Bản tin năng lượng xanh: Châu Âu quay ngoắt với cam kết không phát triển dự án dầu khí mới

18:09 | 18/03/2022

434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nền kinh tế lớn châu Âu đi đầu trong phong trào năng lượng xanh như Anh, Đức đến nay đều quay ngoắt với cam kết không phát triển dự án dầu khí mới (chỉ 4 tháng sau hội nghị khí hậu Glasgow).
Bản tin năng lượng xanh: Châu Âu quay ngoắt với cam kết không phát triển dự án dầu khí mới

Các nền kinh tế lớn châu Âu đi đầu trong phong trào năng lượng xanh như Anh, Đức đến nay đều quay ngoắt với cam kết không phát triển dự án dầu khí mới (chỉ 4 tháng sau hội nghị khí hậu Glasgow). Chính phủ Đức thậm chí có kế hoạch sửa đổi thỏa thuận liên minh 3 đảng, trong đó điều kiện tiên quyết của đảng Xanh là không cấp phép khoan mới khu vực biển Bắc. Trong khi Thủ tướng B. Johnson triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các lãnh đạo ngành năng lượng để thảo luận về gia tăng đầu tư vào E&P khu vực biển Bắc nhằm nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng LB Nga.

Báo cáo “Triển vọng năng lượng” mới nhất của tập đoàn dầu khí BP cho biết, chi phí trên một đơn vị năng lượng (LCOE) của loại hình điện mặt trời có thể giảm tới 55% vào năm 2030 khi công nghệ và chi phí sản xuất giảm. Theo BP, vai trò của nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng giảm nhờ sự bù đắp và mở rộng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tỷ trọng NLTT trong cơ cấu năng lượng sơ cấp toàn cầu sẽ tăng từ 10% (2019) lên 35-65% vào năm 2050. Với sự hỗ trợ của quá trình điện khí hóa, công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió tích hợp đến năm 2050 sẽ tăng từ 9-15 lần so với năm 2019. Các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm hơn 3/4 động lực tăng trưởng công suất điện mặt trời và điện gió, trong đó Trung Quốc đóng góp khoảng 1/4 động lực tăng trưởng.

Khả năng tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực điện mặt trời và điện gió phụ thuộc vào một loạt các yếu tố như: khả năng truyền tải và phân phối điện năng; sự sẵn có có của nguyên, vật liệu chính; công tác quy hoạch và cấp phép của nước sở tại và khả năng chấp nhận của xã hội. Ngoài ra, sự tăng trưởng năng lượng mặt trời và năng lượng gió đòi hỏi sự gia tăng đáng kể nguồn lực đầu tư và cả công suất mới, cũng như các công nghệ và cơ sở hạ tầng. Phía BP dự báo, thế giới sẽ bổ sung tổng cộng 21.000 GW công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió đến năm 2050. Con số này thấp hơn một chút so với dự báo của IEA là 22.700 GW. Theo Bloomberg NEF, LCOE trung bình toàn cầu cho các dự án điện mặt trời quy mô tiện ích trong nửa đầu năm 2021 là 48 USD/MWh.

Công ty phân tích JMK Research & Analytics cho biết, Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất module năng lượng mặt trời trong vòng 2 năm tới nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ và các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, theo đó, tổng công suất sản xuất module tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng từ 18 GW/năm lên 36 GW/năm. Năng lực sản xuất tế bào quang điện trong nước cũng sẽ được mở rộng hơn nữa, từ 4 GW lên 18 GW cũng trong thời gian này. Nghiên cứu của JMK Research & Analytics cũng cho thấy, nhu cầu về một hệ sinh thái sản xuất module năng lượng mặt trời tích hợp trong nước đã được đề cập nhiều lần trong năm 2021 do giá module tăng 25% do thiếu nguyên liệu, giá điện tăng tại Trung Quốc và chi phí vận tải quốc tế tăng.

Viễn Đông