Biên niên sử chương trình hạt nhân Triều Tiên

18:00 | 06/01/2016

1,535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình hạt nhân Triều Tiên được bắt đầu khởi động từ những năm 1950, với những tiến bộ trong nghiên cứu phản ứng hạt nhân nguyên tử và sự tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này.

Từ năm 1947 – 1950, Liên Xô đã tiến hành hàng loạt hoạt động thăm dò địa chất ở Bắc Triều Tiên để tìm kiếm quặng phóng xạ.

Kết quả cho thấy, Triều Tiên có trữ lượng uranium vào khoảng 26 triệu tấn, trong đó có 4 triệu tấn phù hợp cho việc xử lý công nghiệp để có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Năm 1956, Liên Xô và CHDCND Triều Tiên ký hiệp ước hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hạt nhân. Từ năm 1957, hai nước bắt đầu tiền hành trao đổi chuyên gia, chủ yếu để Liên Xô giúp Triều Tiên phát triển công nghệ phóng xạ.

Năm 1959, Liên Xô ký hiệp ước giúp Triều Tiên sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ các mục đích hòa bình, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Năm 1964, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Triều Tiên đã thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học về hạt nhân Yongbyon (nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng 90 km) để thực hiện các dựa án trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và sau đó là các công trình nghiên cứu ứng dụng vào lĩnh vực quân sự. 

Năm 1965, Trung tâm Yongbyon được Liên Xô viện trợ lò phản ứng nghiên cứu IRT 2000 với công suất 2 MW. 

bien nien su chuong trinh hat nhan trieu tien

Từ năm 1985, Yongbyon bắt đầu hế tạo lò phản ứng hạt nhân có công suất 50 MW, đồng thời Triều Tiên cũng triển khai xây dựng lò phản ứng công suất 200 MW ở khu vực Songchon. Tất cả các lò phản ứng này, theo các chuyên gia, có mục đích kép: Tạo ra điện và sản xuất plutonium cấp độ vũ khí.

Để phục vụ chương trình hạt nhân của mình, Bắc Triều Tiên đã chọn plutonium làm nguyên liệu cơ bản cho quá trình phân hạch.

Tháng 12.1985, Triều Tiên tham gia ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NNPT).

Năm 1986, phái đoàn thanh tra hiệp ước của Mỹ phát hiện ở Yongbyon một lò phản ứng năm ngoài danh mục kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Phía Triều Tiên khẳng định đó chỉ là lò cũ của Liên Xô để lại, có công suất chỉ 5 MW. Từ ngày đó bắt đầu diễn ra cuộc đấu tranh chính trị gay gắt giữa Bình Nhưỡng với cộng đồng quốc tế.

IAEA và LHQ cứng rắn yêu cầu Bình Nhưỡng phải tôn trọng NNPT và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của quốc gia tham gia ký kết hiệp ước, đồng thời phải chấp nhận sự giám sát chặt chẽ của IAEA.

Trong bối cảnh đó, Triều Tiên áp dụng chiến thuật “đối thoại đa chiều”: đàm phán riêng rẽ với Mỹ, với Hàn Quốc và với IAEA, hi vọng tìm ra lối thoát từ hoàn cảnh ngặt nghèo. Tháng 11.1989, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố chấp nhận đàm phán ba bên với Mỹ và Hàn Quốc. Với điều kiện Mỹ phải triệt thoái vũ khí hạt nhân ra khỏi Hàn Quốc và đề nghị tổ chức đàm phán giữa Bình Nhưỡng với Seoul nhằm mục đích soạn thảo, ký kết hiệp định phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tháng 2.1992, Triều Tiên ký thỏa ước chấp nhận sự thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của nước này. Trong giai đoạn 1992-1993, các thanh sát viên IAEA phát hiện nhiều báo cáo của phía Triều Tiên sai khác rất xa so với thực tế và kết luận rằng Triều Tiên đã bí mật sản xuất, tàng trữ số lượng plutonium cao hơn rất nhiều so với các số liệu trong báo cáo.

Ngày 12.3.1993, Triều Tiên ra tuyên bố về dự định rút chân khỏi NNPT, viện cớ “có mối đe dọa hạt nhân từ phía Mỹ” và “có nhiều áp đặt bất công từ phía IAEA”.

Ngày 11.6.1993, Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẽ ngừng ý định từ bỏ NNPT nếu Mỹ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Triều Tiên.

Đến ngày 21.10.1994, thỏa thuận khung giữa Triều Tiên và Mỹ về vấn đề hạt nhân và ổn định quan hệ hai nước được công bố, trong đó nêu rõ nghĩa vụ của Mỹ là phải xây dựng cho Triều Tiên nhà máy điện nguyên tử với hai lò phản ứng nước nhẹ có công suất 2 triệu KW. Đồng thời phải bảo đảm cung cấp 500 nghìn tấn nhiên liệu lỏng mỗi năm để khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng ở quốc gia này.

Nghĩa vụ của Triều Tiên là đóng băng hoặc tháo dỡ các cơ sở nghiên cứu, sản xuất năng lượng hạt nhân. Tài liệu này cũng xác nhận Triều Tiên không rời bỏ NNPT.

Ngày 12.12.2002. Triều Tiên ra tuyên bố vô hiệu hóa thỏa thuận khung năm 1994 với Mỹ và nối lại chương trình hạt nhân của mình

Ngày 10.2.2003, với lý do bảo vệ quyền lợi quốc gia trước sức ép chính trị mang tính thù nghịch ngày càng gia tăng từ phía Mỹ, Triều Tiên tuyên bố với Hội đồng Bảo an LHQ và các nước thành viên NNPT là từ ngày hôm sau (11.2), quốc gia này sẽ rút khỏi NNPT, đồng thời từ chối mọi nghĩa vụ trước IAEA.

Từ tháng 8.2003, bắt đầu các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nga, Mỹ, Trung Quốc Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Kết quả bước đầu, Triều Tiên đồng ý ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon để tiến hành tiêu hủy. Nhưng đến năm 2008, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc khi Mỹ và Triều Tiên không thỏa thuận được với nhau về phương thức thanh sát hạt nhân. Đồng thời Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối nghĩa vụ cung cấp nhiên liệu sản xuất điện thông thường để đổi lấy việc Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân.

Ngày 10.2.2005, Triều Tiên tuyên bố đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân như một phương tiện phòng thủ - răn đe.

Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân do Triều Tiên tiến hành dưới lòng đất ngày 10.2.2006 được các nhà quan sát đánh giá là có đương lượng từ 5 -15 kiloton.

Thiện Tâm

RIA Novosti