Bị cướp tài sản có bắt buộc phải trình báo công an?

20:16 | 04/05/2017

823 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc ông Lê Hoàng Phong - Giám đốc Xí nghiệp Điện nước Chợ Mới (An Giang) bị cướp xe máy nhưng không trình báo với cơ quan chức năng. Câu chuyện càng trở nên nóng hơn khi Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới quả quyết, ông Phong có thể bị kỷ luật về việc bị cướp mà không trình báo công an.

Sau khi cướp được xe của ông Phong, đối tượng mang xe lên Đồng Nai để bán nhưng không ai mua. Cuối tháng 4/2017, tên cướp đành phải mang xe về nhà ở Chợ Mới để chờ bán. Thấy xe lạ, cha ruột của đối tượng đã gặng hỏi rồi trình báo công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Chợ Mới tiến hành điều tra, tạm giữ hai đối tượng cướp xe và phát hiện ra người bị hại là ông Phong.

Đáng chú ý, ông Trương Trung Lập - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới trả lời báo chí rằng, ông Phong có thế bị kỷ luật về việc… bị cướp mà không trình báo công an.

Theo ông Lập, sau khi Công an huyện hoàn thành hồ sơ vụ án và có kiến nghị với UBND huyện thì cơ quan này sẽ căn cứ vào quy định pháp luật, quy định về tổ chức Đảng để xem xét việc có kỷ luật ông Phong hay không?

Trước sự việc hy hữu này, nhiều ý kiến cho rằng không có cơ sở xử lý ông Phong cả về mặt hình sự lẫn hành chính. Nhưng cũng có ý kiến đồng thuận với việc xử lý ông Phong để nâng cao trách nhiệm ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm.

bi cuop tai san co bat buoc phai trinh bao cong an
Luật sư Nguyễn Huy An.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Phong thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu tài sản quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự.

Trong nhóm bốn tội xâm phạm sở hữu tài sản thì chỉ có tội cướp tài sản mới bắt buộc mọi công dân phải tố giác tội phạm khi biết rõ đối tượng gây án theo Điều 313 Bộ luật Hình sự quy định về tội che giấu tội phạm và Điều 314 quy định về tội không tố giác tội phạm. Còn hành vi chiếm đoạt xe mà chỉ có dấu hiệu của các tội cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt tài sản, thì việc không tố giác cũng không vi phạm pháp luật Hình sự.

Như vậy, trong trường hợp của ông Phong, không có cơ sở để xem xét xử lý hình sự. Vì ông Phong chỉ không trình báo về tội phạm chứ không phải là không tố giác tội phạm. Đồng thời, bị cướp mà không trình báo không thể là căn cứ để truy cứu hành vi không tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, đây là tài sản cá nhân của ông Phong đã được xác nhận quyền sở hữu bằng hình thức đăng ký sử dụng xe máy. Việc ông Phong lo sợ quá trình tìm kiếm lại tài sản bị cưỡng đoạt vừa khó khăn vừa mất rất nhiều thời gian, công sức, mà khả năng tìm được lại không cao nên không trình báo sự việc trên cũng là điều dễ hiểu.

Do đó, nếu truy cứu ông Phong vì lý do không tố giác tội phạm là một điều khá vô lý và không nên áp dụng luật quá tay trong trường hợp này.

bi cuop tai san co bat buoc phai trinh bao cong an
Luật sư Trần Minh Hùng.

Trái ngược với quan điểm trên, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình cho rằng, theo quy định pháp luật thì mọi công dân đều phải có ý thức ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, tố giác tội phạm, đó không chỉ là ý thức mà còn là nghĩa vụ. Trong trường hợp này, ông Phong đã không trình báo, tố giác mà phải đến khi chính cha đẻ của nghi phạm tố giác. Do vậy việc ông Phong bị đề nghị xử lý là có căn cứ.

Ở đây, đề nghị của công an được xem như một thông báo và cơ quan quản lý ông Phong sẽ xử lý theo quy định là có căn cứ pháp luật. Do vậy, việc ông Phong không báo cho công an, tố giác thì cơ quan ông Phong sẽ xem xét tính chất hành vi mà có hình thức xử lý kỷ luật tương ứng. Tất nhiên hành vi trên chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự.

Đinh Hương - Đông Nghi