có 04 Công điện chỉ đạo các chủ đập công trình thủy điện, trong đó có thủy điện Hòa Bình thực hiện việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập.

Trong các công điện, Bộ Công Thương chỉ đạo các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão và hoàn lưu bão; nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện số 6844/CĐ-BCT ngày 09/9/2024 đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo các công trình thủy điện tăng cường ứng phó với bão số 3 và đảm bảo an toàn vận hành công trình thủy điện”, ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương, theo ông Phạm Nguyên Hùng: Các đơn vị vận hành đập, hồ chứa thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan hằng năm đều thực hiện việc diễn tập các phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để khi có các tình huống xảy ra, việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, các đơn vị vận hành công trình thủy điện trên lưu vực sông có nhiều bậc thang cũng có quy chế để phối hợp, thông tin cho nhau để chủ động trong công tác vận hành một cách nhịp nhàng, tránh gây các biến động dòng chảy bất thường, những tình huống xấu để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du đập.

Các hồ chứa thủy điện khu vực chịu ảnh hưởng bão Yagi nói chung và hồ thủy điện Hòa Bình nói riêng, tại thời điểm sau bão này cần tập trung cao độ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ và đặc biệt là các chỉ đạo trực tiếp từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Bộ Công Thương, lệnh vận hành của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo vận hành an toàn trong thời điểm hoàn lưu bão, mưa lũ có thể quay trở lại.

Tùng Dương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps