Bắt 33 cảnh sát nghe lén Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ

20:22 | 05/08/2014

719 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/8, cơ quan An ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 33 cảnh sát trong chiến dịch điều tra vụ theo dõi và nghe lén điện thoại của Thủ tướng Tayyip Erdogan.

Vụ bắt giữ kể trên được Cơ quan An ninh thực hiện đồng thời tại thủ đô Istanbul và hơn 10 tỉnh khác. Đây là đợt bắt giữ thứ hai trong 2 tuần qua liên quan đến vụ nghe lén Thủ tướng Tayyip Erdogan. Bởi trước đó (22/7), 115 cảnh sát đã bị bắt giữ và 31 người trong số này vẫn đang bị tạm giam vì liên quan đến cáo buộc nghe trộm điện thoại và hoạt động tội phạm có tổ chức.

Theo giới truyền thông, từ tháng 6 đến nay, Thủ tướng Tayyip Erdogan đã chỉ đạo cơ quan chức năng bắt giữ nhiều quan chức dính chàm nhằm thanh lọc lực lượng cảnh sát. Được biết, những cảnh sát kể trên từng bí mật thiết lập một tổ chức bí mật để nghe lén điện thoại của hơn 2.200 người, trong đó có nhiều chính trị gia, nhà báo và đại diện giới khoa học. Dư luận coi việc bắt giữ kể trên là hành động trấn áp mới nhằm vào các đối thủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.

Thủ tướng Tayyip Erdogan

Cách đây khoảng 10 ngày (26/7), Đài truyền hình nhà nước TRT của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cơ quan công tố đã truy tố 8 cảnh sát vì tội nghe lén điện thoại các quan chức cao cấp chính phủ, trong đó có Thủ tướng Tayyip Erdogan. 8 cảnh sát kể trên đã bị tạm giam, chờ ngày hầu toà với các tội danh gián điệp, nghe lén điện thoại và giả mạo tài liệu. Việc bắt giữ và truy tố 8 cảnh sát này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống mà theo các cuộc thăm dò dư luận thì Thủ tướng Tayyip Erdogan có nhiều khả năng giành chiến thắng. Trước khi bắt và truy tố 8 cảnh sát kể trên, cơ quan chức năng đã bắt hơn 100 quan chức cao cấp của cảnh sát, trong đó có chỉ huy đơn vị chống khủng bố của cảnh sát Istanbul.

Liên quan tới vụ bắt giữ hơn 100 quan chức cao cấp của cảnh sát, Thủ tướng Tayyip Erdogan đã tố cáo phong trào tôn giáo của nhà truyền đạo Fethullah Gulen, 72 tuổi (đang sống lưu vong tại Mỹ, từng là đồng minh của Thủ tướng Tayyip Erdogan) đã giật dây cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào những người thân cận của mình. Và vì vấn đề này, ông Tayyip Erdogan đã sa thải hàng nghìn cảnh sát và công tố viên bị tình nghi là những người thân cận với nhà truyền đạo Fethullah Gulen. Đồng thời khẳng định, cuộc điều tra những người ủng hộ ông Fethullah Gulen sẽ còn mở rộng chừng nào còn làm Thủ tướng. Theo tờ Star, các đồng minh của ông Fethullah Gulen đã nghe lén hơn 7.000 người kể từ năm 2011 với cái cớ những người bị nghe lén là thành viên của một tổ chức khủng bố có tên Tauhid Salam.

Ngày 13/3, ông Tayyip Erdogan đã cáo buộc phe đối lập tìm cách kích động người biểu tình gây hỗn loạn trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 30/3. Trước đó (5/3), Thủ tướng Tayyip Erdogan tuyên bố, sẵn sàng từ chức nếu đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương. Sức ép đòi ông Tayyip Erdogan từ chức gia tăng sau khi Tổng thống Abdullah Gul ký (26/2) phê chuẩn luật siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành tư pháp, văn bản được coi là đòn đáp trả cuộc điều tra tham nhũng.

Cách đây 3 tháng (5/5), với đa số áp đảo 453/9 phiếu thuận, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua kế hoạch thành lập ủy ban (gồm 15 thành viên, trong đó 9 thành viên thuộc đảng Công lý và Phát triển cầm quyền) điều tra các cáo buộc tham nhũng nhằm vào 4 cựu bộ trưởng dưới quyền Thủ tướng Tayyip Erdogan. Sau khi có kết quả điều tra, ủy ban này sẽ quyết định có khởi tố các nghi can kể trên hay không. Trước đó (19/3), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã họp khẩn để bàn về những cáo buộc tham nhũng nhắm vào 4 cựu bộ trưởng này. Và các nghị sỹ đối lập đã coi vụ bê bối tham nhũng là "vết nhơ đối với nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo giới truyền thông, cựu Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan bị cáo buộc nhận nhiều đồ hối lộ, bao gồm chiếc đồng hồ trị giá 300.000 USD, để tạo thuận lợi cho việc chuyển vàng trái phép sang Iran. Theo tài liệu điều tra của cảnh sát, ông Zafer Caglayan bị cáo buộc đã nhận hàng chục triệu euro tiền hoa hồng từ doanh nhân Reza Zarrab. Cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan Liên minh châu Âu (EU) Egemen Bagis bị điều tra với cáo buộc lơ là trách nhiệm dẫn đến sử dụng sai mục đích nguồn quỹ EU dành cho chương trình trao đổi sinh viên.

Hai nghi can còn lại gồm cựu Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler và cựu Bộ trưởng Môi trường Erdogan Bayraktar, từ chức hồi tháng 12/2013 sau khi cảnh sát bắt giữ con trai của họ với cáo buộc thực hiện hành vi hối lộ để được nhận các dự án xây dựng và được chuyển tiền trái phép sang Iran. Khi đó, Thủ tướng Tayyip Erdogan coi cuộc điều tra là "động thái bôi nhọ thanh danh" của chính phủ với sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Bởi ông Tayyip Erdogan từng bị cáo buộc có liên quan tới các đoạn ghi âm với con trai mình về việc giấu những khoản tiền lớn.

Đông Ngàn - Từ Sơn