Bài 6: Chưa có ưu đãi tín dụng xanh cho các dự án điện gió, điện mặt trời
Tại tọa đàm "Triển vọng phát triển Tài chính xanh" do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức, các chuyên gia rằng, việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, dù bắt đầu từ sớm nhưng khung pháp lý về tài chính xanh, kinh tế xanh vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, rất cần có những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa |
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho tài chính xanh, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, chúng ta đang nói rất nhiều nhưng làm rất ít. "Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời… vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
TS. Nghĩa lấy ví dụ, Quỹ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho vay khắt khe như ngân hàng thương mại, chỉ có lãi suất thấp hơn. Theo đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng, chỉ cho vay vào các dự án xử lý rác thải với điều kiện nghiêm ngặt như những khoản tín dụng bình thường. Để vay tiền từ quỹ này, doanh nghiệp cũng cần phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng, chỉ có lãi suất thấp hơn thị trường 2%.
Theo TS. Nghĩa, đây chưa thể được coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô của nó lại càng không tương xứng với nhu cầu về tài chính xanh mà Ngân hàng Thế giới ước tính là chúng ta cần tới 360 – 400 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tại Việt Nam, Bộ Tài chính – cơ quan ngân sách của nhà nước, cần có sự quan tâm đúng mức. "Tiền dành cho tài chính xanh phải từ ngân sách đi ra", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings chia sẻ, mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tín dụng chung, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ của nền kinh tế, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Theo ông Tùng Anh, thị trường trái phiếu xanh đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về cả số lượng và giá trị phát hành trong năm 2022. Để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường tài chính xanh, ông cho rằng cần nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và chấp nhận vấn đề ngoại ứng. “Để thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng,” ông nói.
Ông cũng đề xuất nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách về sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các tiêu chí và quy định rõ ràng về thị trường tài chính xanh, cùng với cơ chế kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy.
Chưa có ưu đãi tín dụng xanh cho các dự án điện gió, điện mặt trời/Ảnh minh họa |
Theo TS.Võ Trí Thành, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là mệnh lệnh chính trị không thể chối từ. Phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay.
"80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) mới cấp vốn. Mệnh lệnh này là rất cấp bách. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh", ông Thành nói.
Ông Thành nhấn mạnh tài chính xanh là cuộc cách mạng về thể chế, công nghệ với nhiều điểm mới như tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ xanh…
Theo ông Thành, việc đưa vấn đề "xanh" vào thị trường không phải là vấn đề đơn giản. Với vấn đề của thể chế, chuyển đổi xanh là quá trình đầy thách thức, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, thay đổi thể chế, ban hành khung pháp lý, chính sách, đào tạo thay đổi trong hành động, đòi hỏi sự tham gia của cả các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
"Như vậy, không chỉ doanh nghiệp hay nhà nước muốn là làm được mà cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ và các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Tóm lại đây là một sự chuyển đổi từ "dưới lên" và từ "trên xuống", ông Thành nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đã bắt đầu xây dựng khung pháp lý về tài chính xanh từ nhiều năm trước, nhưng tiến độ vẫn còn chậm. Ông cho rằng cần có nhiều quy định rõ ràng hơn về thị trường tín chỉ carbon và các tiêu chí xanh cho từng ngành để thúc đẩy sự phát triển của tài chính xanh tại Việt Nam.
Huy Tùng ( lược ghi)
-
Tin tức kinh tế ngày 7/10: Gần 16% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm
-
Vừa làm, vừa hoàn thiện thị trường carbon trong nước
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh
-
34,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn trong quý III/2024
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp