5 bất cập trong tính toán mức sống tối thiểu

10:28 | 11/07/2019

1,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đưa ra 5 bất cập trong cách tính mức sống tối thiểu. Trong đó đáng chú ý cách tính đang dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư có mức tiêu dùng thấp, như vậy không thể bảo đảm mức sống tối thiểu, thậm chí là bữa ăn có chất lượng.

Chưa công bố mức sống tối thiểu hằng năm

Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng, để xác định mức lương tối thiểu thì phải định nghĩa thế nào là mức sống tối thiểu. Theo Tổng Liên đoàn Lao động, mức sống tối thiểu là một mức sống đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.

Và dựa trên “tiêu chí” đó, mức sống tối thiểu cần phải tính toán chi phí lương thực, thực phẩm dựa trên rổ hàng hóa tiêu chuẩn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp nhân với giá cả phổ biến trên thị trường tại thời điểm tính và chi phí phi lương thực thực phẩm như nhà ở, đi lại, quần áo, chi phí giáo dục, y tế, và chi phí các sự việc bất khả kháng như tai nạn, ốm đau, bệnh tật...

5 bat cap trong tinh toan muc song toi thieu
Mức sống tối thiểu đang tính toán không bảo đảm đời sống tối thiểu của người lao động

Đồng thời, mức sống tối thiểu tính cho một người cần phải bao gồm cả chi phí cho người phụ thuộc. Theo Tổng Liên đoàn Lao động, thông thường ở Việt Nam với hộ gia đình phổ biến 4 người (bố mẹ và 2 con), thì mức sống tối thiểu tính cho một người cần bao gồm chi phí cho một người phụ thuộc.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc hiện nay chưa có cơ quan có thẩm quyền công bố mức sống tối thiểu hàng năm. Do đó, hàng năm, Tổ kỹ thuật giúp việc Hội đồng tiền lương chỉ tính toán mức sống tối thiểu và khuyến cáo để Hội đồng tiền lương thương lượng mức lương tối thiểu trên tinh thần đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Bất cập trong tính toán mức sống tối thiểu

Thế nhưng, ngay cả cách tính toán mức sống tối thiểu, Tổng Liên đoàn Lao động cũng nhận định Tổ kỹ thuật đang có vấn đề. Cụ thể Tổng Liên đoàn Lao động nêu, tính chi phí lương thực, thực phẩm: rổ hàng hóa Tổ kỹ thuật đưa ra là dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư có mức tiêu dùng thấp. Cụ thể là điều tra mức sống dân cư theo nhóm dân cư xếp từ 1 đến 10 (nhóm 1 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân thấp nhất và nhóm 10 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân cao nhất), thì mức sống tối thiểu mà Tổ kỹ thuật tính là dựa trên lượng calo tiêu dùng bình quân của nhóm 2 và nhóm 3.

Với người thu nhập thấp, tùy theo giá cả thị trường, năm nay, họ có thể ăn thịt bò, thịt vịt, nước cam, nước xoài… nhiều hơn (tức là ăn những loại thực phẩm ngon, dễ ăn hơn). Nhưng đến năm sau họ có thể ăn những thực phẩm này ít hơn vì giá cả những thực phẩm này tăng, và thay vào đó, họ sẽ ăn nhiều thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, lạc, đậu phộng, chuối hơn so với năm trước (những mặt hàng có giá cả thấp hơn). Vì vậy, rổ hàng hóa Tổ kỹ thuật tính được điều chỉnh hàng năm tùy theo chi tiêu của nhóm dân cư, mặc dù tổng lượng calo vẫn như nhau.

5 bat cap trong tinh toan muc song toi thieu
Một bữa ăn đơn giản đến mức không bảo đảm chất lượng dinh dưỡng của người lao động

Mức đề xuất tăng 5,2% của Tổ kỹ thuật đưa ra mới chỉ đáp ứng được tổng lượng calo theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (là 2300 calo) nhưng không đảm bảo chất lượng bữa ăn. “Đây là điểm bất cập thứ nhất trong tính chi phí lương thực thực phẩm của Tổ kỹ thuật”, Tổng Liên đoàn Lao động khẳng định.

Bất cập thứ hai mà Tổng Liên đoàn Lao động muốn nói đến là cách tính chi phí phi lương thực thực phẩm của Tổ kỹ thuật. Để trang trải các chi phí khác ngoài thức ăn, Tổ kỹ thuật tính tỷ lệ lương thực thực phẩm/ phi lương thực thực phẩm là 48/52, tức là 48% là chi phi cho lương thực thực phẩm thì 52% là chi phí cho phi lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng, đất nước càng phát triển, cuộc sống con người được cải thiện thì chi tiêu cho phi lương thực thực phẩm sẽ cao hơn. Chi phí phi lương thực thực phẩm bao gồm cả chi phí dự phòng và phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật…

Tổng Liên đoàn Lao động nêu: “Tham khảo tỷ lệ lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm ở các nước khác có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam như Campuchia, Srilanka, Philipin, Fiji, Ấn Độ, Mông Cổ, và các nước khác thì tỷ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm ở các nước này đều cao hơn mức tính của Việt Nam. Với cách tính này, tỷ lệ lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm của Tổ kỹ thuật vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.

Ngoài ra, theo Tổng Liên đoàn Lao động, còn một số yếu tố nữa như chi phí nhà ở, tỷ lệ người phụ thuộc... Cụ thể, chi phí nhà ở được tính dựa trên giá thuê nhà ước tính vùng I ở Hà Nội là 431.000 đồng/người và mức ước tính này rất khó để thuê nhà ở đảm bảo chất lượng nhà ở theo khuyến cáo. Hay tỷ lệ người phụ thuộc được tính bằng 70% của người lớn, nhưng thực tế, chi phí sữa sơ sinh, học hành và thuốc men của trẻ con nhiều khi cao hơn cả người lớn.

Bên cạnh đó, Tổ kỹ thuật chưa tính tới các chỉ số phát triển của Việt Nam như tăng trưởng GDP và năng suất lao động.

Với những bất cập trong tính toán mức sống tối thiểu như vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, phải thay đổi cách tính toán để bảo đảm đời sống tối thiểu của người lao động.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc