Tiền ảo, quản hay cấm?

22:52 | 04/11/2017

1,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, thông tin Trường Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng đồng tiền ảo bitcoin đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia tài chính cũng như dư luận xã hội. 

Bitcoin là công cụ nghiên cứu?

tien ao quan hay cam
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Thông tin Trường Đại học FPT có thể chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng đồng bitcoin, áp dụng đối với sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa công nhận đồng bitcoin là đồng tiền được phép lưu thông, thanh toán trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng, đồng bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, Đại học FPT nhận thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT chấp nhận cho sinh viên nước ngoài sử dụng đồng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí, bởi việc này sẽ tạo sự thuận tiện cho sinh viên ngoại quốc. Vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ, nên việc đóng học phí với các sinh viên cũng là một trở ngại lớn. Mặt khác, nhà trường kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng khẳng định, việc thu học phí bằng đồng bitcoin mới chỉ là ý tưởng.

Mặc dù mới chỉ là ý tưởng của Trường Đại học FPT, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 28-10 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã khẳng định, tại Khoản 6, 7, Điều 4, Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật, đồng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng đồng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Nên coi bitcoin là một sản phẩm

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, việc Trường Đại học FPT thông tin trên mạng xã hội chấp nhận cho sinh viên ngoại quốc nộp học phí bằng đồng bitcoin chỉ là chiêu truyền thông của nhà trường. Tuy nhiên, nó đã thu hút được sự quan tâm không nhỏ của rất nhiều tầng lớp trong xã hội.

tien ao quan hay cam

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc Trường Đại học FPT sẽ chấp nhận cho sinh viên thanh toán học phí bằng đồng bitcoin là một điều không phù hợp, vì nhà trường đã chấp nhận đây là một phương tiện thanh toán. Như thế sẽ đi ngược lại chủ trương của NHNN, đồng thời sẽ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế cũng như tạo ra tiền đề cho các đơn vị khác nếu như việc thanh toán đồng tiền bitcoin được chấp nhận.

Bên cạnh đó, đồng bitcoin cũng như những loại đồng tiền kỹ thuật số khác khó lòng trở thành một phương tiện thanh toán quốc gia, không thể tương đương như tiền Việt Nam đồng, hay ngoại tệ khác. “Chúng ta chỉ nên công nhận nó như là một loại hàng hóa để giao dịch” - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cũng theo vị chuyên gia tài chính ngân hàng, chính bản thân NHNN gần đây tái khẳng định quan điểm không chấp nhận tiền kỹ thuật số vào lĩnh vực thanh toán và các tổ chức tín dụng sử dụng nó để làm trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc quản lý đồng tiền kỹ thuật số trên thế giới hiện ở trong tình trạng không cấm nhưng cũng không khuyến khích. Việt Nam cũng tương tự như vậy. Mình muốn cấm cũng không thể nào cấm được, nếu cấm thì những giao dịch đi vào thế giới ngầm khó lòng kiểm soát. Vì vậy, thay vì cấm đoán để biến thành hoạt động không thể kiểm soát thì nên cho phép nó hoạt động và kiểm soát nó bằng các quy định pháp luật. Bởi các đối tượng có thể dùng tiền ảo để tham gia vào lĩnh vực phạm pháp, rửa tiền. Đơn cử như các đối tượng lợi dụng đổi tiền đồng sang tiền bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí. Cách làm này sẽ tạo ra lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang các nước khác để mua bất động sản, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác.

Vì vậy, Nhà nước cần có những quy định cụ thể, xác định đồng bitcoin cũng là một loại hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, bitcoin là một loại hàng hóa ảo, nó không có giá trị hiện hữu như vàng hay các loại mặt hàng thực thể khác. Nên cần có những quy định để đưa nó vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời những trung tâm giao dịch hay các sàn giao dịch cần phải được đăng ký theo giới luật doanh nghiệp, cần có vốn điều lệ, có bản quản lý và địa chỉ rõ ràng. Do đó, các giao dịch bitcoin cũng phải xin giấy phép hoạt động, tương tự như sàn vàng trước đây. Bởi trước đó, NHNN đã loại trừ chức năng phương tiện thanh toán của vàng và ứng xử với nó như một loại hàng hóa bình thường.

Khoản 6, Điều 27, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định: hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đông Nghi - Song Nguyễn