Vượt khó trong giai đoạn giá dầu thô giảm sâu
Sự hình thành và phát triển của VNH
Nhìn lại ngày đầu tiên với 2 tổ bay và 2 chiếc Mi-8 được Bộ Quốc phòng điều động phục vụ công tác thăm dò khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro - đến nay đã là một chặng đường dài. Nhắc lại những năm tháng đó, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNH chia sẻ: giai đoạn đầu Mi-8 chỉ phục vụ Vietsovpetro bởi lẽ các công ty dầu khí khác có dự án ở Việt Nam đều sử dụng dịch vụ từ nước ngoài. Chính điều này khiến đội ngũ cán bộ, phi công đầu tiên của VNH rất “cay cú” và quyết tâm làm sao để “trời của ta, đất của ta”. Gần 10 năm ròng rã với cố gắng và nỗ lực vượt bậc của toàn thể Ban lãnh đạo, cán bộ, phi công của VNH, đến năm 1997 - thì không còn phi công nước ngoài trên những chuyến bay ra giàn khoan.
![]() |
Thiếu tướng Hà Tiến Dũng |
Từ 2 chiếc trực thăng Mi-8 ban đầu, hiện nay VNH đã sở hữu 30 chiếc máy bay, đa dạng về chủng loại trong đó có những dòng hiện đại bậc nhất thế giới như AW-189, EC-225, EC-155B1... VNH cũng đang có trong tay đội ngũ phi công hơn 100 người, trong đó có những phi công kinh nghiệm trên 15.000 giờ bay, đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề được rèn luyện qua cả những nhiệm vụ khó khăn nhất ở nước ngoài. Đó chính là tiền đề để VNH đảm bảo hơn 400.000 giờ bay an toàn tuyệt đối đến khắp mọi miền của Tổ quốc: Từ những chuyến bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, đến bay du lịch - dịch vụ, bay huấn luyện, tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) và chuyên chở lãnh đạo cấp cao của Nhà nước…
VNH và các công ty thành viên: Công ty Trực thăng Miền Nam (VNH South) và Công ty Trực thăng Miền Bắc (VNH North) đã đồng hành và gắn bó cùng với ngành dầu khí, chia ngọt sẻ bùi vượt qua bao khó khăn, thử thách trong hơn 30 năm qua. VNH thật sự tự hào vì đã cung cấp dịch vụ trực thăng tuyệt đối an toàn trong suốt 30 năm, góp phần phát triển ngành công nghiệp dầu khí của đất nước.
Một thành tích đặc biệt nhất mà VNH đã đạt được trong những năm qua, chính là việc “xuất khẩu” dịch vụ bay ra nước ngoài, ở những nơi có điều kiện thời tiết đặc biệt nguy hiểm với nhiều rủi ro như Biển Bắc - Na Uy hay trong khu vực như Malaysia, Đông Timo và Ấn Độ.
Nhưng, không có con đường nào đi thật sự dễ dàng, đặc biệt với một ngành đặc thù như ngành hàng không nói chung.
Tổng giám đốc VNH Hà Tiến Dũng chia sẻ: Hoạt động bay của VNH là hoạt động hàng không có những yếu tố đặc thù, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn bay. Để đảm bảo tốt công tác an toàn bay, VNH ngoài yếu tố đội ngũ máy bay hiện đại, đội ngũ phi công lành nghề, VNH đã xây dựng hệ thống quy trình hoạt động dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam và các yêu cầu khắt khe của các thanh tra khách hàng dầu khí.
![]() |
Để huấn luyện một phi công bay trực thăng đã khó, nhưng để bay dầu khí thì còn khó gấp nhiều lần. Cụ thể, VNH phải phối hợp với Học viện Phòng không - Không quân để thi tuyển tìm người, mất 2 năm để học những kiến thức căn bản, 2 năm tiếp theo học viên được chuyển về Trung tâm huấn luyện của VNH để huấn luyện bay trực thăng, rồi lại trở về Học viện Phòng không - Không quân nhằm lấy bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, người phi công khi đó mới chỉ bắt đầu… học nghề. Lại qua một quá trình đào tạo nữa, để được cấp chứng chỉ phi công phụ tối thiểu phi công phải tích lũy 500 giờ bay, chưa kể là huấn luyện chuyển loại máy bay, huấn luyện bay tích lũy, huấn luyện nâng cao, bay đêm, ban giàn khoan… Chứng chỉ là như vậy, nhưng các công ty dầu khí hoàn toàn có quyền được chọn kinh nghiệm phi công thông qua lịch sử giờ bay, lý lịch… để bay ra giàn của họ - nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho mỗi chuyến bay. Chưa kể, để đạt năng định của Cục Hàng không cấp, hằng năm các phi công của VNH đều phải trải qua các khóa huấn bắt buộc về huấn luyện thoát hiểm và huấn luyện xử lý tình huống bay trên các buồng tập mô phỏng tại Pháp, Anh và Nga. Đó thật sự là một quá trình gian khổ, lâu dài và cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ tuyệt đối an toàn, cũng như đảm bảo lực lượng bay kế cận về sau, Tổng công ty vẫn kiên trì và bắt buộc phải thực hiện.
Nhằm đảm bảo hoạt động của máy bay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, VNH đã phải duy trì một lực lượng lớn các kỹ sư, phi công và các kỹ thuật viên trải khắp 3 miền ở 5 căn cứ là Gia Lâm, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Côn Đảo, Năm Căn… đây là đội ngũ đã trải qua nhiều năm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng máy bay, cả trong nước và nước ngoài và đảm bảo an toàn tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay của VNH tới thời điểm này.
Hoạt động kinh doanh của VNH trong giai đoạn giá dầu thô giảm sâu
Với tình hình giá dầu thô giảm sâu, để cắt giảm chi phí, các khách hàng dầu khí đã đưa ra nhiều biện pháp liên quan đến nhu cầu sử dụng dịch vụ trực thăng trong năm 2015-2016 như đã thực hiện như tăng thời gian thay ca từ 15 ngày lên 21 ngày, hợp lý hóa quy trình thay ca, cắt giảm đầu tư vào tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ... với doanh thu từ dịch vụ bay dầu khí chiếm đến 80% tổng doanh thu của Tổng công ty, VNH đang chịu ảnh hưởng nặng nề của việc cắt giảm giờ bay của các khách hàng dầu khí.
Có thể kể ví dụ như sau: Năm 2014, VNH thực hiện cho ngành Dầu khí nói chung là 16.000 giờ bay, đến 2015 giảm xuống còn 12.000 giờ và kế hoạch 2016 hiện tại là dưới 10.000 giờ. Giờ bay giảm sút khiến doanh thu dự kiến năm 2016 của VNH giảm tới 30% so với năm 2015, thu nhập của cán bộ, nhân viên chỉ còn bằng 40% so với trước đây.
Cũng như các nhà thầu khác, đối mặt với những khó khăn, VNH bắt buộc triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí và đã có các giải pháp chi tiết linh hoạt với từng khách hàng dầu khí để đáp ứng yêu cầu từng khách hàng trong tình hình khó khăn hiện nay, đặc biệt VNH đã đưa ra dịch vụ, chính sách dịch vụ, giá hợp lý phù hợp với thực tế hoạt động của từng công ty mặc dầu chi phí đầu vào của VNH từ các nhà máy sản xuất máy bay và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vẫn tăng.
![]() |
Trong năm 2015, VNH đã có những giải pháp của với khách hàng dầu khí được khách hàng đánh giá cao như: Đã cung cấp dịch vụ thay thế đầu đuốc bằng trực thăng cho Cửu Long JOC, nhờ dịch vụ này, khách hàng đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và ngân sách so với việc sử dụng bằng các phương tiện khác (chi phí tiết kiệm ước khoảng một triệu USD; VNH đã cung cấp dịch vụ trực thăng để thu/thả người của Vietsovpetro ra giàn chân đế Thiên Ưng trong điều kiện thời tiết khó khăn. Ban lãnh đạo Vietsovpetro đã đánh giá rất cao dịch vụ của VNH vì đã đáp ứng kịp thời tiến độ của dự án, đồng thời tiết kiệm một khoản ngân sách không nhỏ cho Vietsovpetro so với việc sử dụng dịch vụ tàu theo kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên cũng đánh giá khách quan rằng, việc cắt giảm này cũng chỉ đến một giới hạn nhất định. Với mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn mọi chuyến bay, VNH vẫn phải duy trì các chi phí tiền lương tối thiểu cho đội ngũ phi công, kỹ thuật, bởi họ là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động bay, chưa kể các chi phí bảo dưỡng bảo trì kỹ thuật để bảo đảm an toàn bay.
Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, Phó Tổng giám đốc VNH Nguyễn Xuân Sơn khẳng định: Chi phí dịch vụ trực thăng của VNH tại thị trường Việt Nam là rất cạnh tranh so với khu vực và trên thế giới. Tương quan so sánh với các đội bay có thể bay biển khác, giá dịch vụ cùng loại máy bay của Việt Nam thường thấp hơn 15-30% so với giá tại thị trường Malaysia và Thái Lan. Còn nếu so với các thị trường khác như Ấn Độ và Indonesia thì rất khập khiễng vì các nước này dùng máy bay cũ hơn nhiều... Khó khăn hiện tại gần như đã ảnh hưởng tới tất cả các trực thăng trên thế giới, kể cả các hãng sản xuất máy bay. Theo thống kê, doanh thu từ dịch vụ trực thăng dầu khí năm 2016 có thể giảm đến 30% so với những năm trước, đẩy ngành công nghiệp đặc thù này vào tình trạng nguy hiểm. Tổng giám đốc Hà Tiến Dũng chia sẻ: Ban lãnh đạo VNH xác định việc giá dầu thô giảm sâu và có khả năng còn kéo dài, cho nên VNH trong kế hoạch SXKD của mình đã đưa ra các biện pháp, giải pháp để cùng với các khách hàng dầu khí đã cùng gắn bó với VNH trên 30 năm, vượt qua khó khăn để tồn tại. Khó khăn thời điểm hiện tại lại chính là một cơ hội để công ty “xốc” lại đội hình, tái cơ cấu toàn diện đồng thời tìm kiếm những cơ hội ở các loại hình dịch vụ khác cũng như ở nước ngoài. Trong năm 2016 và những năm tới, VNH luôn đặt vấn đề an toàn bay lên hàng đầu và là vấn đề sống còn của hoạt động hàng không, VNH sẽ tiếp tục tái cơ cấu và triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí; tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phù hợp với từng khách hàng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển sát thực tế hoạt động với chi phí thấp nhất để cùng tồn tại. Ngoài ra VNH đang triển khai các dự án để đa dạng hóa dịch vụ bay như triển khai các hoạt động bay du lịch và dịch vụ trên đất liền. Trong năm 2015 VNH đã triển khai dịch vụ bay tham quan tại Đà Nẵng bằng máy bay EC-130T2, 6 chỗ, của CH Pháp sản xuất rất hiện đại chuyên về bay Du lịch; Triển khai các dự án xuất khẩu nước ngoài, đặc biệt là các dự án bay ngoài dịch vụ dầu khí tại các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, bay cho các dự án gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại châu Phi vừa khắc phục tình trạng dư thừa công suất máy bay hiện tại, vừa ghi dấu ấn Việt Nam trên những vùng trời xa xôi.
Với tư cách là người đứng đầu VNH, Tổng giám đốc Hà Tiến Dũng khẳng định: Với quyết tâm của Ban lãnh đạo VNH, với đội ngũ máy bay hiện đại và đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật “thiện chiến” của mình, VNH tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn hiện nay và sẽ tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng ngành dầu khí Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Bảo Sơn
Năng lượng Mới 504
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ
-
Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững