Bệnh nhân “oằn vai” với giá thuốc và dịch vụ y tế

14:00 | 14/10/2012

2,545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với sự tăng giá của nhiều loại thuốc Tây trên thị trường cũng như phí dịch vụ khám chữa bệnh, người dân đang phải đối mặt với gánh nặng “phí kép” trong y tế.

Sau nhiều đợt tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, giá thuốc Tây liên tục tăng trong thời gian qua. Hiện nay, trên thị trường hàng loạt mặt hàng thuốc Tây đã tăng giá 10 – 15% so với trước đây, đặc biệt nhiều mặt hàng được đẩy lên cao hơn trước đến 30%.

Một số mặt hàng tăng giá mạnh như: thuốc bổ sắt cho phụ nữ mang thai giá bán hiện tại là 868.000 đồng/hộp 100 viên, trước đây chỉ hơn 600.000 đồng/hộp; thuốc tiểu đường Glucophage 500mg (Anh) có giá 19.000 đồng/vỉ, tăng hơn 10.000 đồng/vỉ; Motillium (Ấn Độ), tăng từ 1.000 lên 4.000 đồng/viên; Amoxilin (Ấn Độ) tăng từ 7.000 đồng/vỉ lên 9.000 đồng/vỉ; thuốc kháng sinh Augmetin giá 192.000 đồng/hộp, cách đây 2 tháng giá ở mức 175.000 đồng/hộp hay thuốc kháng sinh Zinnat (Pháp) cũng tăng từ 15 - 20%.

Giá thuốc tăng liên tục trong thời gian qua làm tăng thêm gánh nặng cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ ở quận Gò Vấp) cho biết: Tôi dùng thường xuyên dùng toa thuốc chữa bệnh viêm dạ dày gồm 4 loại: Lasol prazol 30mg, Motillium, debridat, Seduxen 5mg. Mỗi đợt uống là khoảng 10 ngày. Trước Tết cả toa thuốc chỉ khoảng 29.000 đồng, giờ đây giá đã là 40.000 đồng.

Bên cạnh đó, hiện nay giá của nhiều loại dịch truyền cũng tăng mạnh: chai dịch Ringer 500 ml, tăng từ 8.200 đồng/chai, lên 10.920 đồng/chai; Pantogen đầu năm 2012 giá là 40.000 đồng nay là 45.000 - 47.000 đồng/chai; vào tháng 5 giá bán sỉ chai Vitaplex 500ml là 35.000 đ/chai, nhưng hiện nay đã tăng lên 40.000 đồng/chai.

Chị Cẩm Nhung, ngụ ở quận 1, đang chăm mẹ bị bệnh tim tại Bệnh viện tim Tâm Đức chia sẻ: Chỉ riêng tiền phí cấp cứu làm xét nghiệm, các thủ thuật cho mẹ tôi đã 2.537.000 đồng còn tiền thuốc, hóa chất, thì kinh khủng, cả triệu đồng/ngày. Theo như toa thuốc mới nhất điều trị cho mẹ tôi có thuốc Plavix 75mg (Pháp), giá hơn 22.000 đồng/viên, trước đây là 17.000 đồng/viên hay Procoralan 5mg (Pháp) từ 10.500 đồng/viên nay tăng lên gần 13.000 đồng/viên.

Lý do tăng giá được các doanh nghiệp lý giải do các yếu tố đầu vào tăng như: giá nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải…  Tuy nhiên, trong khảo sát của Tổng cục Hải quan với hơn 40 mặt hàng nguyên liệu dược thì chỉ có duy nhất 1 mặt hàng tăng giá (chiếm chưa đầy 2,5%) với mức tăng là 0,5%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đứng đầu trong các nhóm hàng hóa tăng giá mạnh trong tháng 9 là dịch vụ y tế, với mức tăng 23,87%. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế cũng có mức tăng cao nhất so với các nhóm hàng khác, với mức tăng 5,44%.

Với giá thuốc liên tục tăng trong thời gian qua, cộng với phương án điều chỉnh giá viện phí Bộ Y tế, người dân đang phải đối mặt với gánh nặng “phí kép” khi tham gia khám, chữa bệnh. Đây là điều mà ngành y tế cần xem xét để có những điều chỉnh, kiểm soát, quản lý, ổn định giá cả để giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc