Bình yên xóm chài trên sông Hàn

07:00 | 04/01/2020

721 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều thành phố lớn đều có một dòng sông chảy qua, Đà Nẵng cũng vậy. Dòng sông Hàn chảy ngang qua Đà Nẵng là chứng nhân cho sự phát triển, thay đổi của thành phố miền Trung này. Đâu đó ở trên dòng sông Hàn, có những con người cả cuộc đời gắn bó với dòng sông, lặng lẽ quan sát sự phát triển của thành phố. Và, đằng sau cuộc sống của họ là những câu chuyện yên bình, nhiều ân tình.

Những chứng nhân lặng lẽ

Nhắc đến Đà Nẵng là nhiều người nghĩ đến những tàu cá lớn, vươn khơi bám biển với những hải trình kéo dài cả tháng, vượt hàng trăm hải lý. Nhưng dọc sông Hàn, ở đoạn xa những con đường lung linh điện đèn, vẫn có nhiều con thuyền nhỏ của những con người cũng nhỏ bé ngày ngày cần mẫn thả lưới trên sông.

Lão ngư Nguyễn Tấn Trung là một người như thế. Lúc chúng tôi tìm gặp, ông đang ngồi bên mép thuyền vá lưới. Ông Trung năm nay 60 tuổi, quê ở miền cát trắng Thăng Bình (Quảng Nam). Ông gắn bó với dòng sông Hàn đã 20 năm. Trước đó, ông đi khắp các con sông của xứ Quảng Đà như Thu Bồn, Trường Giang, cứ chỗ nào nhiều cá là lưu lại vài năm. Rồi vợ chồng ông ra sông Hàn, gắn bó với dòng sông này đúng thời buổi Đà Nẵng bắt đầu công cuộc đại chỉnh trang đô thị.

binh yen xom chai tren song han
Đánh cá trên sông Hàn

Thời điểm trước khi có cầu Sông Hàn, cả dòng sông Hàn chỉ có 1 cây cầu bắc qua, đó là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Dòng sông Hàn chia cắt thành phố làm hai. Bên này sông thì đèn điện sáng trưng, còn bên phía quận Ba (tên gọi cũ của quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) thì tù mù đèn dầu vì hay bị mất điện. Chỉ cách nhau một con sông mà như hai thế giới riêng biệt, xa ngái.

Cầu Sông Hàn hoàn thành, kéo theo sự phát triển của cả thành phố, nhất là bờ Đông sông Hàn. Quận Ba từ một nơi kém phát triển, đường đất khắp nơi, nhà chồ (nhà dựng tạm bợ) dọc bờ sông... đã chuyển mình phát triển mạnh mẽ. Kéo theo hiệu ứng đó, các cầu Tiên Sơn, Rồng, Trần Thị Lý, Thuận Phước lần lượt được xây dựng, thêm niềm vui kết nối giữa hai bờ, kéo theo sự phát triển, thông thương của cả thành phố. Những người gắn bó với sông Hàn như ông Trung và bạn lưới, lặng lẽ quan sát thành phố phát triển.

“Khi mới về Đà Nẵng, tụi tui neo thuyền ở chỗ cảng Đà Nẵng. Khi xây cầu Sông Hàn, tụi tui lại chuyển về phía trên, chỗ cầu Rồng bây giờ”, ông Trung nói. Rồi đến khi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được xây, xóm chài của ông Trung di chuyển lên vị trí cầu Tiên Sơn bây giờ để neo thuyền. Và ngày ngày họ vẫn đánh bắt cá, tôm trên đoạn sông Hàn kéo từ cửa biển lên cầu Tiên Sơn như trước. Chỉ khác là đoạn sông đó giờ đã có 5 cây cầu, là giao thông huyết mạch, kết nối mọi thứ ở Đà Nẵng.

Xóm chài ấy trước đây có chừng 15-20 hộ, dần dần, nhiều người già bỏ việc chài lưới mà về cố hương, giới trẻ thì không theo nghiệp; giờ còn chừng 11 hộ. Họ đều là những cặp vợ chồng gặp nhau trên con nước và ăn đời ở kiếp trên mặt nước với nhau. Xóm chài này không giống những xóm chài nơi khác ở chỗ ai cũng có quê hương, chứ không phải là những gia đình vạn chài mấy đời ăn ở trên sông. Nhưng vì ân tình với dòng sông Hàn, vì những thói quen không thể bỏ, mà họ chưa về cố hương.

Ân tình với dòng sông

Chiều trên dòng sông Hàn, nắng trải vàng ươm khắp mặt sông. Khúc sông giữa các cây cầu tàu thuyền ít qua lại, êm ả, phẳng lặng như gương. Thỉnh thoảng, có một vài chiếc thuyền nhỏ, rẽ dòng đi ngược về phía trên. Đó là thuyền của những ngư dân ở xóm chài Tiên Sơn, họ đi thả lưới buổi chiều về.

binh yen xom chai tren song han
Những cây cầu bắc qua sông Hàn làm thay đổi thành phố Đà Nẵng

Ngồi gỡ từng con cá ra khỏi lưới, ông Huỳnh Bá Lai (62 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhỏ nhẹ nói: “Tụi tui ở đây tuyệt đối không kích điện, không dùng lưới mắt quá nhỏ để đánh cá. Ở các xóm chài trên sông khác thì không biết, nhưng xóm chài nơi cầu Tiên Sơn này có những quy tắc nhất định mà tất cả đều phải tuân theo. Làm thế là để tôn trọng dòng sông đang hằng ngày nuôi sống mình”.

Ông Lai kể thêm rằng, ở xóm chài này, may mắn là tất cả các gia đình đều có con cái đề huề, gia đình ấm êm. Ông kể về trường hợp của nhà ông Trung có 9 cháu nội ngoại, 5 người con đều có công ăn việc làm. Trong đó, 3 người con ông Trung được học hành tử tế từ chính những đồng tiền bán cá tôm kiếm được từ con sông Hàn. Chỉ có 11 gia đình ở với nhau giữa sóng nước, nên tình làng nghĩa xóm được duy trì bao năm qua. Ông Lai kể tiếp rằng, nếu có ai đó có việc về quê, hay đi xa thì không ai bảo ai, người ở lại thay nhau trông coi thuyền, bơm nước ra khỏi thuyền.

Họ tình nghĩa với nhau và hết lòng cả với người dưng. Bằng chứng là rất nhiều người nhảy cầu được dân xóm chài này cứu, thậm chí là vớt xác của những người xấu số. Mấy chục năm gắn bó với sông nước, ông Huỳnh Tấn Sáu ở xóm chài này không thể nhớ nổi là mình đã cứu giúp bao nhiêu người, vớt bao nhiêu xác chết. “Quan niệm của dân sông nước truyền từ thời trước rằng, vớt xác là sẽ rất xui, bởi cướp miếng cơm của Hà Bá. Nhưng mà mình đành lòng sao được khi nhìn thấy cảnh đó. Khi họ nằm lạnh lẽo ở dưới nước thì người thân đang khóc lóc, đau khổ ở trên bờ. Lương tâm tôi không cho phép mình bỏ qua mà không giúp”, ông Sáu chia sẻ.

Khi trò chuyện với những lão ngư này, chúng tôi cảm giác họ đều rất nặng lòng với dòng sông Hàn, với những biến chuyển hai bên dòng sông. Nhưng vẫn giữ lại một khoảng lặng trong lòng mình. Tâm sự sâu thêm thì hiểu rằng, họ dành phần lớn thời gian gắn bó với dòng sông Hàn nên muốn lưu giữ những ký ức từ những ngày tháng ban đầu. Họ chọn một nhịp sống khác, nhẹ nhàng và yên ả hơn, khác hẳn cuộc sống đô thị rực rỡ ánh đèn của thành phố trẻ sôi động bậc nhất Việt Nam, dù họ chứng kiến cuộc “thay da đổi thịt” của thành phố Đà Nẵng từ những ngày đầu tiên.

Cuối câu chuyện dài, lão ngư Nguyễn Tấn Trung bảo: “Khi nào nhớ con, nhớ cháu thì tụi tui bắt xe về, còn sống trên con sóng quen rồi. Lên bờ, đến giấc ngủ yên ả quá cũng còn không quen, nói gì những thứ khác. Còn chuyện hồi hương thì tui chưa tính. Bao năm gắn bó với dòng sông này rồi. Đi mô được, nhớ lắm!”.

Người dân xóm chài dành phần lớn thời gian gắn bó với dòng sông Hàn nên muốn lưu giữ ký ức từ những ngày tháng ban đầu. Họ chọn một nhịp sống khác, nhẹ nhàng và yên ả hơn, khác hẳn cuộc sống đô thị rực rỡ ánh đèn của thành phố trẻ sôi động bậc nhất Việt Nam.

Hà Anh