400 phim truyện = 0 đồng

16:40 | 26/09/2017

1,754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cơ sở vật chất xập xệ, đạo cụ làm phim thất lạc, bị đem bán đồng nát, các nghệ sĩ được gợi ý đi bán bún, bán phở để… thêm thu nhập. Trong khi đó, mảnh đất vàng - nơi tọa lạc của hãng phim lại được trưng dụng để bán đồ ăn. Đây là thực trạng của Hãng phim truyện Việt Nam sau tiến trình cổ phần hóa.

“Cánh chim đầu đàn” đang chới với

Chỉ 2 tháng sau khi cổ phần hóa (CPH), trở thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), ngày 18-9, tập thể người lao động và nghệ sĩ của VFS đã phải viết đơn kêu cứu gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam.

Cụ thể, các nghệ sĩ bày tỏ bức xúc về việc định giá thương hiệu của hãng bằng 0, trong khi Hãng phim truyện Việt Nam vốn được coi là “cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt”, nơi đã đặt những viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng nước nhà. Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) “thâu tóm” 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược chỉ với… 32,5 tỉ đồng. Trong khi đó, ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị thế đất đai của hãng theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 phim truyện từ gần 60 năm thành lập.

400 phim truyen 0 dong
Hãng phim truyện Việt Nam

Cần phải nhắc lại, ngày 28-12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rà soát lại quá trình CPH hãng phim, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống vào giá trị doanh nghiệp… Ngày 16-3-2017, Bộ Tài chính ra dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tuyên bố sẽ thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18-7-2011, trong đó tính đến giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất vào giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái - người trực tiếp chỉ đạo CPH Hãng phim truyện Việt Nam đã cho phép ban giúp việc do Giám đốc Hãng phim (khi ấy) là đạo diễn Vương Đức đứng đầu tổ chức Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20-5-2017. Và đến ngày 23-6-2017, Bộ ra quyết định thành lập VFS thay thế cho Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu hãng vẫn bằng 0.

Sau khi “tiếp quản” VFS, VIVASO đã hứa hẹn tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương cho 85 thành viên còn lại của hãng là 4,8 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017. Thế nhưng trên thực tế, VIVASO đã “bỏ rơi” tập thể người lao động của hãng với lý do “không có đóng góp gì cho hãng phim”, điển hình như đạo diễn Quốc Tuấn chỉ hưởng lương 540.000 đồng/tháng.

400 phim truyen 0 dong
Khu vực trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam được sử dụng để buôn bán

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ “tố” VIVASO “dồn” 4 phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng để lấy diện tích… cho thuê bán chân gà nướng, bán phở. Toàn bộ số kịch bản từ khi hãng thành lập cho đến nay bị đem đi gửi ở Viện Phim, kho đạo cụ và phục trang bị “gửi tạm” tại kho của VIVASO. Ban lãnh đạo công ty không phân cho cán bộ, nhân viên bất cứ công việc mới nào mà yêu cầu anh em nghệ sĩ tự đi kiếm việc, tự trả lương, còn nếu muốn họ trả lương phải đi làm đủ 8 giờ hành chính.

Khi lãnh đạo không quan tâm tới nghệ thuật

Sau khi đơn kêu cứu của các nghệ sĩ được gửi đến Hội Điện ảnh Việt Nam, đại diện VIVASO đã có cuộc họp với tập thể người lao động của hãng phim. Thế nhưng, những mâu thuẫn chưa được giải quyết, mà còn trở nên căng thẳng hơn. Đạo diễn Quốc Tuấn nêu ý kiến: “Chúng tôi lên tiếng không phải vì tiền lương, mà vì công việc, cách đối xử của lãnh đạo công ty dành cho nghệ sĩ. Trong bản cam kết ghi, 1 năm chỉ có 1 phim truyện nhựa và 1 phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc. Vậy, 8 đạo diễn còn lại có được tính là làm việc hay không? Chủ tịch HĐQT VIVASO còn nói: Biên kịch thì ở nhà, đến công ty làm gì cho tốn điện. Toàn bộ cửa chính của hãng phim, ông ta đóng lại, anh em nghệ sĩ phải đi vòng cửa sau. Ông ta muốn xóa bỏ ký ức về một hãng phim danh tiếng”.

Trước làn sóng phản ứng dữ dội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phải tổ chức họp khẩn với lãnh đạo VIVASO vào chiều 20-9 và gặp mặt báo chí vào sáng 21-9 về những vấn đề xung quanh việc CPH VFS. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái vẫn khẳng định không có chuyện thất thoát tài sản khi định giá VFS, cũng không có chuyện sử dụng đất hãng phim để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Đồng thời, Thứ trưởng Ái cũng khẳng định cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, lời giải thích của Thứ trưởng Ái vẫn chưa thể “xoa dịu” được những bức xúc chất chứa lâu nay của các nghệ sĩ, người lao động tại hãng phim. Các nghệ sĩ đều khẳng định ủng hộ chủ trương CPH, nhưng cần những lãnh đạo biết quan tâm đến nghệ thuật, biết tìm cách để được tiếp tục làm phim, được giữ lại những di sản một thời của VFS!

400 phim truyen 0 dong

Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát: Khi thực hiện CPH, giá trị thương hiệu và giá trị đất đai của hãng phim bằng 0 là điều mà ai cũng bất bình và thấy có cái gì đó không ổn, nhất là khi VIVASO hành xử thiếu cẩn trọng với di sản của Hãng phim truyện Việt Nam, không làm đúng với cam kết cũng như mong đợi và kỳ vọng của các nghệ sĩ.

400 phim truyen 0 dong

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải: Việc CPH Hãng phim truyện không minh bạch là một “bi kịch”, “thảm họa”. Tôi không hiểu sao lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại phê duyệt dự án như thế này? Với những con người không hiểu gì về điện ảnh mà lại đi lãnh đạo một hãng phim thì kết quả sẽ đi đến đâu? 400 tác phẩm điện ảnh đó đã từng đi theo định hướng của Đảng, nay bị định giá là 0 đồng. Đó là điều không thể chấp nhận được.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.