Văn hóa xăm - Những ý kiến trái chiều

19:03 | 23/05/2017

2,813 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số người trẻ chưa đủ chín chắn đã đua nhau đi xăm với tư tưởng: “Đã là dân chơi thì phải xăm hình thật to. Xăm hình bé chúng nó khinh cho”. Các bạn trẻ ấy không hề nghĩ rằng, hình xăm không phải là thứ để thể hiện bản chất con người...

Xăm là một hình thức được một số bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Chính vì vậy, các cửa hàng dịch vụ xăm mình mọc lên như nấm và kèm theo đó có rất nhiều chương trình ưu đãi được nhiều cửa hàng tung ra với mục đích quảng bá thương hiệu để thu hút khách hàng. Chẳng quá khó khăn với thời buổi Internet đang phát triển ngày nay, chỉ cần tìm kiếm những thứ liên quan về “xăm giá rẻ bất ngờ” là bạn sẽ thấy hàng ngàn kết quả tìm kiếm chỉ trong 1 giây. Giá một hình xăm dao động trong khoảng vài trăm ngàn đến vài chục triệu, thậm chí vài chục ngàn đồng cũng có.

Lịch sử cho thấy, nghệ thuật xăm mình xuất hiện từ thời đồ đá, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích về xăm từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên ở Ai Cập và Siberia, điển hình là Otzi The Iceman, Amunet. Sức ảnh hưởng mạnh nhất trong văn hóa xăm không thể không nhắc đến "xứ sở hoa anh đào". Trong tiếng Nhật, xăm mình có nhiều tên riêng như là irezumi hay horimono, trong đó irezumi là từ dùng để gọi những hình xăm có thể nhìn thấy trên bộ phận lớn của cơ thể như là lưng. Cho đến ngày nay có nhiều thể loại hình xăm nhưng sức ảnh hưởng của những họa tiết irezumi không bao giờ mất đi. Nghệ thuật xăm mình ở Nhật Bản được coi như minh chứng của đời sống nghệ thuật xăm mình có bề dày lịch sử vô cùng lâu đời trên thế giới.

Xa xưa, ở Nhật, hình xăm thường gắn với những thành phần thấp trong xã hội như công nhân và lính cứu hỏa, không những thế nó còn là hình thức trừng phạt của chính quyền thay cho hình phạt xẻo mũi hay cắt tai. Sau này đến năm 1870, sau khi chính quyền Meiji lên nắm quyền thì hình thức trừng phạt ấy được Nhật Hoàng bãi bỏ. Hình phạt này đã từng tạo ra một tầng lớp xã hội mới, bơ vơ và bị xã hội miệt thị, họ trở thành những con người không nơi nương tựa và chốn dung thân. Họ chính là những samurai hay còn được gọi là Ronin, không có sự lựa chọn để vào bất kỳ một tổ chức nào. Chính từ những người như thế là mầm mống cho sự hình thành Yakuza –một tổ chức tội ác có tiếng tại Nhật Bản vào thế kỷ 20.

Hiện nay nghệ thuật xăm càng ngày càng phát triển và dù mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng nghệ thuật đặc biệt này đã trở thành một nghề. Thực sự, đây là một nghề phải đổ rất nhiều tâm huyết vào nó qua từng nét kim tỉ mỉ, không những thế phải nắm rõ ý tưởng của khách hàng cần gì ở mỗi hình xăm đó.

van hoa xam nhung y kien trai chieu
Một nghệ sĩ xăm mình.

Có nhiều người đơn giản chỉ "thích thì xăm thôi’" nhưng có những người quan điểm rằng đó không phải đơn giản là một hình xăm mà là một câu chuyện, một khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời mà họ muốn khắc ghi nó lên da thịt, để khi nhìn lại có thể vui hoặc buồn. Điều quan trọng, nó là cột mốc quan trọng của cuộc đời mỗi người. Nghề nào cũng vậy, đều có “góc khuất”, nghề xăm mình cũng có những nỗi vất vả, áp lực riêng của một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này mà nhiều người vẫn chưa hiểu và nhìn nhận đúng.

Ngày nay, nhu cầu khách hàng không chỉ có xăm ở trên cánh tay, lưng, chân… mà còn cả ở vùng kín. Do đó, đây cũng là một nghề nhạy cảm, đòi hỏi một người khi muốn theo đuổi nó trước hết phải có bản lĩnh vững vàng vì mọi cám dỗ có thể xảy ra bất kì lúc nào.

Bản thân tôi cũng là người ưa thích việc xăm mình, còn nhớ lần đầu khi quyết định đi xăm cảm giác đầu tiên của tôi rất hào hứng, phấn khích. Hình xăm đầu tiên ấy vừa là món quà và cũng có thể coi đó là cột mốc cho sự trưởng thành của tuổi 20. Người làm cho tôi hình xăm này, ngày ấy cũng chỉ là thợ học việc. Khi tôi đến tiệm xăm, ấn tượng đầu tiên đối với tôi là cách mà cô gái chào hỏi, giao tiếp với khách hàng. Cô có phong cách giản dị mang đậm chất đường phố với một số hình xăm phong cách châu Âu. Trước khi xăm, cô hỏi tôi về ý tưởng và điều tôi gửi gắm vào hình xăm đầu tiên của mình. Tôi chợt nhận ra dù bạn làm bất kỳ nghề gì, giỏi đến đâu đi chăng nữa thì việc chăm sóc khách hàng luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhất là đối với nghề xăm, khi nghề này ở Việt Nam vẫn đang bị nhìn nhận khá tiêu cực.

Hình xăm đầu tiên gắn bó với tôi bằng nhiều kỷ niệm khó quên khi tôi chạm mốc 20 của cuộc đời. Và tôi đã lựa chọn hình ảnh con thuyền bập bềnh với dòng chữ ‘Life is an adventure’ (Sống là phiêu lưu) đã gói gọn ý nghĩa như vậy.

Có thể thấy, xăm không phải là xấu, chỉ những người tâm xấu mới làm xấu đi ý nghĩa của nghệ thuật xăm. Khi tôi hỏi ý kiến một số người ở thế hệ trước về việc xăm mình, thật đáng buồn vì câu trả lời chỉ là những lời dè bỉu, la mắng. Họ vẫn cho rằng chỉ có dân giang hồ mới đi xăm người, hoặc những người không có học thức mới làm như vậy.

Thế hệ đi trước thì làm trầm trọng hóa vấn đề xăm mình. Tuy nhiên, những người trẻ chọn xăm mình không phải ai cũng đủ độ chín để nhìn nhận ý nghĩa của hành động ấy. Một số người trẻ chưa đủ chín chắn đã đua nhau đi xăm với tư tưởng: “Đã là dân chơi thì phải xăm hình thật to. Xăm hình bé chúng nó khinh cho”. Các bạn trẻ ấy không hề nghĩ rằng, hình xăm không phải là thứ để thể hiện bản chất con người.

van hoa xam nhung y kien trai chieu
Phạm Thị Quỳnh Mai - cô gái nổi tiếng trên mạng với những hình xăm kín người.

Hình ảnh minh họa trong bài viết này là của một cô gái tên Phạm Thị Huỳnh Mai, sinh năm 1990, một nghệ sĩ xăm mình và phía sau là một bác tuổi U60 đang hướng về phía cô gái này với cái bĩu môi dè bỉu. Hình ảnh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng mà đa phần đều chê trách: “Bác ấy tỏ thái độ như thế là đúng quá rồi, con gái mà xăm rồng xăm phượng như giang hồ”, “Chị không nghĩ sau này con cái lớn lên cũng đòi xăm cho giống mẹ thì sẽ thế nào”, “Tôi sẽ không bao giờ cưới một cô gái xăm mình”… Đó là những bình luận của cư dân mạng. Thế nhưng, chẳng mấy ai nghĩ rằng người không có hình xăm nào chưa chắc đã là người tốt, quan trọng là mình sống như thế nào, đối xử với mọi người ra sao. Ta không nên cứ áp đặt người khác bằng định kiến cổ hủ của mình. Đó chỉ là những khác biệt và con người có quyền thể hiện thông điệp của mình trên da thịt, giống như việc xỏ lỗ tai hay đeo khuyên mũi mà thôi.

Trên thế giới, có nhiều người cho dù "khoác cả bộ cánh xăm" trên thân thể thì họ vẫn thành đạt trong cuộc sống, điển hình là Mike Rubendall, anh từng làm việc ở Adorned, cửa tiệm xăm nổi tiếng ở Manhattan, Mỹ. Mike từng là nhân vật trong loạt phim tài liệu "Cuộc chiến hình xăm" của đài truyền hình TLC. Thù lao cho một nghệ sĩ xăm nổi tiếng khoảng 100 USD/giờ nhưng nếu họ lên truyền hình hoặc phục vụ cho các ngôi sao nổi tiếng thì con số thù lao phải tăng gấp 10 lần. Mike chuộng hình xăm theo phong cách Nhật Bản, bởi vậy cá chép và hoa anh đào xuất hiện trong phần lớn hình xăm của anh ý. Lịch làm việc của anh luôn kín đặc nên nếu ai muốn xăm đều phải đặt lịch trước rất lâu. Như vậy, xăm mình và nổi tiếng, điều đó là thực tế. Bởi xăm, khi có mục đích rõ ràng, khi là nghệ thuật, thì luôn xứng đáng với giá trị mới của mình.

Hiếu Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc