Từ ANH đến INH và ÊNH

21:36 | 12/04/2016

|
Bạn đọc: Tôi rất tâm đắc với chuyện cu Ghềnh hất cẳng cụ Gành mà các ngành chức năng cứ “êm ru bà rù” (NLM 510), cũng như chuyện Anh > Inh > Ênh (NLM 508). Vì vậy nên xin mạn phép hỏi thêm ông về quan hệ bà con giữa 3 vần này vì tôi lạm nghĩ ông còn “giấu tủ” nhiều chi tiết hay lắm. Vậy xin ông vui lòng “mở tủ” thêm… tôi rất cảm ơn.Tám Thiệt (cũng là dân Cù lao Phố)  

Học giả An Chi: Xin lĩnh ý bạn mà nói thêm ba điều bốn chuyện như sau.

Trước nhất là về chữ “mạng” trong “cách mạng” mà ta có thể thấy biến thể ngữ âm “mệnh” trong “sinh mệnh”, “tuyệt mệnh”, “vận mệnh”, v.v… Chữ “mệnh” này, Hán tự là [命], vốn đọc là “mạnh” vì nó thuộc vận “ánh” [映] và đồng âm với chữ “mạnh” [孟] trong “Mạnh Tử”. Trước đây, ông Phạm Văn Đồng cũng thường nói “cách mạnh” thay vì “cách mạng”. Dĩ nhiên đây là một cách phát âm có cơ sở từ âm xưa của chữ “mệnh”. Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, chữ “mạnh” đã được chuyển chú về hai chữ “mạng” và “mệnh”. Đây cũng chính là chữ “mạnh” trong thành ngữ “mạnh ai [đứa nào, thằng nào, v.v…]  nấy…” của phương ngữ Nam Bộ, mà Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng là “Mặc, tự, tùy, riêng…” với thí dụ “Mạnh người nào người nấy làm”.

Có thể có ý kiến cho rằng, chữ “mạnh” này không liên quan đến “mạnh” là “mạng” vì đây là chữ “mạnh” trong “mạnh được yếu thua”. Đây là một cách hiểu chủ quan theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” nên rất sai. Chẳng có lẽ khi người ta hô to câu “Mạnh ai nấy chạy” thì chỉ có những kẻ mạnh mới chạy còn người yếu không chạy? Thực ra, “mạnh” ở đây chính là “mạng” và “mạnh ai nấy lo” là “mạng của người nào thì người đó lo”. Chẳng qua là về lâu về dài, nghĩa gốc của chữ “mạnh” (là “mạng”) phai mờ dần và được mở rộng thành “phần, chuyện hay việc của từng người” nên người ta mới quên mất gia phả của nó đó thôi.

Chữ “bệnh” trong “bệnh nhân”, bệnh viện”, “trị bệnh”, v.v..., vốn đọc là “bạnh” vì cũng thuộc vận “ánh”. Trong Nam, bộ “tam sênh” gồm có miếng thịt luộc, con cua luộc và cái trứng luộc, thực chất là “hình thức rút gọn” của “tiểu tam sinh” [小三牲] là lợn, cá và gà. Chữ “sênh” này, Hán tự là [牲], vốn đọc là “sanh” vì nó thuộc vận “canh” [庚]. Chữ “sênh” [笙] chỉ một loại nhạc cụ, vốn cũng đọc là “sanh” vì cùng vần với chữ “sanh” [牲]. “Chênh vênh” chẳng qua là điệp thức của “tranh vanh” [峥嶸].

Chữ “nênh” trong câu “Chiếc bách buồn về phận nổi nênh” (tương truyền là của Hồ Xuân Hương) chẳng qua là điệp thức của chữ “nanh” [儜], ngày nay có thể bị đọc thành “ninh”, có nghĩa là yếu đuối, lâm vào tình thế khó khăn. Hai chữ “linh đinh” [伶仃] có nghĩa là cô đơn không nơi nương tựa, không có ai để nhờ vả, được dịch sang tiếng Anh là “left alone without help”, vốn đọc là “lanh đanh” vì đều thuộc vận “thanh” [青]. Đây chính là âm gốc của hai chữ “lênh đênh” trong ngữ đoạn “lênh đênh góc biển chân trời”. V.v… và v.v... Vậy ở đây, ta có ANH > ÊNH.

Nhưng, như đã thấy, ANH còn > INH nữa. Những chữ “kinh” [京], [驚], [荊] đều vốn đọc là “canh” vì thuộc vận “canh” [庚] và có thiết âm là “cử khanh thiết” [舉卿切]. Ba chữ quen thuộc là “minh” [明], [盟], [鳴] đều vốn đọc là “manh” vì cũng đều thuộc vận “canh” [庚]. Chữ “sinh” trong “học sinh”, “tuyển sinh”, “sinh sản”, v.v…, vốn đọc là “sanh”. Chữ “huynh” [兄], tương ứng với “brother” của tiếng Anh và “grand frère” của tiếng Pháp, vốn đọc là “hoanh” vì cũng thuộc vận “canh” [庚], rồi vì mất phụ âm đầu HO [hw] nên mới trở thành “anh” trong “anh em”. Chữ “khuynh” [傾] là nghiêng, có âm gốc là “khoanh” vì thuộc vận “thanh” [清]. Đây chính là chữ “khoanh” trong “khoanh tay”. Chữ “tinh” [腥] là hôi tanh vốn đọc là… “tanh”.

Đặc biệt, lâu nay người ta vẫn bàn về hiện tượng tên của Lễ Thành Hầu là “Cảnh” mà lại được ghi bằng chữ có âm đọc là “kính” [鏡]. Ý kiến khá phổ biến vẫn cho rằng đây là một cách đọc bất bình thường. Thực ra thì chẳng có gì là bất bình thường cả nếu ta biết rằng chữ “kính” [鏡] có âm gốc là “cánh” vì nó thuộc vận “ánh” [映]. Vậy họ tên thật của vị Thống suất là Nguyễn Hữu Cánh theo cách phát âm từ thời xửa thời xưa ở trong Nam.  Nhưng dân chúng thì tôn sùng ông vì công đức của ông quá lớn nên người ta mới né âm “Cánh” mà đọc thành “Cảnh” để tỏ lòng kính trọng. Vậy “Cảnh” là một hình thức kiêng húy đối với “Cánh” là tên cúng cơm của Lễ Thành hầu chứ chẳng có gì là bất bình thường ở đây.

Năng lượng mới số 512