Bản tin Năng lượng xanh: Thế giới điều chỉnh mục tiêu năng lượng xanh

14:00 | 22/04/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Báo cáo của JP Morgan cho thấy tỷ trọng đầu tư vào năng lượng tái tạo đang thay đổi, hoàn toàn trái ngược với kết quả của IEA, tổ chức này năm ngoái cho rằng không cần đầu tư mới vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Bản tin Năng lượng xanh: Thế giới điều chỉnh mục tiêu năng lượng xanh

Đan Mạch quyết định tạm thời từ bỏ chương trình nghị sự xanh, tăng khai thác khí đốt tại biển Bắc nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng LB Nga. Song song, chính phủ có kế hoạch loại bỏ dần sử dụng khí đốt. Ngày càng nhiều quốc gia EU quay lưng với chương trình cam kết phát triển bền vững, và có thể xung đột Ukraine chỉ là cái cớ cần để từ bỏ chính sách năng lượng sai lầm. Sản lượng khai thác khí đốt Đan Mạch đạt đỉnh 10,5 tỷ m3/năm vào năm 2005, sau đó giảm đều 11%/năm xuống còn 1,4 tỷ m3/năm vào năm 2020 với nhu cầu tiêu thụ khoảng 2,3 tỷ m3/năm. Ngoài Đan Mạch, nhiều khả năng các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt Anh, Netherlands và Na Uy sẽ lựa chọn tăng sản xuất hydrocarbon nội địa nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của chính mình và cắt giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Chính phủ LB Nga sẽ tạm thời cho phép sản xuất động cơ ô tô với tiêu chuẩn môi trường giảm thấp đến cuối năm 2022 (thậm chí Euro-0), thay vì Euro-5 trong điều kiện thiếu thốn thiết bị điện tử (các nhà sản xuất Phương Tây ngừng cung cấp bộ điều khiển trung tâm), tuy nhiên, không từ bỏ sử dụng các thành phần khác nhằm hạn chế phát thải tác động đến môi trường như chất xúc tác (catalyst). Người tiêu dùng trong điều kiện hiện nay không quá bận tâm đến yếu tố môi trường, miễn là có phương tiện sử dụng. Nhà sản xuất xe tải Kamaz đang chờ văn bản chính thức để đăng ký bán 5.000 xe tải tiêu chuẩn Euro-2.

Báo cáo của JP Morgan cho thấy tỷ trọng đầu tư vào năng lượng tái tạo đang thay đổi, hoàn toàn trái ngược với kết quả của IEA, tổ chức này năm ngoái cho rằng không cần đầu tư mới vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.

JP Morgan cho biết, thế giới cần 1,3 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng đến trước năm 2030 để tránh khủng hoảng năng lượng. Ngân hàng này cho rằng, nhu cầu năng lượng sẽ vượt xa tốc độ tăng cung khoảng 20% từ nay đến 2030 dựa trên các xu hướng hiện tại, chủ yếu là do các nền kinh tế mới nổi đang đẩy mạnh nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Các nhà phân tích của ngân hàng cho rằng cần đầu tư vào tất cả các lĩnh vực của tổ hợp nhiên liệu và năng lượng, bao gồm dầu khí, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, trong khi nhu cầu về dầu mỏ dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2030 và khí đốt là 18%.

Viễn Đông