Ai sử dụng vũ khí hóa học ở Syria?

07:30 | 21/04/2018

1,341 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, Mỹ, Anh và Pháp mở đợt tấn công nhắm vào 1 trung tâm nghiên cứu và 2 trung tâm sản xuất được cho là dùng để làm vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Những nước này cho là Damas đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công phe đối lập. Những tranh cãi về vũ khí hóa học ở Syria không phải bây giờ mới có.

Năm 2012, Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc chính quyền Tổng thống Assad tấn công hóa học nhằm vào dân thường thuộc phe đối lập và đe dọa đánh sập chính quyền Damas bằng quân sự. Sau nhiều cuộc đàm phán cam go, cuối cùng ngày 14-9-2013, Nga và Mỹ đã đi đến thỏa thuận, được ký kết tại Genève, Thụy Sĩ, theo đó: Washington và các thủ đô phương Tây ngưng đánh Damas để đổi lấy chính quyền Syria phải gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và giải giáp vũ khí hóa học. OPCW thành lập năm 1997 và trong 16 năm hoạt động, họ đã tiến hành nhiều cuộc thanh sát tại hơn 5.000 địa điểm liên quan đến vũ khí hóa học. Syria là nước đầu tiên đang trong tình trạng nội chiến mà OPCW tham gia xử lý.

ai su dung vu khi hoa hoc o syria
Một hình ảnh được cho là các nạn nhân bị trúng vũ khí hóa học ở Syria

Ngày 19-8-2014, Mỹ hoan nghênh việc tiêu hủy nhiều thành phần từ kho vũ khí hóa học Syria bên bờ Địa Trung Hải. Tổng cộng hơn 580 tấn thiết bị để chế biến khí độc sarin và 19,8 tấn hoạt chất dùng để chế biến khí cay mù tạc đã bị hủy dưới sự giám sát của OPCW. Nhưng đồng thời, chính quyền Barack Obama lại thòng thêm rằng, họ quan ngại về những tuyên bố trái ngược và thiếu sót của Syria với OPCW. Tổng thống Mỹ nghi ngờ chính quyền Damas vẫn còn khí chlore như một loại vũ khí.

Những tưởng chuyện vũ khí hóa học của Syria coi như đã xong thì báo cáo của một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc và OPCW công bố vào cuối tháng 8-2016 khẳng định là nhiều trực thăng quân sự Syria rải khí chlore xuống ít nhất hai địa phương thuộc tỉnh Idleb (tây bắc Syria): tại Talmenes vào năm 2014 và Sarmine năm 2015. Tháng 10-2016, một báo cáo khác của chính ủy ban này kết luận rằng quân đội Syria đã tấn công bằng vũ khí hóa học, đương nhiên là bằng khí chlore tại Qmenas (tỉnh Idleb) năm 2015. Phải đợi đến vụ tấn công ngày 4-4-2017 nhắm vào vùng Khan Cheikhoun thì phương Tây mới quyết định hành động. Tại địa phương này do quân nổi dậy của tỉnh Idleb kiểm soát, nhiều triệu chứng hiện ra sau đợt oanh kích của Damas giống với những gì được ghi nhận từ các nạn nhân của một vụ tấn công bằng chất hóa học. Ít nhất có 83 người đã chết trong vụ này. Trong đêm 6 rạng sáng 7-4-2017, Tổng thống Donald Trump ra lệnh nã tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate của Syria (miền trung). Các chuyên gia của OPCW và Liên Hiệp Quốc sau đó còn xác nhận rằng khí sarin đã được sử dụng và chính quyền Damas phải chịu trách nhiệm. Lời cáo buộc đã bị Damas bác bỏ.

Trong ngày 7-4-2018, một nhóm quân nổi dậy và phe đối lập tố cáo chính quyền Damas đã thực hiện một vụ tấn công hóa học mới tại đông Ghouta. Đây là lý do cho đợt tấn công của Anh, Pháp và Mỹ và Syria hôm 14-4.

Nước Nga và chính quyền Damas luôn phủ nhận sự tồn tại của kho vũ khí hóa học ở Syria mà phương Tây cố tình gán ghép. Moskva tố cáo phe nổi dậy ở Syria tìm cách dàn dựng các vụ tấn công bằng chất hóa học nhằm mục đích tạo cớ để phương Tây tấn công. Điều đáng nói là phương Tây khi cáo buộc thường không đưa ra bằng chứng cho thiên hạ xem và kiểm chứng. Lần trước cũng vậy và lần này cũng thế, họ cứ “đánh” trước cái đã rồi mới điều tra. Và kết quả điều tra có thế nào thì mọi chuyện cũng đã rồi vả lại người điều tra là của họ nên tính minh bạch khó mà được đảm bảo 100%. Ngày 16-4-2018, tức 2 ngày sau khi Mỹ tấn công Syria, thanh tra viên của Tổ chức OPCW mới bắt tay đều tra xem liệu chính quyền Syria có sử dụng vũ khí hóa học tại Douma - đông Ghouta trong đợt tấn công hôm 7-4-2017? Damas cam kết không gây áp lực, để các nhà điều tra công tác một cách "khách quan và không thiên vị".

Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Ayman Soussan, tuyên bố, kết quả điều tra sẽ bác bỏ những luận điệu gian dối chống lại Syria. Tổng thống Assad một lần nữa đã khẳng định là nhờ được Nga hỗ trợ, Syria đã hủy tất cả kho vũ khí hóa học hồi năm 2014. Nhưng nếu kết quả điều tra cho thấy Damas không dùng vũ khí hóa học thì đằng nào họ cũng đã bị tấn công rồi. Hẳn chúng ta còn nhớ những cáo buộc Mỹ tung ra nhắm vào Saddam Husein để biện minh cho quyết định đánh Iraq, những cáo buộc mà sau này được biết là không xác thực.

S.P