Bảo vệ lá phổi cho thợ mỏ

07:00 | 28/04/2013

1,479 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung tâm Y tế lao động - Vinacomin là đơn vị đầu tiên và cũng là duy nhất trong cả nước thực hiện việc “súc rửa” bụi phổi và chữa bệnh nghề nghiệp của ngành than. Nhiều năm qua trung tâm đã thực hiện hàng ngàn ca công nghệ rửa phổi bụi silic thành công. Hiện nay, trung tâm điều trị bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh chất lượng cao cho ngành than đã bước đầu được xây dựng.

Đi đầu - đón trước

Bệnh bụi phổi silic, hay còn gọi bệnh xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất trong ngành than. Bệnh này do các tinh thể silic tự do, có kích thước rất nhỏ, xâm nhập sâu vào phía trong, lắng đọng và tích tụ gây ra xơ hóa các thùy phổi. Các tinh thể silic không thể thải hồi ra khỏi cơ thể. Bệnh này tiến triển liên tục kể cả khi người thợ lò ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Nguy cơ dẫn đến tình trạng suy hô hấp và gây tử vong rất cao. Lượng silic hít vào càng nhiều thì thời kỳ ủ bệnh càng ngắn và bệnh tiến triển càng nhanh. Bụi phổi silic là bệnh nghề nghiệp lâu đời nhất thế giới, hằng năm giết chết nhiều ngàn người ở khắp nơi.

Tại Việt Nam, con số tích lũy các ca chẩn đoán đến nay là khoảng 9.000 người, chiếm 90%. Các bệnh đường hô hấp của công nhân mỏ. Theo thống kê, khoảng 18% công nhân mỏ than lộ thiên, hầm khai thác đá, lò đúc và luyện kim đều có bụi phổi silic. Bác sĩ Trần Quang Lương, Giám đốc Trung tâm Y tế lao động - Vinacomin chia sẻ: “Công nghệ lọc phổi được trung tâm áp dụng thử nghiệm từ cuối năm 2004. Qua gần 10 năm thử nghiệm và đi vào hoạt động, trung tâm đã thực hiện súc rửa phổi thành công cho 1.880 bệnh nhân mà không hề xảy ra tai biến nào. Từng lá phổi được cô lập trước khi súc rửa bằng nước muối sinh lý.

Trung tâm Y tế lao động - Vinacomin

Sau khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ đặt một ống nội khí quản và dùng một chai nước muối sinh lý để đưa vào phổi. Nếu lượng nước không ra hết một lần, sẽ được can thiệp bằng cách bóp bóng. Trung bình mỗi lần rửa dùng 6-12 lít nước, tùy vào lượng bụi có trong phổi, người bệnh sẽ phục hồi 80-90% sức khỏe. Quy trình rửa phổi không cần nhiều máy móc nhưng cần nhiều người túc trực theo dõi, mỗi ca súc rửa có 6 y, bác sĩ luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân... Rửa bụi phổi là phương pháp hỗ trợ điều trị làm thông thoáng đường hô hấp cho bệnh nhân. Tức là lấy bớt lượng bụi đã lắng đọng trong phổi người bệnh, giảm tiến triển của bệnh. Đối với những trường hợp phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể  rửa hết”.

Theo số liệu thống kê, hiện ngành than phát hiện được khoảng gần 2.000 công nhân bị bệnh bụi phổi cấp và còn nhiều người mắc bệnh này ở các ngành nghề khác. Dự kiến, trong thời gian tới, trung tâm sẽ mở rộng quy mô, đối tượng phục vụ để chữa trị, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho công nhân...

Từ năm 2004, qua nghiên cứu tài liệu, trao đổi, được tin Trung Quốc áp dụng thành công công nghệ súc rửa phổi bụi silic, trung tâm đã đề xuất với Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Vinacomin) để được ứng dụng công nghệ rửa phổi chữa bệnh cho thợ mỏ Việt Nam. Mọi việc bắt đầu từ những chuyến công tác của lãnh đạo tổng công ty đến vùng mỏ của Trung Quốc. Nguyên Tổng giám đốc Vinacomin Đoàn Văn Kiển rất quan tâm đến thông tin trên, nên đã chỉ đạo quyết liệt khâu “thăm dò” thực tế cũng như mua lại toàn bộ các “gói” (đào tạo, thực hành, chuyển giao) công nghệ trên với giá trị lên tới cả triệu USD.

Những bác sĩ trẻ ngay sau đó được gửi sang Trung Quốc để tiếp thu công nghệ và quy trình súc rửa phổi. Tại Viện Điều dưỡng quận Bắc Đới Hà, thành phố Tần Hoàng Đảo (Hà Bắc, Trung Quốc), các bác sĩ của trung tâm cùng những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm của Việt Nam đã trực tiếp tham gia làm thủ thuật trên dưới 100 ca. Khi đã nắm vững được quy trình và công nghệ, các bác sĩ Trung Quốc đã cho phép họ độc lập súc rửa phổi cho 23 thợ mỏ Trung Quốc và đó là những kinh nghiệm để họ thành công khi về súc rửa phổi cho thợ lò ở Việt Nam.

Coi trọng dự phòng

Ngành than có tỷ lệ công nhân mắc bệnh nghề nghiệp rất cao, trong khi đó điều trị dự phòng là vấn đề còn nhiều bất cập.

Mặc dù hệ thống y tế các đơn vị ngành than - khoáng sản hoạt động khá linh hoạt vừa có chức năng khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh thông thường, vừa có chức năng phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, áp lực công việc ngày càng nhiều, điều kiện khai thác ngày càng sâu, môi trường khắc nghiệt, lượng công nhân tăng... khiến tỷ lệ công nhân mắc bệnh có xu hướng gia tăng. Tuy vậy, mỗi năm, chỉ có 200-300 công nhân được đi súc rửa phổi, chủ yếu là những công nhân ở tình trạng bệnh tương đối nặng mới được hưởng chế độ khám chữa bệnh theo quy định, người bệnh nhẹ thì phải chờ đợi…

“Ai cũng hiểu một điều phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng thực tế cho thấy cơ chế, chính sách Nhà nước không theo đúng quan điểm này. Chỉ chữa bệnh cho trường hợp đã xác định bệnh bụi phổi mới được hưởng trợ cấp bảo hiểm. Trong khi đó, còn rất nhiều công nhân khác có khả năng tiềm ẩn bệnh thì rõ ràng không có cơ chế, chính sách nào giúp họ ngăn ngừa bệnh bằng cách điều trị sớm cho công nhân. Nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể thực hiện được…”, Giám đốc Trần Quang Lương trăn trở.

Thực tế thấy rõ nguy cơ cao nhất tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các trong các ngành khai thác mỏ đá, điều kiện trang thiết bị thô sơ là điều trị dự phòng hoàn toàn bị bỏ ngỏ, mặc dù có quy định được ban hành khá rõ về an toàn lao động. Nhưng hầu như công nhân không sử dụng khẩu trang vì cảm thấy vướng víu, cản trở quá trình hô hấp trong môi trường làm việc cường độ cao, thiếu dưỡng khí. Vì vậy, công nhân bị ảnh hưởng trực tiếp khi hít phải bụi than, tỷ lệ mắc bệnh rất lớn.

Giám đốc Trần Quang Lương cho rằng, cần có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đặc biệt là trong công tác điều trị dự phòng ngay từ nơi sản xuất. Hiện nay, trung tâm điều trị bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh chất lượng cao của ngành đang được đầu tư xây dựng và sẽ sớm đi vào hoạt động cho thấy công tác chăm lo sức khỏe người bệnh đang là hướng đi đúng đắn của Vinacomin. Bên cạnh đó, việc đảm bảo mục tiêu y tế cơ sở cũng như giữ nguyên mô hình hoạt động như hiện nay của trung tâm tại khu vực Mạo Khê và Vàng Danh, liên kết với các đơn vị y tế khác để nâng cao trình độ y tế cơ sở; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những chiến lược phát triển và chương trình hành động trong thời gian sắp tới của trung tâm.

Trung tâm Điều trị bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh chất lượng cao - Vinacomin gồm 3 khối nhà với 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư hơn 187,4 tỉ đồng. Gồm các khu điều trị ngoại trú, khu dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Các khoa, phòng chuyên môn được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với trang thiết bị tiên tiến như máy CT Scanner, máy chụp cộng hưởng từ... nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc bệnh nhân. Phòng bệnh được bố trí 4 giường, một số phòng đặc biệt 2 giường, 1 giường, tất cả đều được thiết kế khép kín, có hệ thống điều hòa và nước nóng bằng hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài ra, công trình còn có một số hạng mục phụ trợ tạo cảnh quan môi trường đẹp, giao thông nội bộ thuận lợi cho bệnh nhân đến khám ngoại trú và điều trị nội trú.


Tùng - Kiên