Bấp bênh đời sống dân vạn chài

07:00 | 18/09/2019

1,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày thường cuộc sống cư dân vạn chài vốn đã khó khăn, vất vả, mùa mưa lũ lại càng tăng thêm nỗi gian nan và hiểm nguy. Hơn ai hết, những người sống bằng nghề chài lưới luôn mong sông nước yên bình và khao khát một mảnh đất để dựng nhà, có chốn đi về an toàn trong những ngày bão gió.

Những ngày này, dòng sông Lam nước đục ngầu và chảy cuồn cuộn, những con thuyền của cư dân vạn chài thuộc xóm 2, xã Nam Tân (huyện Nam Đàn, Nghệ An) neo sát tận triền sông. Sau một đêm cùng con thuyền vật lộn với dòng nước xiết để quăng chài, thả lưới, vợ chồng anh Ngô Công Thắng (sinh năm 1986) trở về với tâm trạng mệt mỏi và phần nào… thất vọng.

Vừa chuẩn bị đưa số cá ít ỏi đánh bắt được ra chợ bán, chị Nguyễn Thị Mai (vợ anh Thắng) vừa trò chuyện với chúng tôi: “Hai vợ chồng đi làm từ gần tối hôm qua đến 5 giờ sáng hôm nay chỉ được chừng này cá, bán hết may chăng cũng chỉ được khoảng 150 nghìn đồng, không đủ tiền xăng dầu và chi phí cho một gia đình 5 người”.

bap benh doi song dan van chai
Anh Ngô Công Thắng vá những mảnh lưới bị rách

Khi chị Mai ra chợ, anh Thắng tranh thủ thu dọn đồ nghề, vá víu lại những mảnh lưới bị rách. “Cá tôm ngày một hiếm, mưa gió ngày càng thất thường, nên cuộc sống thêm khó khăn, không biết bao giờ có đủ tiền để lên bờ mua đất, làm nhà cho đỡ cực” - anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng kể tiếp, xóm vạn chài Nam Tân trước kia có 22 hộ, từ năm 2010 được cấp đất, dựng nhà theo dự án tái định cư cho các làng chài trên sông Lam của UBND tỉnh Nghệ An. Lên bờ định cư, các hộ dân xóm chài vẫn sống bằng nghề chài lưới. Nhà có tới 5 anh em trai, đến lúc lấy vợ, sinh con thì khu vườn hơn 200m2 và ngôi nhà nhỏ bé của bố mẹ anh Thắng không thể đủ chỗ cư ngụ. Không có tiền mua đất, làm nhà, vợ chồng anh phải trở ra tá túc trên con thuyền nhỏ cạnh mép sông và mưu sinh bằng nghề chài lưới. Đến lượt em trai là Ngô Công Thành lập gia đình cũng phải sắm thuyền rồi đưa vợ con ra sông Lam sinh sống. Tiếp đến, 3 gia đình khác có hoàn cảnh tương tự cũng theo ra bám sông nước mưu sinh.

Sống cảnh “nước sông, gạo chợ” rất đỗi bấp bênh. Vì nhiều lý do nên tôm cá vơi dần rồi 5 con người (vợ chồng anh Thắng có 3 con nhỏ) chen chúc trong chiếc thuyền chật chội. Mùa nắng thì bức bí, mùa mưa nước tạt vào, tấm bạt cũ rách không thể ngăn được luồng gió quật mạnh. Lo nhất là mùa bão lụt hay lúc nước sông đột ngột dâng cao, những đêm như thế trở thành “đêm trắng” vì không ai dám ngủ, sợ nước mạnh làm đứt dây neo hoặc đánh đắm thuyền. Anh Thắng kể: “Cơn bão số 4 vừa rồi, chúng em phải sơ tán 3 đứa nhỏ vào nhà ông bà nội, hai vợ chồng thức trắng đêm để canh thuyền. Vẫn biết là nguy hiểm nhưng toàn bộ tài sản của gia đình đều ở đây, mình vắng mặt lỡ nước to sẽ cuốn đi hết, nếu không thì cũng dễ bị mất trộm”.

bap benh doi song dan van chai
Xóm vạn đò ở xã Nam Tân (Nam Đàn)

Dù mưa to, nước lớn, những cư dân vạn chài ở Nam Tân vẫn phải mưu sinh, hằng đêm vẫn lái thuyền máy ngược lên Thanh Chương, xuôi tận Hưng Nguyên để quăng chài, buông lưới.

Chúng tôi tiếp tục ghé sang con thuyền của gia đình anh Ngô Công Thành. Con thuyền của vợ chồng anh bé hơn so với thuyền của anh trai, vừa đặt chân lên mũi, thuyền đã tròng trành như muốn lật nghiêng. Nhưng vợ chồng anh Thành mới có một con gái hơn 2 tuổi nên còn tương đối “dễ thở”, áp lực mưu sinh cũng chưa đến mức quá nặng.

“Ban đêm, để yên tâm chài lưới, chúng em phải gửi con nhờ ông bà nội, ngoại trông giúp, sáng sớm mới đón về. Thu nhập tùy vào lượng tôm, cá bắt được, ngày nào nhiều thì được khoảng 200 nghìn đồng, ngày ít chỉ xấp xỉ 100 nghìn đồng, nói chung là “bữa đực, bữa cái”, không ổn định” - anh Thành bộc bạch.

Dân vạn chài cùng những con thuyền vẫn mải miết giữa mênh mông dòng nước lũ. Bao đời gắn bó với sông nước, những cư dân vạn chài luôn ước ao có “tấc đất cắm dùi”, để đỡ gian nan và hiểm nguy trong mùa nước lũ.

Cùng sống trên những con thuyền nơi mé sông còn có gia đình anh Ngô Công Hùng, Ngô Công Dũng và mẹ con chị Ngô Thị Loan. Họ có chung một mong ước là có một mảnh đất nhỏ để dựng ngôi nhà, cho dù đơn sơ nhưng an toàn hơn rất nhiều so với những con thuyền mong manh giữa sông nước mùa bão lũ.

Trao đổi về nguyện vọng của những cư dân vạn chài, ông Đào Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Nam Tân - cho biết: “Những gia đình sống trên thuyền là do tách hộ, không có đất ở, trong khi dự án tái định cư đã hoàn thành. Hiện tại quỹ đất của xã không còn, các hộ này chỉ còn cách mua đất của các gia đình khác”. Nhưng với nguồn thu nhập ít ỏi và bấp bênh, có lẽ 5 gia đình này còn rất lâu hoặc sẽ không bao giờ chạm tay được tới niềm mong ước.

Nghe câu chuyện của những người dân vạn chài ở Nam Tân, chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện từ mấy năm trước của ông Lê Văn Nga - một cư dân của xóm chài Tam Sơn. Trong một đêm mưa gió, nước sông đột ngột dâng cao, sóng đánh tan con thuyền của gia đình ông, rất may mọi người kịp chạy lên bờ. Sáng hôm sau, ông phải nhặt nhạnh những thứ sót lại dạt vào bờ, lên triền sông dựng túp lều tạm bợ để tá túc.

bap benh doi song dan van chai
Gia đình anh Ngô Công Thành sinh sống trên con thuyền chật hẹp

Hay chuyện của anh Trần Văn Lai ở xóm chài xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương) đi chài một mình trong đêm, gặp mưa to gió lớn, nước sông đột ngột dâng cao, liền chạy thuyền trở về. Đến nơi, thấy chiếc thuyền của gia đình sắp đứt dây neo, vợ anh vốn xuất thân là dân trên bờ nên chỉ biết… đứng khóc. Anh Lai lập tức xuống buộc thêm dây neo rồi cõng vợ lên bờ, sơ tán đồ đạc đến nhà họ hàng ở trong xóm...

Chúng tôi lại đi dọc bờ sông Lam, ngược lên Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn và xuôi về Hưng Nguyên đều gặp những xóm chài nhỏ bé với những con thuyền neo đậu dọc mé sông. Dân vạn chài cùng những con thuyền vẫn mải miết giữa mênh mông dòng nước lũ. Bao đời gắn bó với sông nước, những cư dân vạn chài luôn ước ao có “tấc đất cắm dùi”, để đỡ gian nan và hiểm nguy trong mùa nước lũ.

Bao giờ niềm mơ ước ấy sẽ thành hiện thực?

Trần Công Kiên