Bị Mỹ bỏ rơi, người Kurd ở Syria quay sang cầu cứu Nga

19:52 | 28/12/2018

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lo ngại trước quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump, giới lãnh đạo người thiểu số Kurd, vốn kiểm soát phần lớn khu vực phía Bắc Syria, kêu gọi Nga và chính quyền Damascus hãy gửi quân đến biên giới để ngăn không cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kéo qua.  

Theo bản tin hãng thông tấn Reuters, lời kêu gọi của người thiểu số Kurd là quân đội chính phủ Syria hãy quay trở lại vùng biên giới, cho thấy tình trạng nguy kịch của họ sau khi ông Trump bất ngờ ra lệnh rút quân.

Tuy hiện nay chưa có sự thay đổi nào ở vùng biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, do quân đội Mỹ còn đóng nơi này và ông Trump nói việc rút quân sẽ diễn ra từ từ, các giới chức Kurd đang vội vã tìm chiến lược để bảo vệ khu vực của họ trước khi Mỹ rút quân.

Các giới lãnh đạo người Kurd đang gia tăng các cuộc thương thảo với Damascus và Moscow. Họ cũng đang cố gắng tìm cách thuyết phục các quốc gia phương Tây khác lấp vào khoảng trống quân sự do Mỹ để lại.

bi my bo roi nguoi kurd o syria quay sang cau cuu nga
Người Kurd kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Syria

Khu vực do người Kurd kiểm soát hiện chiếm khoảng 1/4 lãnh thổ Syria, phần lớn nằm về phía Đông sông Euphrates. Đây cũng là nơi có nhiều trữ lượng dầu mỏ của Syria.

Hai ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Syria, ngày 21/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi “hai mối đe dọa khủng bố”: lực lượng dân quân người Kurd và những thành viên thánh chiến cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tối 22/12, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu điều quân tăng viện đến phía bắc Syria, gần một khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát, nhằm xóa sổ lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Trả lời AFP, ông Rami Abdel, Giám đốc tổ chức Syrian Observatory for Human Rights, cho biết “khoảng 35 xe tăng và rất nhiều vũ khí hạng nặng đã vượt qua đồn biên phòng Jarablos vào đầu buổi tối (22/12) và hướng về một khu vực gần sông Sajour, chảy qua Jarablos và Minbej, cách không xa chiến tuyến nơi chiến binh người Kurd đồn trú”.

Ankara lo ngại sắc tộc Kurd nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố. Từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tấn công lực lượng Kurd ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát toàn vùng Afrin sau cuộc tấn công thứ hai vào đầu năm 2018 khiến hơn 1.500 người chết.

Nhà khoa học chính trị Musa Ozuğurlu, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Trung Đông (ORSAM) của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, số phận của các đơn vị tự vệ người Kurd ở Syria phụ thuộc vào lập trường của các quốc gia trong khu vực, vào những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người Kurd.

Số phận của các đơn vị tự vệ người Kurd trực tiếp phụ thuộc vào những thỏa thuận giữa chính quyền Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Syria sẽ không cho phép người Kurd giành quyền tự trị về mặt chính trị hoặc thành lập khu tự trị. Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã cản trở quá trình đàm phán giữa người Kurd và Damascus. Kết quả là người Kurd đã tin tưởng vào Hoa Kỳ và từ chối tất cả các đề xuất của chính quyền Syria. Bây giờ, nếu người Kurd đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại với Damascus, thì chính phủ Syria có thể ngăn chặn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

bi my bo roi nguoi kurd o syria quay sang cau cuu ngaKhí tài Thổ Nhĩ Kỳ ùn ùn đổ về biên giới Syria, Nga cảnh báo
bi my bo roi nguoi kurd o syria quay sang cau cuu ngaLý do thực sự trong chuyến thăm Iraq của Tổng thống Trump
bi my bo roi nguoi kurd o syria quay sang cau cuu ngaNga "tố" vụ Israel không kích Syria đe dọa trực tiếp 2 máy bay chở khách

Th.Long

AFP