Ăn tiết canh lợn: Rước họa vào thân

00:10 | 01/07/2012

1,363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, trong khi các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện một cơ sở đã sử dụng lợn do bị dịch tai xanh chết để làm ruốc và mắm tép chưng thịt bán cho người tiêu dùng, thì Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục nhận, điều trị những bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch chỉ vì đã ăn tiết canh lợn, hoặc nem chạo, hay gỏi thịt lợn…

Ăn tiết canh đi cấp cứu

Thời gian qua, trong khi các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện một cơ sở đã sử dụng lợn do bị dịch tai xanh chết để làm ruốc và mắm tép chưng thịt bán cho người tiêu dùng, thì Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục nhận, điều trị những bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch chỉ vì đã ăn tiết canh lợn, hoặc nem chạo, hay gỏi thịt lợn…

Một trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Anh Nguyễn Xuân Nam (32 tuổi), ở Bắc Giang sau 3 ngày ăn tiết canh lợn tại một quán trong chợ của xã, thấy hai mắt mình mỗi lúc một sưng mọng hơn. Lúc nào anh cũng phải gãi vì trong mắt rất ngứa. Sau đó trong khóe mắt của anh bắt đầu nổi lên một cục lúc to, lúc nhỏ. Sợ quá, anh Nam đến bệnh viện mắt để khám thì được giới thiệu đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Các bác sĩ đã phát hiện anh Nam bị nhiễm u sán ở kết mạc vùng hốc mắt. Sở dĩ khối u đó có lúc to, lúc nhỏ là do sán chui ra ngoài nằm trên kết mạc. Ngay sau đó anh Nam đã phải phẫu thuật để lấy hết sán ở vùng hốc mắt ra.

Trước đó, ông Trần Công Định, 68 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An được đưa đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương để cứu chữa vì ông đã bị sán làm tổ trong não. Trước đó, ông Định thấy mình thỉnh thoảng bị nhói ở đầu và xuất hiện chứng mất trí nhớ. Có lần ông còn bị lên cơn co giật rồi bị ngã, một lúc sau mới tỉnh lại. Ít lâu sau, ông Định lại xuất hiện triệu chứng như trên. Khi điện não đồ rồi chụp cắt lớp tại bệnh viện ở Nghệ An, các bác sĩ của bệnh viện phát hiện sán đã làm tổ thành kén trong não ông Định. Nguyên nhân của sự việc trên xuất phát từ việc ông Định rất thích ăn các loại tiết canh, nhất là tiết canh lợn…

Tiết canh có liên cầu khuẩn lợn

Ngày 14/6 vừa qua, anh Nguyễn Văn Xuân ở Hải Phòng được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng vật vã, loạn thần, có ban hoại tử trên da. Các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân này bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, tình trạng bệnh rất nặng, bệnh nhân vừa nhiễm trùng huyết vừa viêm màng não nên việc điều trị hết sức khó khăn. Nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh nặng như trên là do anh Xuân cũng hay ăn tiết canh lợn.

Trước đó, bệnh viện này đã tiếp nhận ông Vũ Nhân, 50 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội trong tình trạng sốt cao, tay và chân xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử, do bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Cũng liên quan đến việc ăn tiết canh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà 4 bệnh nhân ở Thái Bình đã nhập viện trong tình trạng suy gan, thận, xuất huyết và có dấu hiệu của viêm màng não gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, có trường hợp không ăn tiết canh lợn nhưng vẫn bị sốt cao và xuất hiện những nốt ban hoại tử, đó là bà Trần Thị Bẩy, ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Do bà Bảy đến nhà em chơi và ra thăm đàn lợn của gia đình em bị ốm, bà Bảy đã bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Sau một thời gian được điều trị tích cực, các bệnh nhân này mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, không còn hôn mê sâu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong tháng 5/2012, đã có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất nặng phải nhập viện cấp cứu. Bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không phát triển theo mùa dịch mà rải rác quanh năm. Những trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn chủ yếu do ăn tiết canh lợn, hoặc do ăn nem chạo, nem chua, gỏi thịt lợn… Cũng có trường hợp bệnh nhân do tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, hay thịt lợn chưa được nấu chín… nhất là trong tình trạng hiện nay đang có dịch lợn tai xanh.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nếu nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100oC thì vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt. Nếu như cứ ăn đồ tái, sống như tiết canh, nem chua, gỏi thịt lợn sẽ dẫn đến việc vi khuẩn liên cầu ở lợn sẽ lây lan rất nhanh sang cơ thể con người và nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bên cạnh đó, liên cầu khuẩn lợn còn lây qua tiếp xúc, chủ yếu qua những vết xước trên chân tay người, nên người giết mổ lợn cần phải có trang phục bảo hộ lao động để phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm, đáng sợ này.

Vĩnh Hà