Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Bao nhiêu bậc là phù hợp?

06:00 | 08/11/2019

361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dựa trên những tiêu chí tính đúng, tính đủ, rõ ràng, minh bạch..., nhóm nghiên cứu của Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đề xuất cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện xuống còn 5 bậc, bỏ bậc 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên trên 700kWh.      

Sáng ngày 5-11-2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam” do PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm.

bao nhieu bac la phu hop
Công nhân điện lực

Tại hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, sau khi phân tích cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành áp dụng với 4 nhóm đối tượng khách hàng (sản xuất; kinh doanh; hành chính sự nghiệp và hộ gia đình), chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong việc áp dụng, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đã đưa ra 3 phương án cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Sau khi phân tích 3 phương án, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn phương án giá bán lẻ điện 5 bậc thang, trong đó bỏ bậc 50kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700kWh. Cụ thể: Bậc 1: Dưới 100kWh; Bậc 2: Từ 101 đến 200kWh; Bậc 3: Từ 201 đến 400kWh; Bậc 4: Từ 401 đến 700kWh: Bậc 5: Từ trên 700kWh. Căn cứ điều chỉnh được nhóm nghiên cứu xác định là: Cơ cấu tiêu dùng, cơ cấu thu nhập đã thay đổi, phương án giá điện 5 bậc thang là phù hợp hơn cả.

Cũng tại đề án, nhóm nghiên cứu đã đề xuất điều chỉnh các cấp điện áp áp giá với việc đưa vào cấp điện áp siêu cao cáp 220kV, đồng thời cơ cấu lại 3 cấp điện áp danh định gồm: Cao áp (110kV); trung áp (từ 6 đến dưới 110kV) và hạ áp (dưới 6kV). Cơ cấu biểu giá điện cho hộ hành chính sự nghiệp chỉ còn 1 tính chất tiêu dùng và tính mức giá cho hộ này theo cấp điện áp. Cùng với đó, phải luật hóa việc điều chỉnh giá điện và được ấn định thời gian cụ thể là ngày 1 tháng 3 và 1 tháng 9 hằng năm.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ bình quân. Chỉ tiêu này cần được xác định một cách rõ ràng hơn nhằm bảo đảm các mục tiêu sản xuất kinh doanh của ngành điện, đặc biệt là phát triển hệ thống điện khi nhu cầu vẫn tăng rất cao như hiện nay, từ 10-12%/năm.

Góp ý với những các kết quả nghiên cứu, đánh giá và phương án đề xuất được đưa ra trong đề án, GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - nhấn mạnh, biểu giá điện sinh hoạt luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, tác động trực tiếp tới nhiều mặt của nền kinh tế. Cơ cấu biểu giá điện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, phát triển bền vững của EVN. Do vậy, việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc cải tiến cơ cấu biểu giá điện có ý nghĩa rất quan trọng.

Đồng tình với đề xuất điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 5 bậc, ông Trần Đình Long khẳng định quan điểm, “dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít”.

Tuy nhiên, trong phần góp ý, ông Trần Đình Long đề xuất nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện theo đầu người thay vì hộ gia đình như hiện nay. Theo ông Long, trong thực tế, có hộ gia đình chỉ có 3 người nhưng lại tách làm 2 công tơ. Trong khi đó, có những hộ gia đình có đến 5-6 người vẫn chung 1 công tơ. Đó là sự không công bằng. Vị chuyên gia đưa ra một ví dụ cụ thể: Một người khi chưa xây dựng gia đình, ở một mình, lượng điện tiêu thụ hằng tháng là 200kWh, tương ứng với tiền điện 316 nghìn đồng. Nhưng khi người đó xây dựng gia đình, lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình đó là 400kWh, tiền điện bình quân sẽ là 356 nghìn đồng/người/tháng. Nếu gia đình đó tăng lên 4 người, lượng điện tiêu thụ là 800kWh, tiền điện bình quân sẽ hơn 400 nghìn đồng/người/tháng.

Ông Trần Đình Long cũng đồng tình với việc phải luật hóa việc điều chỉnh giá điện mà nhóm nghiên cứu đưa ra, tức là điều chỉnh vào các thời điểm 1-3 và 1-9 hằng năm. Ông Long ví dụ: Ở Thái Lan, giá điện được thay đổi theo chu kỳ 3 lần mỗi năm, 4 tháng/lần.

“Cứ đến chu kỳ ấy, EVN báo cáo thay đổi giá điện, cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét thông qua hoặc không thông qua. Tuy nhiên, vấn đề này cần được luật hóa rõ ràng”, ông Long nhận định.

Bày tỏ sự trăn trở với vấn đề giá điện, bởi cứ mỗi lần giá điện tăng là xã hội lại phản ứng, PGS.TS Trần Văn Bình, giảng viên cao cấp, Viện Kinh tế và quản lý (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm phải luật hóa việc điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh này có thể tăng hoặc giảm nhưng phải bảo đảm sự minh bạch.

Ông Bình cho rằng, với ngành điện, giá thành điện biến động rất nhiều, tùy thuộc vào năm đó có mưa hay không. Nếu mưa nhiều, hồ thủy điện nhiều nước, giá thành thấp thì có thể giảm giá bán điện. Ngược lại, nếu năm đó khô hạn, thủy điện thiếu nước, phát điện hạn chế, phải huy động các nguồn điện khác với giá thành cao thì có thể xem xét điều chỉnh tăng giá bán điện.

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - nhấn mạnh, điện không phải là nguồn tài nguyên vô hạn mà chúng ta có thể sử dụng lãng phí. Vì vậy, dùng điện càng nhiều phải trả phí cao là hoàn toàn đáp ứng nguyên tắc về giá. Việc xác định giá điện cũng phải theo nguyên tắc tổng hợp từ nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện thu, chi của EVN. Cần làm rõ vì sao không thể áp dụng phương án giá điện đồng giá mà phải có sự phân chia thành các bậc giá, theo nguyên tắc dùng nhiều trả nhiều, dùng lãng phí thì phải chịu chi phí cao.

“Việc xây dựng giá điện cần phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người sử dụng điện, thuận lợi trong quản lý của ngành điện, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước”, ông Thỏa nói.

Nhấn mạnh trình độ khoa học, công nghệ của nền kinh tế đã có sự thay đổi, cơ cấu thu nhập thay đổi tác động đến nhu cầu sử dụng điện và cơ cấu phụ tải điện cũng có sự thay đổi, TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - ủng hộ việc tính toán, điều chỉnh lại cơ cấu biểu giá điện phù hợp, hướng tới sự phát biển bền vững, bảo đảm môi trường... TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần đưa chi phí môi trường vào giá điện và không nên khuyến khích các ngành sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng...

“Giá điện không phải do EVN quyết định, nhưng EVN lại phải gánh chịu sự phản ứng của dư luận mỗi lần điều chỉnh giá. Trong khi đó, hiện trong cơ cấu nguồn điện, EVN chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là của các nhà đầu tư bên ngoài”, TS Trần Đình Thiên cho biết thêm.

TS Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng, trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá, tuy nhiên đã đến lúc cần phải điều chỉnh. Giá điện dành cho sản xuất thấp là để khuyến khích đầu tư nhưng hậu quả là các công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Đây là những hộ tiêu thụ điện rất lớn nhưng không chịu đổi mới công nghệ, do giá điện còn thấp. Đó là chưa kể hiện nay, việc đầu tư cho ngành điện rất “teo tóp”, bởi đầu tư vào ngành điện sẽ lỗ. Đó là lý do vì sao các dự án điện lớn đều buộc các doanh nghiệp như EVN, PVN phải đầu tư, nhưng đầu tư không có lãi.

“Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải bảo đảm được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho nhà đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành điện”, TS Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh.

Điện không phải là nguồn tài nguyên vô hạn mà chúng ta có thể sử dụng lãng phí. Vì vậy, dùng điện càng nhiều phải trả phí cao là hoàn toàn đáp ứng nguyên tắc về giá.

Hà Lê

  • el-2024