Yến sào - Đạo Hồi - Hoàn vũ

07:05 | 26/09/2015

|
Bạn đọc: 1. Tại sao người ta nói “yến sào”? Vậy “sào” trong “yến sào” là gì? 2. Tại sao lại gọi là “đạo Hồi; chữ Hồi do đâu mà ra? 3. “Hoàn vũ” trong “Hoa hậu Hoàn vũ” là gì? Giáp Loan (Hà Nội)  

Học giả An Chi: 1. “Sào” [巢] là “tổ”. Thư tịch xưa của Tàu từng ghi lại truyền thuyết về hiện tượng “sào cư”, tức là sống trên tổ. Thiên “Ngũ đố” trong sách Hàn Phi Tử chép rằng đời thượng cổ, dân chúng ít mà cầm thú thì nhiều, dân chúng không đương nổi với muông thú, rắn rết nên có thánh nhân bày việc kết cành nhánh làm tổ mà ở để khỏi bị chúng làm hại. Thiên “Đằng Văn Công” trong sách Mạnh Tử chép người ở nơi thấp thì làm tổ trên cây mà ở, người ở nơi cao thì sống trong hang động. Ta cũng thường nghe đôi câu đối “Chim Việt đậu cành Nam - Ngựa Hồ hí gió Bắc”. Chim Việt đậu cành Nam, tức “Việt điểu sào Nam chi”. “Sào” [巢]  là tổ (danh từ) nhưng trong câu này thì dùng theo nghĩa động từ là “làm tổ”, hiểu rộng ra là “sinh sống”. Vậy “yến sào” [燕巢] là tổ yến, mà Hán ngữ gọi là “yến oa” [燕窩]. “Oa” [窩] cũng có nghĩa là “tổ’ nên ta mới có danh ngữ đẳng lập “sào oa” [巢窩] mà Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “nest in a tree”, tức là “tổ trên cây”. “Yến sào” thì tiếng Anh dịch là “edible bird’s nest(s)”, nghĩa là “tổ chim ăn được” còn tiếng Pháp là “nid d’hirondelle”, nghĩa là “tổ én”.

2. “Hồi giáo”, tiếng Arập là Islam, một danh từ phái sinh từ danh từ “Salam”, có nghĩa là “sự cứu rỗi”, là “thái bình”. Bản thân danh từ “salam” thì phái sinh từ căn tố ba chữ (triliteral) “s.l.m.”, có nghĩa là sự vâng mệnh, sự quy phục”. Tín đồ Hồi giáo thì tiếng Arập là “Muslim”, mà nghĩa gốc là người vâng mệnh”, người quy phục”, cũng phái sinh từ căn tố nói trên. Để chỉ Hồi giáo, hầu hết các ngôn ngữ châu Âu hiện nay đều gọi là “Islam”.

Cách gọi “Hồi giáo” bắt nguồn từ tên của dân tộc Hồi Hột [回紇], tức người Uighur, mà hiện nay Tàu phiên âm thành Duy Ngô Nhĩ [維吾爾]. Hồi Hột là nước láng giềng phương bắc của Tàu từ năm 616 đến 840. Lúc rộng lớn nhất lãnh thổ của họ Đông giáp Mãn Châu, Tây giáp Trung Á. Với thời gian, cách gọi đổi thành “Hồi Hồi”. Tài liệu xưa nhất dùng danh từ “Hồi Hồi” là Liêu sử, soạn vào thế kỷ 12. Đời nhà Nguyên (1260 -1368) mấy tiếng “người Hồi Hồi” được dùng để chỉ người Trung Á, bất luận theo tín ngưỡng nào. Đến đời Minh (1368 - 1644), “Hồi Hồi” mới dần dần đổi nghĩa để chỉ đạo Islam và tín đồ của nó.

Vì “Hồi Hồi” là tên gọi của một dân tộc, không phải dùng để chỉ đạo Islam hay một tôn chỉ của Islam, nên trong tiếng Việt hiện nay một số người bắt đầu dùng “Islam” thay cho “Hồi giáo”  hay “đạo Hồi”. Tuy nhiên, nhiều tín hữu Islam nói tiếng Việt vẫn dùng danh từ Hồi giáo vì đã quen nghĩ đến, nói đến danh từ này một cách tôn kính. Hiện nay Tàu cũng thường gọi Islam theo phiên âm là Y Tư Lan giáo (伊斯蘭教 Yīsīlán jiào).      

3. “Hoàn vũ” [寰宇] đồng nghĩa với “hoàn cầu” [寰球], có nghĩa là khắp cả trái đất, toàn thể trái đất. Chữ “hoàn” [寰] có hai nghĩa chính là “vùng đất rộng lớn” (nghĩa 1) và “tường bao quanh cung điện” (nghĩa 2). Với nghĩa 1, ta còn thấy nó trong danh ngữ nay hầu như không còn dùng đến là “doanh hoàn” [瀛寰], cũng có nghĩa là “toàn thế giới”. Còn chữ “vũ” [宇] thì có hai nghĩa chính là “mái nhà (nghĩa 1) và “toàn thể không gian” (nghĩa 2). Với nghĩa 1, nó có mặt trong “ốc vũ” là ‘nhà cửa”, “miếu vũ” là “đền miếu”. Với nghĩa 2, nó có mặt trong hai tiếng “vũ trụ” [宇宙] quen thuộc. Trong tiếng Việt hiện nay, hai tiếng “hoàn vũ” được dùng để dịch từ “Universe” trong danh ngữ “Miss Universe” (Hoa hậu Hoàn vũ), mà Tàu dịch thành “Hoàn cầu Tiểu thư”  [环球小姐].

 

Năng lượng Mới 460