Bài học đắt giá cho du lịch Việt Nam

08:26 | 10/07/2016

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xưa nay, việc Trung Quốc có những tuyên truyền mang tính chất xuyên tạc về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam không phải là chuyện quá xa lạ. Thế nhưng, mới đây, ngay tại lãnh thổ Việt Nam xuất hiện hiện tượng người Trung Quốc mang mác hướng dẫn viên (HDV) du lịch cùng với những bài thuyết trình mang tên “Trung Quốc bành trướng” đối với lãnh thổ Việt Nam trở thành bài học đắt giá đối với du lịch của nước ta. Và câu hỏi được dư luận đặt ra rằng: Trách nhiệm của cơ quan quản lý tới đâu? Cần làm gì trước hiện trạng này? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này!  

PV: Những ngày qua, việc HDV người Trung Quốc hoạt động trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng, rồi xuyên tạc lịch sử Việt Nam đã gây bức xúc cho dư luận xã hội. Điều này, trước nay chưa bao giờ có tiền lệ. Với góc độ là một nhà khoa học lịch sử và đặc biệt gắn bó với Đà Nẵng, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

bai hoc dat gia cho du lich viet
Ông Bùi Văn Tiếng

Ông Bùi Văn Tiếng: Trước hết xét về phương diện luật pháp Việt Nam và việc tuân thủ pháp luật thì hiện tượng HDV người Trung Quốc xuyên tạc khi hướng dẫn cho khách du lịch Trung Quốc là một sự vi phạm pháp luật. Việc vi phạm này có thể do sự buông lỏng trong quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng trong thành phố, cũng có thể do những HDV tiếng Trung không làm hết trách nhiệm của mình. Tôi đang nói đến sitting guide và sleeping guide (những HDV người Việt được thuê để đối phó với cơ quan chức năng - PV). Điều này tạo điều kiện cho HDV người Trung Quốc lộng hành. Nhưng điều căn bản ở đây, việc HDV người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam là một hoạt động có ý thức và có tổ chức, thể hiện tư tưởng bành trướng đại Hán.

Có thể nói, đây là sản phẩm của một nền giáo dục bành trướng từ phía Trung Quốc. Với một trong

“Để chấn chỉnh các hoạt động du lịch, ngày 6-7, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát các hoạt động du lịch và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại một số địa phương. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu UBND các cấp chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn phối hợp với ngành du lịch tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý lao động hành nghề trái phép cũng như các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch… Kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh đối với các trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép”.

những sản phẩm của nền giáo dục đó là các HDV người Trung Quốc hoạt động trái phép, họ đã tìm cách lan tỏa đến Việt Nam. Đây là một hiện tượng hết sức nguy hiểm. Nó nguy hiểm hơn rất nhiều lần, nó đáng lên án hơn rất nhiều lần so với những hành vi vô văn hóa kiểu như là đốt tiền Việt, đòi tiêu nhân dân tệ... So với những hành động kia, cũng là vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng hành động xuyên tạc này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Đây là một sự xâm lăng văn hóa, cố tình đưa “đường lưỡi bò” lên trên bộ.

PV: Phải chăng việc giáo dục, đào tạo HDV của Việt Nam có vấn đề, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Nhìn nhận những người HDV du lịch Trung Quốc cố tình mạo danh là người Việt Nam để truyền bá tư tưởng bành trướng, là sản phẩm của một nền giáo dục bành trướng. Thì chúng ta phải nhìn nhận ngược lại mình một cách thẳng thắn trong việc giáo dục lòng tự tôn, yêu nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết cho thế hệ trẻ; đặc biệt là giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho HDV du lịch người Việt... Những điều này còn hạn chế.

Rõ ràng là chúng ta chỉ mới giới thiệu, bồi dưỡng, trang bị những hiểu biết về danh lam thắng cảnh, về ngôn ngữ. Chỉ thông thạo một ngoại ngữ nào đó là yên tâm đã có thể làm tròn trách nhiệm. Kỳ thực cái quan trọng nhất là đạo đức nghề nghiệp. Với một HDV du lịch có tâm, đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn không thể nào chấp nhận tình trạng mình chỉ ngồi không để hưởng một ngày khoảng 300 Nhân dân tệ, tương đương 1 triệu đồng. Ấy là đạo đức nghề nghiệp của HDV chưa đạt. Có thể vấn đề kiến thức và kỹ năng chưa bàn tới, nhưng về mặt đạo đức thế là chưa được và khó có thể chấp nhận được.

bai hoc dat gia cho du lich viet
Du khách Trung Quốc gắn nhãn “Hướng dẫn viên du lịch” tại Đà Nẵng - Việt Nam

Vấn đề của chúng ta là phải thẳng thắn nhìn nhận lại sự giáo dục của chúng ta, đặc biệt là đào tạo HDV du lịch. Có lẽ trước khi cấp thẻ hành nghề phải tổ chức những lớp bồi dưỡng về tư tưởng để nhấn mạnh lại về đạo đức nghề nghiệp, lòng tự tôn dân tộc. Thật ra không phải không có làm nhưng mà những người có ý thức về lòng tự hào dân tộc, về đạo đức nghề nghiệp thì họ đi dự. Còn những người lẽ ra cần được đào tạo, trang bị kiến thức thì lại không tham dự. Nhưng do nhu cầu về HDV tiếng Trung thiếu nên cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm trong việc cấp thẻ. Mới dẫn đến tình trạng rơi vào một số ngoại ngữ hiếm như Trung Quốc, Hàn Quốc.

PV: Tôi đã có những cuộc tiếp xúc với những người Việt gốc Hoa. Trong chia sẻ của mình, họ nói rằng, nếu nghe thấy HDV người Trung Quốc nói sai về lịch sử Việt Nam, họ sẽ phản bác lại và yêu cầu cải chính. Là người gốc Hoa, họ làm được như vậy nhưng có những người Việt dù vô tình hay cố ý lại đang hằng ngày “nối giáo cho giặc”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về góc nhìn này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Người Hoa là một bộ phận của người Việt. Đặc biệt là người Hoa Minh Hương, là tên gọi của những người Hoa di cư, di dân sang Việt Nam vào thời gian nhà Thanh chiếm nhà Minh bên phía Trung Quốc. Việt Nam là một dân tộc, một đất nước đã cưu mang họ, chìa tay ra sẵn sàng đón tiếp họ để họ có một đời sống an bình nhiều thế kỷ.

Họ là bộ phận của người Việt, phải khẳng định như vậy. Họ đã gắn bó với đất nước này, với dân tộc này. Họ đồng hành với chúng ta trong nhiều thế kỷ, họ đã đi cùng chúng ta qua nhiều cuộc chiến tranh. Cho nên, những tiếng nói thể hiện sự phản ứng, thậm chí là ý thức phản kháng lại, làm rõ vấn đề, đấu tranh với những điều sai trái của HDV người Trung Quốc hiện tại là xuất phát từ nhận thức hết sức đúng đắn đối với bản chất của lịch sử. Chính họ là những người nắm rõ hơn ai hết bản chất lịch sử.

Có thể do vô tình, có thể vì miếng cơm manh áo, vì sinh kế nhưng những HDV tiếp tay cho người Trung Quốc, họ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của một cuộc xâm lăng văn hóa. Họ tiếp tay, nối giáo cho giặc. Và có thể gọi là chà đạp lên lòng tự tôn dân tộc, chà đạp lên số phận của dân tộc.

Chúng ta phải có những sự phản ứng tột độ, nhưng đây quyết không phải là một sự kỳ thị chủng tộc. Khi chúng ta phát triển du lịch, chúng ta xem du lịch là kinh tế mũi nhọn. Chúng ta luôn mở cửa với tất cả sự hiếu khách, trong đó có cả người Trung Quốc. Nhưng với những ai, bất kỳ ở quốc tịch nào mà có hành động sai trái, vi phạm pháp luật, coi thường người Việt, chà đạp lên tình hữu nghị. Đặc biệt là xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc văn hóa thì chúng ta không thể chấp nhận được.

PV: Đó chẳng phải là do sự quản lý của các cơ quan chức năng thực sự có vấn đề, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đây là vấn đề của quản lý Nhà nước. Rõ ràng nếu quản lý chặt, chúng ta phải buộc công ty lữ hành báo cáo là tiếp bao nhiêu khách trong một ngày, số HDV tiếng Trung là ai, đoàn bao nhiêu người. Không thể viện lý do không nắm được.

Để có sự phối hợp tốt, để mà toàn dân làm du lịch, toàn dân làm quản lý Nhà nước thì rõ ràng phải tuyên truyền, giáo dục. Ví dụ các ngành như công an, nên có những đồng chí công an biết tiếng Trung. Để có thể len lỏi trong những đoàn khách du lịch nắm tình hình. Có thể phát động một đợt công an ra quân dẹp nạn HDV chui được không? Khi thấy họ hành nghề, lập tức đến yêu cầu trình thẻ, không trình được thẻ thì lập biên bản tại chỗ. Thanh tra du lịch cũng phải như vậy, cứ thử phát động khoảng một tuần. Lập tức là có tác động ngay. Những HDV người Trung Quốc lộng hành bởi họ nghĩ rằng không ai làm gì họ.

Đây cũng là vấn đề truyền thông và giáo dục công dân. Thật ra việc phát hiện một HDV người Trung Quốc đang hành nghề trái phép không khó. Trong đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc dễ dàng nhận ra ai là người thuyết minh, người dân hoàn toàn có thể làm được việc đó. Nếu có sự giáo dục, tuyên truyền, vận động tốt thì ngành du lịch không đơn độc.

PV: Ông vừa nhắc đến một khái niệm rất hay là “toàn dân làm du lịch, toàn dân quản lý Nhà nước về du lịch”, ông có thể chia sẻ thêm?

Ông Bùi Văn Tiếng: Toàn dân làm du lịch và toàn dân làm quản lý Nhà nước về du lịch nghĩa là tất cả mọi người đều vào cuộc. Từ những người làm sân bay ở khâu đầu, đến những người bán hàng, những người lái xe... Ví dụ, cán bộ xuất nhập cảnh làm nhiệm vụ ở sân bay, kiểm tra hộ chiếu rồi đối chiếu xem có phải thật giả, có vấn đề gì không. Nhưng nếu thế thôi thì chưa đủ. Phải có bảng thống kê hằng ngày, những người đã nhập cảnh ngày hôm nay, hạn định đến ngày nào. Đến ngày về mà không có thì đi đâu? Thì rõ ràng là lợi dụng chiêu bài du lịch để vào hoạt động tại Đà Nẵng. Một người nhập cảnh nhiều lần tại một điểm với lý do du lịch chúng ta có quyền nghi ngờ vì đó là rõ ràng đi hành nghề, không thể gọi là đi du lịch được. Đó chưa kể là công an có thể thâm nhập để tác nghiệp an ninh. Ngành du lịch vẫn là chính, nhưng các ngành khác có thể có sự vào cuộc tốt hơn.

Người dân có thể phát hiện tốt hơn. Ví dụ lái xe và người phụ xe du lịch, họ có thể phát hiện được, thành nguồn tin để cung cấp cho cơ quan chức năng. Thời gian vừa qua, số anh em HDV tiếng Trung ở Đà Nẵng và các nơi đã có công trong việc lên tiếng cảnh báo, phát hiện, cung cấp bằng chứng thì dư luận bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Lúc đó ngành du lịch mới giật mình vào cuộc. Phát hiện họ làm HDV chui mới là một phần, bề nổi thôi. Phát hiện họ vi phạm pháp luật là một chuyện, nhưng phát hiện họ xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc văn hóa, thể hiện tư tưởng bành trướng thì là những người am hiểu tiếng Trung, hằng ngày tiếp xúc với HDV Trung Quốc. Đó là sự vào cuộc của toàn dân.

Thời gian qua, truyền thông làm rất tốt, xới xáo được vấn đề này và làm nổi bật để dư luận vào cuộc. Nhưng những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các địa phương chưa lên tiếng. Phải lên truyền hình nói về việc này, Bí thư, Chủ tịch TP cần làm việc này mới tạo được hiệu ứng. Có thể đi tắm biển để chứng tỏ nước biển sạch, không bị ô nhiễm. Những luận điệu xuyên tạc này, những nhận định sai lầm về lịch sử đất nước cũng ô nhiễm không kém.

Lợi ích dân tộc là tối thượng và thượng tôn pháp luật luôn phải đặt lên hàng đầu. Quán triệt được một cách đồng bộ hai điều này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề HDV du lịch. Mà còn là vấn đề người Việt tiếp tay mua nhà, mua đất, kinh doanh những cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc, những tour du lịch không đồng (không đem lại thuế và giá trị kinh tế - PV). Tất cả đều được giải quyết, nếu như tất cả người Việt đều đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và thấy được tầm nguy hiểm của cuộc xâm lăng văn hóa này.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xuyên tạc lịch sử Việt Nam

Việc Trung Quốc chiếm vai trò của HDV du lịch Việt Nam, đã vậy còn xuyên tạc lịch sử Việt Nam trên chính lãnh thổ Việt Nam là một việc không thể chấp nhận được, nó xúc phạm nghiêm trọng tới nền văn hóa lịch sử của Việt Nam. Thế nhưng đây không phải là lúc đổ lỗi cho nhau. Trước tiên, chúng ta phải trách chính mình.

bai hoc dat gia cho du lich viet
Nhà Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Nếu ta tổ chức tốt các khâu từ dẫn tour, thuyết minh, phiên dịch cho tới quản lý thật chặt các HDV du lịch “chui” người Trung Quốc tại Việt Nam thì có lẽ đã không xảy ra hiện tượng này rồi. Trước nay hiện tượng có một số lượng khách du lịch người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vẫn đang hoạt động “chui” tại Việt Nam dưới cái mác “HDV du lịch” nhưng các cơ quan chức năng của ta vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý triệt để vấn đề này. Qua sự việc lần này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách quản lý của các đơn vị làm du lịch cấp cơ sở.

Tại Đà Nẵng đã hình thành hẳn một đơn vị chuyên trách lĩnh vực này là Sở Du lịch, vì thế cần phải quy rõ trách nhiệm của đơn vị này cũng như sự vô trách nhiệm của các doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành khi để cho người Trung Quốc tự dẫn đoàn, thuyết trình xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Thử hỏi, nếu sang Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, người Việt Nam có dám tự đứng lên thuyết trình hay dẫn đoàn được không, chứ chưa nói đến việc tuyên truyền về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Tại mỗi nước đều có các quy định rất chặt chẽ về vấn đề này, tại sao chúng ta lại không làm được như họ? Đã đến lúc không chỉ ngành du lịch mà các cơ quan chức năng cần phải hành động. Nếu không có người Việt đứng đằng sau và vô trách nhiệm, chỉ vì cái lợi trước mắt thì chắc chắn, nhóm người Trung Quốc kia không thể có cơ hội để tuyên truyền sai trái như vậy được. Vì thế nên, chúng ta phải cương quyết xử lý các cá nhân, đơn vị có liên quan để xảy ra tình trạng này, từ đó rút kinh nghiệm không để xảy ra sự vụ tương tự nữa.

Cần xử lý mạnh tay

bai hoc dat gia cho du lich viet
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức:

Đây là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ, khi ngay tại lãnh thổ Việt Nam, người Trung Quốc lại có hành vi tuyên truyền xuyên tạc vô ý thức như vậy. Trước đây, lúc tôi còn công tác tại Tổng cục Du lịch, con số khách Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu tại các tỉnh thành phía Bắc khá đông. Tuy nhiên giờ đây, lượng khách Trung Quốc đã vào tới tận Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh thành Miền Trung với con số lên tới hơn 20.000 người mỗi tháng. Việc này đòi hỏi phải có những biện pháp quản lý tương xứng.

Qua sự việc này phải nhìn rõ vấn đề ở hai khía cạnh: Một là, ở các đơn vị kinh doanh lữ hành họ luôn đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu, họ sẽ khoán thẳng việc dẫn đoàn, thuyết minh cho người Trung Quốc. Vì thế, hai chữ “đạo đức” trong kinh doanh đã vô tình bị họ buông bỏ lúc nào không hay nên mới xảy ra sự vụ này.

Hai là, về phía các cơ quan quản lý. Ở đây chính là Sở Du lịch Đà Nẵng. Khi đoàn khách Trung Quốc tới thăm Chùa Linh Ứng trên Bán đảo Sơn Trà tại sao một người dám tự xưng là hướng dẫn viên du lịch đứng ra tự tin thuyết minh cho đoàn khách người Trung Quốc đi cùng về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với lãnh thổ Việt Nam?

Vì thế, để giải quyết tận gốc thì phải giải quyết được hai điểm mấu chốt này. Đơn vị kinh doanh lữ hành, Sở Du lịch các địa phương phải tăng cường các biện pháp quản lý lượng HDV du lịch hoạt động “chui” không phép tại các địa điểm du lịch. Sẵn sàng thanh kiểm tra và xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam đối với những du khách vào Việt Nam và hoạt động du lịch trái phép, cũng như đối với các đơn vị kinh doanh lữ hành vi phạm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia trong ngành du lịch cũng kiến nghị, cần có sự phối hợp làm việc giữa các đơn vị chuyên trách thuộc Sở Du lịch với cả Công an, Văn hóa nhằm tạo ra sự đồng bộ trong việc quản lý du khách đến Việt Nam du lịch.

Huyền Anh - Thanh Hiếu - Thảo Phượng

Năng lượng Mới 538