Tố cáo trên mạng xã hội: Coi chừng hệ lụy!

23:41 | 17/06/2017

1,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị các cơ quan chức năng chỉ nên tiếp nhận đơn tố cáo bằng đơn và gửi trực tiếp, không nên bổ sung hình thức gửi qua fax, email và đăng trên mạng xã hội do lo ngại phương thức này sẽ bị lợi dụng để bôi nhọ, hạ thấp, xuyên tạc tổ chức, cá nhân. Phải chăng thông tin trên mạng về vấn đề này quá phức tạp?  

Khổ sở vì mạng xã hội

Đầu năm 2015, trên facebook lan truyền thông tin liên quan đến các nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz như ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, diva Thanh Lam, siêu mẫu Xuân Lan, Á hậu Linh Chi, người mẫu Ngọc Trinh, diễn viên Quách Ngọc Ngoan, doanh nhân Phượng Chanel... Những thông tin này bắt nguồn từ một người dùng facebook có tên "Thánh Cô Cô Bóc". Người này tuyên bố sẽ bóc trần những bí mật showbiz khiến nhiều người trong giới nghệ sĩ choáng váng. Những thông tin thất thiệt đó mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt ảnh hưởng lớn đến uy tín, công việc và sức khỏe của nhiều “sao”.

Ngay sau đó, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và bắt khẩn cấp Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) vì hành vi sử dụng mạng xã hội facebook đăng tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

to cao tren mang xa hoi coi chung he luy

Trường hợp của anh Nguyễn Thanh Đông (TP HCM) là một ví dụ cay đắng. Giữa tháng 3-2017, anh Đông bị tố xâm hại tình dục bé gái 7 tuổi tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP HCM). Một loạt thông tin về tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ cơ quan, nhà ở của người đàn ông này bị lan truyền trên mạng xã hội facebook kèm theo nội dung khẳng định anh Đông chính là thủ phạm của vụ ấu dâm bé gái. Điều này khiến cá nhân và cả gia đình anh Đông bị chỉ trích và chịu đàm tiếu, miệt thị thậm tệ từ dư luận. Tuy nhiên, ngày 16-5-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã công bố kết quả điều tra cho thấy bé gái không bị xâm hại. Mặc dù được trả lại sự trong sạch nhưng nỗi đau mà anh Đông và gia đình phải chịu đựng thì không gì có thể bù đắp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Nguyễn Thanh Đông cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, anh vô cùng hoảng loạn khi biết toàn bộ thông tin cá nhân của mình bị lan truyền trên mạng xã hội facebook. Thời điểm bị tố trên mạng xã hội, anh Đông đã nghỉ việc ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh hơn chục năm. Vì vậy, nhiều người bạn của anh không tin đó là sự thật.

“Lúc đó vợ chồng tôi túc trực trong bệnh viện chăm hai con sinh đôi nên không có thời gian vào facebook. Chỉ đến khi bạn bè, người thân gọi điện nói việc tôi bị bêu xấu trên mạng xã hội, tôi mới hay” - anh Đông nói.

Theo anh Đông, sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của anh. Lo ngại sự việc đi quá xa nên anh đã nhanh chóng khóa tài khoản facebook cá nhân và nghỉ việc một thời gian: “Tôi khổ sở vì những lời hăm dọa, chửi bới thậm tệ trên mạng xã hội. Biết là khó khăn nhưng tôi còn phải bảo vệ vợ con, gia đình của mình nên không dám đi làm” - anh Đông kể.

Tuy nhiên, điều khiến anh Đông cảm thấy buồn nhất là khi sự việc được Cơ quan Công an đã làm sáng tỏ nhưng những người bình luận ác ý hoặc chia sẻ thông tin không đúng sự thật về anh đều không một lời xin lỗi hay đính chính. Người ta kết án anh khi không có một bằng chứng cụ thể nào, kèm theo đó là hàng loạt bình luận thỏa sức nhục mạ, dọa đánh, dọa giết. Họ xúc phạm người khác theo phong trào cho sướng miệng rồi khi sự việc rõ trắng đen lại lặng lẽ xóa bài. Qua sự việc, anh hy vọng cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ người dân để không còn ai rơi vào cảnh như anh.

Khó kiểm soát mạng xã hội

to cao tren mang xa hoi coi chung he luy
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu

Nói về việc đưa thông tin lên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc đăng tải và phát tán thông tin của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật về quyền riêng tư. Câu chuyện của anh Nguyễn Thanh Đông không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất khi chưa kiểm chứng thông tin, mà dư luận đã lao vào chỉ trích. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người trong cuộc, nếu là mình, liệu có chịu được lời kết tội, áp lực, đả kích từ dư luận với sự việc không phải do mình gây nên. Sự thực nếu người đó có tội, họ sẽ bị trừng trị trước pháp luật.

Tuy nhiên, bà Hoài Thu thừa nhận, do việc kiểm soát thông tin và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội là không dễ dàng. Vấn đề này không chỉ cần sự can thiệp của pháp luật mà còn cần có sự giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc xác minh, sàng lọc thông tin và phát ngôn trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng nên xem mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng là một kênh thông tin tham khảo trong trường hợp có nội dung rõ ràng. Còn nếu sự việc đó không có thật, vu khống nhằm bôi nhọ, làm hại đến uy tín, thanh danh và sức khỏe của người khác thì người đó vu khống sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo bà Hoài Thu, hiện nay, pháp luật quy định chỉ tiếp nhận thông tin tố cáo qua hai hình thức là đến trình báo trực tiếp hoặc gửi đơn đến cơ quan chức năng. Những người muốn tố cáo, tố giác tội phạm nên bảo đảm chắc chắn về nội dung sự việc, trình bày rõ ràng và cụ thể gửi đến các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét.

Liên quan đến vấn đề đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình lưu ý, hành vi bịa đặt được hiểu là việc tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Còn hành vi loan truyền, tuy không bịa đặt nhưng lại tiếp sóng những thông tin mà mình biết rõ đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như sao chép làm nhiều bản gửi đi cho nhiều người qua tin nhắn, kể lại cho người khác nghe, đăng trạng thái, comment trên mạng xã hội...

Trong trường hợp của anh Đông, người tung tin trên mạng xã hội có dấu hiệu phạm pháp hình sự và nạn nhân có thể làm đơn tố cáo người này về tội vu khống theo quy định Điều 122 Bộ luật Hình sự. Còn nếu theo quy định của Luật Dân sự thì người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu riếu, nói xấu trên mạng xã hội có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Cần chú trọng nội dung tố cáo

Tại Điểm d, khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Trước đề nghị của ông Nguyễn Nhân Chiến, đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội khẳng định, tố cáo bằng nhiều hình thức như trực tiếp, bằng đơn, qua fax, email, qua điện thoại đều hợp pháp và phù hợp với một số luật như Luật Phòng chống tham nhũng. Trong trường hợp xuất hiện tố cáo nặc danh, nếu có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm) thì nên được xem xét bởi nhiều khi họ sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe dọa tính mạng, sức khỏe nên họ phải nặc danh.

Đồng tình với Chánh án TAND TP Hà Nội, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau) cho rằng, không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, email, điện thoại. Thay vào đó, bản chất thông tin được tố cáo mới là quan trọng nhất. Ông Vân cũng cho biết, không thể viện dẫn số liệu đúng, sai về thông tin tố cáo đã giải quyết để bao biện cho việc loại bỏ hình thức tố cáo nặc danh. Bởi ngoài việc lợi dụng để gây rối, triệt hạ, vu khống người khác, có thể thấy một sự thật là người nặc danh sợ bị trả thù, bị trù dập, bị bức hại... nên họ mới chọn hình thức này. Điều đó cũng cho thấy cơ chế bảo vệ pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để bảo đảm quyền tố cáo của họ. Vì vậy, cần thừa nhận hình thức này.

Ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, theo quy định, chỉ tiếp nhận đơn tố cáo chính danh, không xem xét trường hợp nặc danh. Tuy nhiên, vẫn nên ghi nhận nếu đơn tố cáo trên mạng xã hội có thông tin người gửi rõ ràng, nội dung cụ thể: “Sự phát triển của công nghệ đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức liên lạc, trao đổi thông tin khác nhau. Bên cạnh đó bản thân một số điều luật của chúng ta đã chấp nhận một số hình thức giao dịch điện tử nên việc chấp nhận đơn tố cáo trên mạng xã hội để nó đồng bộ với các luật khác.

Trong trường hợp người tố cáo vì một lý do nào đó, không muốn công khai danh tính (nặc danh), nếu xác minh được sự việc có thật thì chúng ta nên coi đó là một kênh cung cấp thông tin, không phải là một đơn tố cáo chính thức. Và đương nhiên, trường hợp này sẽ không xử lý theo quy trình của một đơn tố cáo. Ví dụ khi người dân tố cáo về tham nhũng, tiêu cực về địa phương của mình, do những mối quan hệ thân quen nên họ không thể nêu tên tuổi người gửi. Tuy nhiên, nếu đơn thư tố cáo đó được trình bày rõ ràng, cụ thể, chúng ta vẫn nên tiếp nhận, nhưng với góc độ là nguồn cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng tham khảo và nghiên cứu, nó khác hoàn toàn với quy trình xử lý đơn tố cáo.

Không thiếu những trường hợp, những vụ việc đưa đơn lên mạng xã hội là khi người dân đã đưa đơn ra tòa, tới chính quyền nhưng không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng. Không còn con đường nào khác để tiếp cận công lý, đường cùng mới phải đưa đơn lên mạng xã hội để gây sự chú ý của dư luận, nhờ đó các cơ quan chức năng có thể tiếp cận nguồn thông tin và xem xét giải quyết lấy lại công bằng cho họ. Do vậy cần xem xét sự việc một cách khách quan và không nên bỏ sót thông tin tố cáo nếu có nội dung cụ thể và rõ ràng”.

to cao tren mang xa hoi coi chung he luy

Cây ngay không sợ chết đứng!

Chia sẻ về vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho biết, việc đưa đơn tố cáo lên mạng Internet trong trường hợp đã gửi đơn lên chính quyền nhưng không được giải quyết có thể chấp nhận. Từ đây các cơ quan chức năng, giám sát sẽ nắm được tình hình và kiểm tra. Bên cạnh đó, hiện nay các cơ quan báo chí rất phát triển, cạnh tranh và minh bạch. Trong trường hợp các cơ quan chức năng vô cảm, không giải quyết được kiến nghị, người dân có thể tìm đến cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí. Mạng xã hội chỉ là kênh để cơ quan chức năng tiếp nhận, tham khảo chứ không bắt buộc giải quyết. Nhưng nếu báo chí đã đăng tải thông tin, cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc để xem xét và giải quyết vụ việc.

Theo Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, hiện nay, thời đại công nghệ kéo theo những tiện ích trong đó có việc gửi email, fax... vậy nên đề nghị không tiếp nhận đơn tố cáo qua mạng xã hội nói riêng và mạng Internet nói chung là đi ngược với sự tiến bộ của thời đại. Hơn nữa, nếu các vị lãnh đạo không làm chuyện gì mờ ám thì cũng không sợ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân hay tổ chức đang công tác. Ông bà ta có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”, nếu bản thân người bị tố cáo trong sạch thì người tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm với những hành vi của mình.

Ở một góc độ khác, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng: “Cần phối hợp cả phương thức nhận đơn thư tố cáo trực tiếp và cả thông qua các phương tiện truyền thông như: fax, email, đăng trên mạng xã hội... để tăng khả năng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; cần tuân thủ nguyên tắc, việc tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo phải được tổ chức một cách khoa học, chặt chẽ, hợp lý, phải đảm bảo tính kịp thời, chính xác, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; cách thức tổ chức tiếp nhận đơn thư tố cáo, giải quyết đơn tố cáo theo cơ chế “một cửa” khoa học, hợp lý; tăng cường cơ chế giám sát ở bộ phận tiếp nhận đơn thư tố cáo” .

Điều 20 Luật Tố cáo quy định về hình thức tố cáo như sau: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 điều này. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Xuân Hinh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc