Ba Lan buộc phải xây nhà máy điện hạt nhân

12:24 | 03/11/2018

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm lượng phát thải khí CO2 trong khi phải tăng khối lượng tiêu thụ điện, buộc Ba Lan phải xem xét khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân của riêng mình.
ba lan buoc phai xay nha may dien hat nhan
Nhiệt điện Ba Lan bị chỉ trích mạnh. Dòng chữ trong ảnh: “Bắc Cực tan chảy từ nơi đây”

Vào ngày 1/11/2018, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ba Lan K. Thuzhevsky đã phát biểu về việc phục hồi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong nước. Ông khẳng định, quyết định này được đưa ra với lý do hoàn toàn là kinh tế.

Hiện nay, khoảng 80% sản lượng điện ở Ba Lan là do các nhà máy nhiệt điện than sản xuất, và EU có kế hoạch tăng mức tiền phạt phát thải khí nhà kính.

Nếu vấn đề khử cacbon trong ngành năng lượng không được giải quyết trước năm 2025, chi phí điện ở Ba Lan sẽ tăng 30-40%.

Sự phát triển lượng điện từ các nguồn tái tạo (RES) là không đáng kể và về cơ bản vẫn sẽ không thay đổi được tình hình.

Sự đóng góp của các cơ sở điện gió (WEC) cho việc cung cấp điện trong năm 2018 sẽ không vượt quá 4%, và các địa điểm phù hợp nhất để xây dựng trang trại phong điện trên bờ biển Baltic gần như đã bị khai thác hết.

Một lựa chọn khác - việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ dẫn đến nhu cầu đầu tư vào mạng lưới phân phối khí và xây dựng các cơ sở lưu trữ khí ngầm (UGS), nhưng Ba Lan lại không có điều kiện địa chất phù hợp cho việc xây dựng UGS.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, giới chính khách Ba Lan đã nỗ lực rất lớn để làm phức tạp hóa mối quan hệ với Gazprom – nhà cung cấp khí đốt hàng đầu ở châu Âu.

Chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự phụ thuộc vào khí xuất khẩu của Nga đang buộc Ba Lan phải mua khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ (LNG). Tuy nhiên, chi phí cho LNG cao hơn 1/3 so với khí đốt của Nga, điều này sẽ làm cho giá điện bị đội lên cao.

Ba Lan dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng khí đốt của riêng mình, bao gồm chủ yếu khí khai thác trên thềm lục địa của Na Uy, nơi mà Công ty dầu khí quốc gia PGNiG gần đây đã mua lại cổ phần trong một số khối. Nhưng đường ống Baltic Pipe, thông qua đó khí sẽ được cung cấp cho Ba Lan từ các mỏ khai thác ở biển Na Uy và biển Bắc, vẫn chưa được xây dựng xong.

Bộ trưởng K. Thuzhevsky sẽ trình bày về dự án Nhà máy điện hạt nhân của Ba Lan tại Diễn đàn World Nuclear Spotlight Poland, được tổ chức tại Warsaw vào ngày 20-21/11/2018 với sự hỗ trợ của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association).

Đồng thời, ông K. Tkhuzhevsky nhấn mạnh rằng Ba Lan chỉ có thể tính đến nhà máy điện hạt nhân thế hệ 3+, là đối tượng phù hợp nhất với tất cả các yêu cầu an toàn sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản.

Theo các tính toán trước đó, sẽ là hợp lý để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan gồm 3 tổ máy phát với tổng công suất khoảng 4,5 nghìn MW cho đến trước năm 2040.

Được biết rằng công ty duy nhất có thể cung cấp các thiết bị sản xuất điện hạt nhân thế hệ 3+ tương ứng là Rosatom của Nga, với lò phản ứng VVER-1200. Nhưng quan hệ mọi mặt giữa Ba Lan và Nga hiện nay không thể gọi là rất tốt đẹp…

Ba Lan có thể dễ dàng bù đắp tình trạng thiếu điện trong tương lai bằng cách mua điện từ Belarus, vì sau khi nhà máy điện hạt nhân Beloruskaya của nước này đi vào hoạt động, một lượng điện thặng dư rất lớn sẽ được hình thành.

Tuy nhiên, cách đây vài năm, cơ quan quản lý mạng lưới điện Ba Lan đã tháo dỡ đường dây tải điện Bialystok – Ross vốn kết nối hệ thống điện của hai nước.

Vào năm 2017, Đại sứ Ba Lan tại Minsk tuyên bố rằng nước ông gần như hoàn toàn có thể tự cung cấp điện và không có kế hoạch mua điện của Belarus.

ba lan buoc phai xay nha may dien hat nhanNga giúp Trung Quốc làm nhà máy điện hạt nhân
ba lan buoc phai xay nha may dien hat nhanNhà máy điện hạt nhân nổi của Nga

Bá Thủy

RT