Bí mật tác động nhanh người khác qua ngôn ngữ cơ thể

18:48 | 30/07/2021

347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngôn ngữ cơ thể là ngôn ngữ không lời, có ý thức và vô thức, một phần do di truyền bẩm sinh, một phần do nuôi dưỡng học tập. Việc gửi và nhận các tín hiệu ngôn ngữ cơ thể xảy ra ở mức độ ý thức và vô thức. Tính cách của con người có thể biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể và sẽ được nhận biết bởi người đối diện. Mặt khác cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể của mình một cách có ý thức để tác động đến tình cảm và nhận thức của người đối diện.

Nghiên cứu có tính học thuật về ngôn ngữ cơ thể đầu tiên là tác phẩm The Expression of the Emotion in Man and Animals của Charles Darwin năm 1872 (Biểu lộ cảm xúc của con người và động vật). Cho đến nay đã có vô số công trình nghiên cứu và thực hành có liên quan đến lãnh vực này.

Trong bất kỳ hoạt động giao tiếp nào, người ta hiểu nhau và đánh giá nhau như thế nào là do 93% những hành vi không lời, trong đó 55% là do ngôn ngữ cơ thể (vẻ mặt, cử chỉ, khoảng cách, đụng chạm, bắt chước), 38% là do giọng nói (gọi là yếu tố cận ngôn ngữ).

Bí mật tác động nhanh người khác qua ngôn ngữ cơ thể

Trong bài này tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng một cách chủ động ngôn ngữ cơ thể để tác động nhanh đến tình cảm của người đối diện. Đây là những điều bí mật nhiều khi rất hiển nhiên mà chúng ta không chú ý.

1. Gương mặt

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”. Cái ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc rất quan trọng. Nếu thích bạn, tự nhiên họ sẽ nhìn ra điểm tốt của bạn. Nếu họ không thích hoặc chưa tin bạn thì mỗi hành động của bạn sẽ bị săm soi, đề phòng. Khi người ta đã mến bạn rồi thì bạn càng tài năng, người ta càng thích. Khi người ta đã ghét bạn rồi thì bạn càng tài năng, người ta càng ghét thêm. Khi bạn có nhiều người tài đức quý mến, hứa hẹn bạn sẽ có tương lai tươi sáng.

Khi mới gặp nhau, bạn có 3 giây đến 3 phút tạo ra ấn tượng ban đầu. Phần lớn trường hợp, bạn thật sự chỉ có vài giây. Nếu không tạo được ấn tượng tốt ban đầu, bạn vô cùng khó khăn khi gặp lại, “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông”.

Gương mặt là một trong những thành phần nghiên cứu chủ yếu của ngôn ngữ cơ thể. Một gương mặt tươi cười từ mắt đến miệng luôn tạo ấn tượng tốt và thành công cho bạn đến từ người đối diện và ngược lại.

Bí mật tác động nhanh người khác qua ngôn ngữ cơ thể

2. Bắt tay

Khi mới gặp nhau, việc hướng rốn vào đối tác, bắt tay, đụng chạm, gọi tên và thêm 1 giây là những thủ thuật đơn giản nhưng đầy sức mạnh lôi cuốn người khác hoặc bước đầu để có được một giao ước thành công.

Khi gặp nhau, bắt tay, cúi đầu, chắp tay chào… (tùy mối quan hệ, vùng hay quốc gia), gọi tên người ấy (nếu đã biết tên). Khi gặp nhau, hãy hướng rốn vào họ khi bắt tay hoặc gật đầu chào. Người phụ nữ không thích một người nói chuyện với họ mà không hướng rốn vào họ. Hướng rốn chỉ hướng mà một người quan tâm đến. Nếu người ta không thích hay chưa quan tâm đến người nào hay vật nào, họ sẽ xoay rốn đi hướng khác. Bạn có thể xem trên youtube “Hillary Clinton shake hands”.

Bí mật tác động nhanh người khác qua ngôn ngữ cơ thể
Gặp một người không phải là người bề trên, khi bắt tay chào hỏi, bạn gọi tên, đồng thời bóp nhẹ bắp tay hoặc vỗ nhẹ hoặc chạm nhẹ lưng người đó sẽ làm họ thêm cảm mến bạn. Bạn cũng có thể bắt tay bằng tay phải, dùng tay trái chạm nhẹ vào khuỷu tay hoặc bàn tay của họ, gọi tên và nhìn vào mắt họ.

Không có âm thanh nào đẹp hơn tên của một người đối với chính họ. Hãy gọi tên khi bắt tay họ.

Sau khi buông tay ra để chuyển sang bắt tay người kế tiếp, xoay rốn đi nhưng hãy giữ ánh mắt thêm một giây vào người vừa bắt tay (ý nói: “Tôi vẫn muốn ở bên bạn”). Tổng thống Bill Clinton thường hay dùng cách này.

Trong quá trình giao tiếp, cứ 10-15 phút bạn gọi tên người đó một lần. Nếu trong lòng của mình thấy thích tên của họ hãy khen tên của họ “rất ấn tượng” và hãy nói ra là mình thích tên của họ. Trong gia đình cũng vậy, những lúc người khác quan tâm đến mình, hãy gọi tên và cám ơn họ. Họ sẽ rất hạnh phúc và càng chăm lo cho mình nhiều hơn.

3. Bắt chước

Bắt chước với cùng nhịp điệu là một trong những bài học ngôn ngữ cơ thể quan trọng nhất, nó cho biết đối tác có thích hay đồng ý với bạn hay không. Đồng thời nó cũng được dùng để gây cảm tình nhanh trong vài chục phút.

Trong một cuộc họp, những người cùng quan điểm sẽ bắt chước hành vi hoặc hành vi hòa hợp nhau một cách vô thức. Những người cùng quan điểm với thủ lĩnh (chính thức hoặc không chính thức), họ sẽ tự động bắt chước một cách vô thức ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của người này. Nhìn những hành vi bắt chước nhau hay không, cho bạn biết ai sẽ bỏ phiếu tán thành và ai sẽ bỏ phiếu chống lại bạn.

Khi bạn tiếp xúc với một người mà bạn có những hành vi tích cực giống họ thì bạn nhận được thiện cảm rất nhanh. Não con người được lập trình để gắn bó, cảm mến ngay với những người có cùng hành vi (cùng sở thích ăn uống, kiểu đứng ngồi, cách nói chuyện, cách thở…). Một cách khéo léo, bạn có thể bắt chước hành vi trễ hơn một hoặc hai giây. Bạn sẽ bất ngờ khi trong vòng 20 phút, người ta sẽ có cảm tình với bạn ngay, bạn có tin không?

4. Lắng nghe

Để người ta nhanh thích mình, thì quan trọng nhất là biết lắng nghe. Người phụ nữ rất thích được người khác lắng nghe họ nói chuyện và đặc biệt, họ bị lôi cuốn bởi những đàn ông biết lắng nghe và có tính hài hước. Lắng nghe được thể hiện qua 7 nội dung sau:

(1) Mắt

Duy trì ánh mắt về hướng người ta, đừng cúi xuống khi nói cũng như khi nghe. Hãy tập chú ý màu mắt và đồng tử (con ngươi) của bất cứ người nào bạn gặp. Khi người ta nhìn một người nào hay một vật nào đó mà họ ghét, mắt họ sẽ thu nhỏ lại.

Giao tiếp bằng mắt giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ và tạo dựng lòng tin. Khi giao tiếp mắt đủ lâu, từ bốn đến năm giây, bạn sẽ tạo được thiện cảm nhiều hơn. Nếu bạn có ánh mắt đó vài ba lần, người khác sẽ nghĩ họ cuốn hút bạn vì điều gì đó.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Eckhard Hess, đồng tử (lòng đen) giãn nở một cách vô thức khi nhìn thấy điều gì đó thích thú, phấn khích hoặc kích động. Đồng tử nở to hơn, ánh sáng vào nhiều hơn để họ nhìn được rõ hơn điều mà họ thích thú. Những kẻ chơi bài thường quan sát người chơi mà đồng tử đột ngột nở to là biết bài họ lớn. Do vậy có người đeo kính râm chơi bài để người khác khỏi nhìn thấy sự giãn nở đồng tử của họ.

Bí mật tác động nhanh người khác qua ngôn ngữ cơ thể

(2) Cười và mỉm cười

Gương mặt vui tươi khi hai khóe miệng kéo lên về hướng tai. Nụ cười thật tươi khi có nếp nhăn quanh mắt, hai khóe miệng nâng lên làm gò má cũng nâng lên. Nụ cười tươi rất cần khi mới gặp nhau, lúc bắt tay cũng như trong lúc giao tiếp. Thường xuyên cười, mỉm cười sẽ tạo được thiện cảm từ mọi người, chống bệnh tật và đem lại may mắn.

(3) Gật đầu

Khi người ta nói gì đó đúng hoặc lạ hoặc hay, hãy thể hiện sự thích thú bằng gật đầu. Ngoài ra, khi nghe họ nói, thỉnh thoảng bạn nên gật đầu - điều này cho thấy bạn đang chú ý lắng nghe và hiểu điều họ nói. Các nghiên cứu chứng minh rằng những người thường xuyên gật đầu trong khi lắng nghe sẽ khai thác thông tin từ người nói nhiều gấp bốn lần so với khi không thực hiện gật đầu. Khi nghe người khác nói mà bạn không gật đầu, bạn sẽ không gây được thiện cảm với họ.

(4) Nghiêng đầu

Hơi nghiêng đầu khi đang lắng nghe và nhìn người nói - một cử chỉ chú ý, ngưỡng mộ hoặc phục tùng. Nếu có thêm nụ cười là người nghe có tình cảm với người nói hoặc tán tỉnh người nói. Nghiêng đầu là một cách gây cảm tình rất nhanh.

(5) Nghiêng người

Người nghe nghiêng người về phía người nói với tư thế mở (tay không khoanh mà để thoải mái trên đùi hay trên tay ghế, không che rốn hay vùng kín, nam chân mở rộng, không bắt chéo chân hay quặp ở cổ chân). Thể hiện sự thích thú, tán đồng, quan tâm đến chủ đề mà người nói đang trình bày.

Khi phần thân trên của một người nghiêng về phía người khác, nó biểu thị sự chú ý đến chủ đề đang nghe làm người nói rất thích. Tuy nhiên, nếu người ta chưa thích bạn mà bạn nghiêng người lấn vào sâu vùng không gian cá nhân gần của họ (0,45-0,6m) thì có thể khiến họ không thoải mái và giảm hứng thú khi trò chuyện.

(6) Tư thế mở (mở cửa, muốn giao tiếp)

Tư thế mở thể hiện qua chân tay mở rộng ở mức độ vừa phải là muốn mở lòng ra trong giao tiếp và sẵn sàng đón nhận ý kiến của người khác. Khi đứng, lưng thẳng, hai bàn chân của phụ nữ cách nhau trung bình chưa đến 15cm, còn hai bàn chân của nam cách nhau từ 15-25cm.

Nữ khi đứng, hai chân cách nhau 15-25cm là thể hiện nam tính, quyền lực và sự tự tin. Nam đứng với khoảng cách hai chân từ 25-45cm là thể hiện nam tính mạnh, quyền lực hoặc sự tự tin.

Ở tư thế cởi mở, không che hõm cổ, rốn, vùng kín, không cúi đầu cũng không ngẩng đầu, không khoanh tay, không chéo chân, không quặp chân (chéo ở cổ chân). Khi đứng hay ngồi, không khòm lưng.

Chân mở rộng và đặt trên mặt đất, hai bàn tay thả lỏng để trên đùi hoặc trên tay ghế (nếu có tay ghế), thường để lộ lòng bàn tay và cổ tay khi phát biểu.

Những người có tư thế mở thường có suy nghĩ tích cực hơn, có khả năng thuyết phục cao và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác.

(7) Hướng rốn, đầu gối, bàn chân về phía đối tượng muốn giao tiếp.

Một người khi thích người nào hay vật nào, họ sẽ hướng rốn, bàn chân, đầu gối về nơi đó và mở rộng hai tay ra (không khoanh tay hay làm hàng rào phòng thủ trước người).

Hãy hướng các vùng quan trọng vào một người bạn muốn gây thiện cảm, não của họ sẽ tự động nhận biết điều này, đặc biệt phụ nữ, họ rất nhạy bén chuyện này.

W.T. James đã nghiên cứu quy luật của cái rốn vào thập niên 1930, James đã xác định hướng của rốn xác định mức độ quan tâm của một người. 30 năm sau, tiến sĩ Albert Mehrabian đã phát triển thêm nghiên cứu của James. Ông nhận thấy rằng hướng rốn là khía cạnh quan trọng nhất trong việc “đọc” ý định của người khác. Về sau, có vô số các nghiên cứu về quy luật cái rốn khẳng định rằng quy luật cái rốn là một trong những phương pháp đo lường chính xác nhất về sự hứng thú và ý định của người khác.

Tóm lại: mắt nhìn, miệng cười, đầu gật, đầu nghiêng, người nghiêng, chân tay mở, bàn tay thả lỏng, là 7 thủ thuật lắng nghe quan trọng để chinh phục người khác. Các bạn có thể nghiên cứu tỉ mỉ hơn trong bộ sách của cùng tác giả: “Đọc nhanh suy nghĩ và cảm xúc của người khác qua ngôn ngữ cơ thể”.

Tiến sĩ Lê Đức Du

Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu QLKT TP HCM

Giám đốc Công ty Tư vấn và Trắc nghiệm nhân lực