Bản tin năng lượng xanh: Trung Quốc nổi bật lên là nước dẫn đầu điện gió và mặt trời

14:00 | 27/05/2022

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã ghi nhận đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021.
Bản tin năng lượng xanh: Trung Quốc nổi bật lên là nước dẫn đầu điện gió và mặt trời

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) mới đây đã công bố báo cáo về tình hình lắp đặt tuabin gió trên thế giới trong năm 2021. Theo báo cáo, 30 nhà sản xuất tuabin gió đã lắp đặt 28.234 tuabin với tổng công suất 104,7 GW trong năm 2021, trong đó có 93,6 GW công suất đã được đưa vào vận hành. Mặc dù ngành điện gió có một năm thành công về mặt logistics, song hiệu quả tài chính của các nhà sản xuất tuabin gió đã xấu đi do môi trường giá cả cực kỳ cạnh tranh và chi phí cao. Trong số 30 nhà sản xuất, 18 công ty nằm ở khu vực châu Á-TBD, 9 nhà sản xuất ở châu Âu. Có 15/30 nhà sản xuất chiếm hơn 98% thị trường tuabin gió toàn cầu. Các công ty này đại diện cho 5 quốc gia là Đan Mạch, Trung Quốc, Mỹ, Đức và Tây Ban Nha. Đặc biệt là 10/15 nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu đến từ Trung Quốc.

Vestas vẫn duy trì là nhà cung cấp tuabin số 1 thế giới, chiếm 17,7% tổng số tuabin lắp đặt trong năm vừa qua. Xếp ở vị trí thứ hai là công ty Goldwind (Trung Quốc) với 11,8% thị phần. Siemens Gamesa ở vị trí thứ 3 với 9,7% thị phần. Riêng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, ba vị trí dẫn đầu về cung cấp tuabin gió trong năm 2021 đều đến từ Trung Quốc, gồm Sewind, MingYang và Goldwind. Nguyên nhân xuất phát từ việc 80% công suất điện gió ngoài khơi mới của thế giới được lắp đặt ở Trung Quốc trong năm 2021. Báo cáo của GWEC cũng cho thấy, xu hướng dài hạn trên thị trường vẫn là tăng công suất và đường kính của tuabin gió. Công suất trung bình của các tuabin mới được lắp đặt trong năm 2021 đã vượt mốc 3,5 MW. Số lượng các rotor có đường kính trên 140 m đã chiếm hơn 58%.

Thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã ghi nhận đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021, bất chấp sự thâm hụt kéo dài một năm trong chuỗi sản xuất của ngành năng lượng mặt trời. Trung Quốc đã bổ sung thêm 54,9 GW công suất lắp đặt mới trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2020 là 48,2 GW và 30,1 GW của năm 2019. Hiện tại, nước này chiếm gần 1/3 tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn cầu.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ ghi nhận bổ sung thêm 26,9 GW công suất điện mặt trời trong năm vừa qua. Xếp ở vị trí thứ ba là EU với khoảng 25 GW công suất được bổ sung. Ấn Độ và Nhật Bản xếp ở các vị trí tiếp theo với 13 GW và 6,5 GW. Một số thị trường mới nổi có đóng góp đáng kể vào động lực tăng trưởng điện mặt trời trong năm 2021 gồm: Brazil (5,5 GW); Úc (4,6 GW), Hàn Quốc (4,2 GW), Mexico (1,8 GW). Cũng theo báo cáo, năng lượng mặt trời hiện đáp ứng khoảng 5% nhu cầu điện toàn cầu. Ngoài ra, sự đóng góp của hệ thống quang điện vào quá trình khử carbon trong cân bằng năng lượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, người đứng đầu tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco nhận định, thế giới cần xem xét lại kế hoạch chuyển đổi năng lượng trong tình hình hiện nay và gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, bởi ngay cả khi hoạt động kinh tế toàn cầu giảm, nhu cầu tiêu thụ hydrocarbon lỏng sẽ không giảm xuống dưới 100 triệu bpd, trong ngắn hạn, thậm chí có thể tăng lên 105 triệu bpd sau khi vận tải hàng không phục hồi (+2,5 triệu bpd). Công suất khai thác dự phòng thế giới hiện chỉ còn khoảng 2%.

Viễn Đông