Ung thư liên quan đến đường tiêu hóa:

Bệnh tòng khẩu nhập

06:00 | 31/03/2013

660 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo con số thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu, đối với bệnh ung thư gan, mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 20.000 bệnh nhân mắc mới và khoảng 19.000 người tử vong vì căn bệnh này/năm; ung thư dạ dày số người mắc mới từ 11.000-12.000 người/năm, trong đó 8.000 người tử vong/năm; ung thư đại tràng và ung thư thực quản cũng với con số tương tự tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn, khoảng 6.000 người/năm.

Chỉ cần bước vào cổng Bệnh viện K, cũng cảm nhận được số lượng bệnh nhân mắc ung thư hiện nay nhiều đến mức nào. Trong bệnh viện, từ cổng vào cho tới các phòng, giường, chỗ nào cũng thấy bệnh nhân la liệt với đủ kiểu đứng, ngồi… hoặc để chờ đợi đến lượt điều trị hoặc đang điều trị bằng phương pháp truyền hóa chất, xạ trị.

Ngay như giường dành cho bệnh nhân đáng lẽ chỉ có 1 bệnh nhân theo quy định thì nay có đến 4 bệnh nhân ngồi (chứ không phải nằm) truyền hóa chất. Thậm chí hành lang, chiếu nghỉ thay vì sử dụng đúng chức năng cũng trở thành nơi điều trị cho bệnh nhân do không còn giường để cho bệnh nhân nằm.

Để có thể điều trị với số lượng lớn bệnh nhân bị ung thư, Bệnh viện K cũng đã mở thêm cơ sở 2 ở Thanh Trì nhưng vẫn không đủ để đáp ứng số lượng bệnh nhân đang ngày một càng nhiều như hiện nay. Và không chỉ Bệnh viện K, nơi điều trị chuyên về ung thư mà các bệnh viện đa khoa khác trên khắp các tỉnh thành, số bệnh nhân bị ung thư cũng nhiều như vậy, đặc biệt là các chuyên khoa về ung thư liên quan đến đường tiêu hóa. 

Trong một lần trao đổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho phóng viên Báo Năng lượng Mới biết, lịch sử trong ngành ung thư, có một bệnh nhân ở Huế bị ung thư dạ dày khi mới 8 tuổi. Bởi ung thư dạ dày thông thường chỉ xảy ra ở bệnh nhân ít nhất phải ở tuổi trưởng thành, thậm chí chỉ ở khoảng 30 tuổi trở lên. Vậy mà bệnh nhân nhỏ tuổi như vậy đã mắc ung thư dạ dày, nghĩa là căn bệnh này đang gia tăng khủng khiếp.

Vậy tại sao ung thư những bộ phận liên quan đến tiêu hóa lại gia tăng đến vậy? Với thâm niên công tác và nghiên cứu chuyên về ung thư, PGS.TS Phạm Duy Hiển, nguyên Giám đốc Bệnh viện K đã nhận định: Nguyên nhân chính là do “bệnh từ miệng mà vào”, tức là do chế độ ăn uống và chất lượng thực phẩm của chúng ta hiện nay.

Đang từ chế độ bao cấp với sự phân phối thực phẩm nên phần nào thực phẩm dinh dưỡng bị hạn chế chuyển sang cơ chế thị trường, thoải mái về đồ ăn thức uống, quan trọng chỉ là tùy thuộc vào túi tiền để mua đã khiến không ít người “đổ xô” vào những thực phẩm mà trước đó được phân phối rất ít, chẳng hạn như thịt, bia, rượu…

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn hiện nay của người Việt Nam rất  mất cân bằng: thừa thịt và thiếu nhiều hoa quả. So với Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia tiêu thụ lượng thịt lớn hơn nhiều so với nước chúng ta trước đây thì giờ chúng ta “bỏ xa” vì lượng thịt tiêu thụ.

Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển thì đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư đại trực tràng. Bởi việc ăn quá ít rau xanh, hoa quả sẽ khiến cho các khoáng chất, vitamin không được bổ sung làm cho cơ thể thiếu chất, chỉ có những chất béo, đạm tích tụ trong cơ thể dẫn đến phát triển những “gốc” gây ung thư, đặc biệt là lại ăn nướng thường xuyên những thực phẩm đó.

PGS.TS Phạm Duy Hiển giải thích: “Khi chúng ta nướng đồ ăn, nhiệt độ cao sẽ biến các axít amin trong thức ăn từ chỗ là gốc không gây ung thư thành gốc gây ung thư. Đối với các thức ăn nướng cháy thì nguy cơ gây bệnh ung thư này càng cao”. Cũng cần nói thêm, nước ta đứng ở vị trí thứ 9 về bệnh ung thư đại trực tràng thì giờ đã tăng lên đứng ở vị trí thứ 4, nghĩa là bệnh nhân ung thư đại trực tràng đang tăng một cách đáng báo động.

Bên cạnh xu hướng chỉ thiên về ăn thịt thì việc uống bia, rượu tràn lan cũng là nguyên nhân gây nên bệnh những bệnh ung thư liên quan đến các cơ quan tiêu hóa. Theo thống kê của ngành y tế, hiện Việt Nam có 20 triệu người mắc bệnh viêm gan B và viêm gan C, trong đó, 70% là người lành mang trùng gây bệnh.

Tuy nhiên, nếu số người này bị kích thích bằng việc uống rượu, bia thì quá trình từ viêm gan mãn đến xơ gan rồi ung thư gan diễn ra rất nhanh. Và con số ung thư gan đã công bố ở đầu bài là 20.000 người mắc mới mỗi năm đã cho thấy phần nào nguyên nhân uống rượu, bia đã gây nên bệnh ung thư gan ra sao.

Ăn đồ nướng thường xuyên dễ mắc bệnh ung thư

Không chỉ chế độ ăn uống lệch lạc mà chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa. Khỏi phải nói một cách cụ thể thì bạn đọc cũng có thể hình dung ra chất lượng vệ sinh thực phẩm hiện như thế nào. Từ rau xanh đến thịt gia súc, gia cầm, đồ ăn sẵn… nếu không là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì là kháng sinh, thuốc bảo quản, tùy theo từng loại.

Điều đáng nói là phần lớn thực phẩm ấy là sản phẩm của chính chúng ta tạo ra rồi cung cấp cho người tiêu thụ chỉ vì lợi nhuận, vì quan niệm vật chất làm chủ đời sống. Để đạt được điều này, những người tạo ra sản phẩm đó sẵn sàng “giết chết” đồng loại một cách đúng nghĩa.

Cùng với thực phẩm “nội địa” góp phần “diệt vong” con người là thực phẩm nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc và theo đường tiểu ngạch. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực phẩm nhập khẩu theo phương thức này độc hại hơn nhiều so với sản phẩm độc hại trong nước. Bởi lần nào cũng như lần nào, khi bắt được những lô thực phẩm nhập khẩu bao giờ cũng đã ở tình trạng phân hủy và “giàu” hóa chất.

Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, chính những chất đó là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư. Ông cho biết: “Khó có thể khẳng định một cách chính xác những yếu tố cụ thể để gây bệnh ung thư trên một người bệnh. Song có một điều chắc chắn khi đưa những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (cũng như được chế biến theo cách gây độc hại) vào cơ thể thì do yếu tố nội sinh các chất vốn không gây ung thư sẽ biến đổi thành những chất gây ung thư”.

Do đó, để phòng bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh, PGS.TS Phạm Duy Hiển cho rằng: “Trước hết cần phải thay đổi ăn uống theo chế độ khoa học và hợp lý hơn bằng cách: giảm đồ ăn nướng, đồ hun khói, thực phẩm ăn sẵn, tăng cường ăn rau xanh…

Tiếp đó, trong tình trạng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm như hiện nay, đối với rau quả, trước khi sử dụng nên ngâm nước (có thể là nước muối loãng tùy theo từng loại) để có thể dung hòa bớt lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và gọt vỏ hoàn toàn. Thịt lợn, bò trước khi chế biến thì nên luộc sơ qua nước sôi nhằm loại bỏ chất bẩn, kháng sinh… Chỉ cần thực hiện như vậy thôi, sức khỏe, cuộc sống của bạn đã có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

PGS.TS Phạm Duy Hiển còn dẫn chứng: như ở Mỹ, khoảng 40 năm trước, bệnh ung thư dạ dày đứng thứ 4 về số lượng bệnh nhân. Nhưng nhờ thay đổi thói quen ăn uống, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 16 trong danh sách những nước có nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày. Do đó, để bảo vệ chính cuộc sống của bạn hãy duy trì một chế độ ăn uống sạch sẽ (dù không thể tuyệt đối), khoa học.

Xuân Bách