Báo động tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh
TS. BS Vũ Tề Đăng, Khoa Sơ sinh của bệnh viện Từ Dũ chỉ tay về góc cuối căn phòng nơi chăm sóc trẻ sơ sinh để chỉ cho tôi 2 đứa trẻ vừa bị cha mẹ bỏ rơi. Đó là 2 bé trai mới vài ngày tuổi đang nằm trong nôi, một trẻ ngủ ngon lành, còn một trẻ đang gào khóc. Hai bé được đặt trong chiếc nôi cạnh những trẻ sơ sinh khác, chỉ khác biệt một điều những chiếc nôi thông thường được đánh dấu bằng mảnh giấy ghi tên cha, tên mẹ, còn chiếc nôi của hai bé được đánh dấu bằng hàng chữ “Con bỏ”.
Nhìn hai đứa trẻ xinh xắn, thật đáng thương khi không được nâng niu, đón nhận hơi ấm tình thân như bao trẻ khác. Vừa mới chào đời, chưa kịp nhận biết điều gì thì thật không may, các em đã bị bỏ rơi, bơ vơ, lạc lõng trên đời mặc dù còn cha, còn mẹ.
Bác sĩ Vũ Tề Đăng chua xót nói: Vậy là, có thêm hai bé hoàn toàn khỏe mạnh đã bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện khi chưa kịp đặt tên. Trẻ bị bỏ rơi là chuyện thường ngày tại các bệnh viện phụ sản. Bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Các trẻ này được các y, bác sĩ chăm sóc cho hoàn toàn cứng cáp, sau đó chuyển cho các cơ sở xã hội để nuôi dưỡng.Nhiều bà mẹ sinh con xong thì lén bỏ đi biệt vô âm tín; có người thì làm đủ các thủ tục xác nhận bỏ con rồi mới đi… Ngoài những trẻ dị tật bị bỏ rơi, những trẻ khỏe mạnh bị bỏ rơi thường được sinh ra từ những bà mẹ lầm lỡ, trong đó đa phần là sinh viên, học sinh, công nhân sống xa nhà.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Ng, 22 tuổi, quê ở Đồng Tháp, là công nhân ở KCN Tân Bình, sau khi sinh một bé gái được 3 ngày tuổi thì bỏ con lại bệnh viện và trốn viện. Bé được chuyển sang nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình của bệnh viện Từ Dũ. Vài tháng sau, cháu bé được một người nước ngoài xin nhận làm con nuôi nhưng yêu cầu phải có giấy xác nhận bỏ con của gia đình cháu bé. Theo hồ sơ lưu lại ở bệnh viện, một nữ hộ sinh tìm đến nhà cháu bé để hoàn tất các thủ tục xác nhận bỏ con. Khi cô hộ sinh tìm được đến nơi thì cũng là lúc đám cưới của mẹ cháu bé đang diễn ra. Biết chuyện, gia đình cháu bé vội vàng kéo cô hộ sinh vào nhà, nhanh chóng ký xác nhận bỏ con rồi thúc giục cô đi vì sợ lộ chuyện.
Cũng có những trường hợp dở khóc dở cười, như chuyện bé gái 13 tuổi, ngụ ở TP HCM. Do thân mình mập mạp nên cháu mang thai mà gia đình không ai hay biết. Khi đang chơi ngoài sân thì cháu bị đau bụng dữ dội, cha mẹ đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu thì mới biết cháu không có bệnh tật gì mà đau bụng vì sắp sinh con! Cháu được chuyển sang bệnh viện Từ Dũ để sinh, sau khi sinh con thì gia đình cháu bé quyết định không nuôi dưỡng đứa trẻ mới ra đời mà bỏ lại để bệnh viện lo liệu.
Cũng có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi không phải sinh ra từ những bà mẹ lầm lỡ như trường hợp sản phụ Trần Thanh T, là giáo viên của một trường tiểu học, sản phụ được chồng và gia đình đưa đi sinh đàng hoàng nhưng khi biết đứa trẻ sinh ra bị sứt môi thì cha mẹ cháu đã quyết định bỏ con mình, mặc dù các bác sĩ đã khuyên nhủ và giải thích đây chỉ là một dị tật nhẹ chỉ cần một phẫu thuật đơn giản thì đứa trẻ có thể hoàn toàn bình thường.
Những trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viện thật không thể nào kể hết. Trong khi hàng ngàn người khao khát được có con nhưng bị hiếm muộn, vô sinh thì còn rất nhiều những người may mắn có những đứa con khỏe mạnh nhưng lại chối bỏ. Nó báo động về lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm của một bộ phận giới trẻ. Những người đã không dám chịu trách nhiệm với cuộc đời mình mà trút hậu quả cho những đứa trẻ thơ vô tội gánh chịu. Tương lai của các em không biết sẽ ra sao khi vừa chào đời đã côi cút mặc dù còn cha, còn mẹ trên đời.
Mai Phương
-
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
-
UNCLOS 1982 - "Xương sống" để Việt Nam ban hành chính sách và hệ thống pháp luật về biển
-
Đảm bảo tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
-
Thống nhất thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí
-
Quốc hội xem xét rút ngắn nhiệm kỳ, ấn định ngày bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp