Bắt tạm giam Giám đốc BQL dự án đường ống dẫn nước sông Đà

07:53 | 09/05/2015

1,258 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 8/5, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (C46, Bộ Công an) đã Tống đạt Lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) và ông Trần Cao Bằng (Giám đốc Công ty Cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex) - đơn vị cung cấp đường ống nước DN1500 về hành vi vi phạm các quy định trong xây dựng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Hoàng Thế Trung đã không giám sát, không thực hiện đúng kỹ thuật và kiểm tra năng lực của nhà thầu trong quá trình xây dựng đường ống nước sạch sông Đà DN1500. Đây là nguyên nhân khiến đường ống kém chất lượng, vỡ liên tục trong thời gian qua.

Tuyến đường ống nước sông Đà do Tổng công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 1.500 tỉ đồng, được đưa vào hoạt động từ năm 2008 với công suất 300.000 m3 nước mỗi ngày đêm. Trong 6 năm hoạt động, đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) đã 10 lần vỡ hoặc gặp sự cố, ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân ở Hà Nội.

 

Hình ảnh một vụ vỡ đường ống và ông Hoàng Thế Trung.

Lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đường ống là ngày 4/2/2012, tại KM10+900 trên Đại lộ Thăng Long. Sự cố gần nhất xảy ra vào ngày 12/7/2014, Km 25 Đại lộ Thăng Long (đoạn gần cầu Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra liên tiếp thời gian vừa đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hơn 70 nghìn người dân trong khu vực.

Sau lầm xảy ra sự cố vào ngày 26/4, Cục Giám định Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục. Để xác định nguyên nhân sự cố, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ nguyên nhân.

Hơn 2 tháng đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc liên tiếp vỡ đường ống dẫn nước DN1500, trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến DN1500 được xác định do chất lượng của ống không đồng đều. Tại một số vị trí ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp và một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng.

Sau lần vỡ thứ 9, C46 vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy những dấu hiệu vi phạm trong quá trình xây dựng, nên cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan. Được biết, gói thầu thi công đường ống truyền tải DN1500 do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư.

Thiên Minh (Năng lượng Mới)