9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng

17:06 | 11/10/2023

130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 09 tháng đầu năm, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng nhanh; kim ngạch xuất nhập khẩu 09 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm tăng gần 5% với khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659 km đường bộ cao tốc vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước.

9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng
9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng (Ảnh minh họa - nguồn: internet)

Về số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường, có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm có 165 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Trong 9 tháng đầu năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, Thuế TNDN đạt gần 248 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm. Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN tăng 4%; tổng lãi phát sinh trước thuế tăng 9% so với kế hoạch, nộp NSNN tăng 7%. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận.

Trong đó, doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia, như:

Nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ, vượt mức xuất khẩu cao nhất 3,65 tỷ USD từng đạt năm 2011; ngành hàng thuỷ sản, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,3 tỷ USD; Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng nhẹ ở mức 0,29%, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp, chế biến chế tạo chủ lực tăng trưởng dương trong tháng 9. Trong 9 tháng, du lịch Việt Nam đón gần 9 triệu lượt khách với tổng doanh thu ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của các doanh nghiệp ngành du lịch đã nỗ lực vượt qua các khó khăn hậu đại dịch để hồi phục kinh doanh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều đặc biệt đáng ghi nhận đó là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, doanh nghiệp tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như: FPT, Viettel, Petrovietnam, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn. Tiêu biểu như: Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food… đã ứng dụng thành công công nghệ biến rác thải, phụ phẩm trong nông nghiệp thành nguyên liệu, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Huy Tùng