Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng

07:37 | 15/08/2015

|
Bạn đọc: Lướt facebook, tôi thấy trên dòng thời gian của một người bạn có mục “Những lời vàng ngọc của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng”. Tôi tò mò tìm hiểu thêm thì thấy vị này có cả một bộ sách “hoành tráng” có tên là Từ điển nguồn gốc tiếng Việt gồm 3 tập với 27.500 mục từ. Xin nhờ ông An Chi cho biết ý kiến về bộ sách này và những lời vàng ngọc kia? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tân Văn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

An Chi: Chúng tôi xin nói thẳng rằng, bất kể công phu và thời gian mà BS Nguyễn Hy Vọng đã tốn cho bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt này nhiều đến đâu, thì đây cũng không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Và chỉ cần đoc một vài “lời vàng ngọc” của vị bác sĩ này thì ta đã có thể thấy rằng kiến thức ngữ học của ông rất hạn chế. Ông nói:

“Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, họ bảo tôi về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy để hiểu thêm tiếng Việt! Tôi bảo họ: “Cũng được thôi, học được cái gì hay cái nấy, nhưng phải hiểu rằng, các anh học tiếng Tầu mười đời đi nữa thì chỉ biết tiếng Tầu thôi. Còn tiếng Việt thì khác vì giữa tiếng Việt và tiếng Tầu khác nhau như con quạ với con sáo. Họ không hiểu và muốn tôi đưa ra một vài thí dụ thì tôi bảo:

“Có ngay, tôi chấp một ngàn triệu người Tầu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó là sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu có hiểu được “sạch sẽ” với sẽ là gì không, “xuề xòa” với xòa là gì không, “lôi thôi” với thôi là gì không? Nếu ai, nếu nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt thì tôi sẽ xin đi đầu xuống đất ngay”.

Họ thôi không đòi “hiểu” nữa, và cái đầu tôi vẫn còn nhìn lên trời” (“Tiếng Việt là linh hồn của người Việt”).

Chỉ cần một chút nhạy bén, ta cũng đã có thể thấy những lời “chém gió” trên đây của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là chuyện tếu táo. Không biết anh nhà báo hay người đối thoại nào lại dám trịch thượng mà mời một người chữ nghĩa đầy mình như bác sĩ Vọng “về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy”. Nếu thực tâm muốn thỉnh giảng thì người ta phải mời ông về dạy ở bậc đại học chứ “bên ấy” đâu có thiếu người dạy chữ Tầu cho học trò trung học.

Vả lại, ở “bên ấy” cũng chẳng có ai nói “nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt” như BS Vọng đã khéo hoang tưởng. Cái khái niệm “tiếng” của “bên ấy” là “language” (như trong “English language”, “French language”) còn khái niệm “tiếng” của ông Vọng thì chỉ là “word” ( như: black, đen, noir, white, trắng, blanc, v.v.) cho nên “tiếng” của “bên ấy” chứa trong lòng nó vô số “tiếng” của Nguyễn Hy Vọng. Huống chi, ở bên ấy, đâu có ai điên khùng mà nghĩ rằng phải học tiếng Tàu để biết được “sẽ” trong “sạch sẽ” là gì; “xòa” trong “xuề xòa” là gì, “thôi” trong “lôi thôi” là gì.

Ở “bên ấy”, người ta chỉ nghĩ rằng nếu biết được “tiếng Tàu” - thực ra là “chữ Hán” - thì sẽ hiểu được “yếu điểm” là “điểm quan trọng”, chứ không phải đồng nghĩa với “nhược điểm”; rằng “vấn nạn” là “hỏi vặn” chứ không phải “vấn đề khó giải quyết” (mà tiếng Hán là “nan đề”); rằng “lang bạt” thực chất chỉ là hai tiếng đầu tiên trong bốn tiếng “lang bạt kỳ hồ”, nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da [ở cổ] của nó”, bây giờ đã bị hiểu trẹo đi; v.v… và v.v...

Ấy là con chưa nói đến chuyện lớn lao hơn: Xưa nước ta đã từng lấy chữ Hán làm quốc gia văn tự và dùng văn ngôn (của tiếng Hán) trong các văn kiện của nhà nước cũng như để ghi chép, sáng tác trong khoảng 1000 năm. Vì vậy cho nên nếu không biết chữ Hán thì làm sao hiểu được hết ý của Hịch tướng sĩ; Bình Ngô đại cáo và bao nhiêu văn thơ khác của tiền nhân, trong đó có thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v…? Biết bao nhiêu câu đối ở đền, chùa nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được? Đấy, người ta hiểu là hiểu như thế chứ đâu phải vì cả tin vào cái khối “chữ nghĩa quốc tế khổng lồ” của mình mà hiểu trật đường rầy như BS Vọng.

Phi lý nhất và cực kỳ ngây ngô là chuyện BS Vọng cho rằng một ngàn triệu người Tầu sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu cũng không thể hiểu được “sẽ” trong “sạch sẽ”, “xoà” trong “xuề xòa”, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Chỉ trừ những đầu óc điên loạn chứ ở trên đời này có ai lại khuyên học sinh Pháp phải học cho giỏi tiếng Pháp để biết tiếng Đức, học sinh Đức phải học cho giỏi tiếng Đức để biết tiếng Anh, học sinh Anh phải học cho giỏi tiếng Anh để biết tiếng Nga, v.v…

Vì vậy mà lẽ ra BS Nguyễn Hy Vọng nên xin lỗi “một ngàn triệu người Tàu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” chứ không nên thách họ “học tiếng Tầu đến bạc đầu” mần chi. Và ông cũng nên xin lỗi người Việt Nam ở “bên ấy” vì đã nhỡ thách họ “học tiếng Tàu đến mười đời”. Mà “mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” và dân Việt Nam ở “bên đó” cũng chẳng cần ông phải đi đầu xuống đất làm gì. Ông cứ ngữa mặt lên trời mà hãnh diện với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt dày cộm của ông.

Vậy Từ điển nguồn gốc tiếng Việt là một bộ sách như thế nào? Xin thưa ngay rằng nó không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Ngay cái tên của nó cũng đã không ổn rồi. Bất cứ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở bên ấy, nếu hiểu đúng tinh thần của tiếng Việt thì phải biết rằng “nguồn gốc tiếng Việt” ở đây là “Vietnamese language origin” trong khi bộ từ điển của BS Vọng thì lại trình bày “nguồn gốc” (?) của từ hoặc hình vị tiếng Việt. Điều này có nghĩa là ông đã không phân biệt được “language origin” với “word origin”. Với “word origin” thì ta mới có thể có từ điển chứ với “language origin” thì ta chỉ có thể có những chuyên luận, những công trình biên khảo mà thôi, chẳng hạn như “Linguistic Research on the Origins of the Vietnamese Language” của Mark Alves (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, No. 1-2 [February/August 2006], pp. 104-130).

Ngay cái tên của nó mà tác giả đã dịch sang tiếng Anh thành “Vietnamese Cognatic Dictionary” và tiếng Pháp thành “Dictionnaire Cognatique Vietnamien”, chúng tôi cũng thấy chưa thông. Đành rằng tiếng Anh có dùng “cognate” còn tiếng Pháp thì dùng “cognat” để gọi “từ hoặc hình vị đồng nguyên” nhưng tính từ phái sinh “cognatic” và “cognatique” thì lại là chuyện khác. Người ta chỉ dùng “cognatic” và “cognatique” để nói về huyết thống, về quan hệ thân tộc chứ không dùng hai từ này làm thuật ngữ ngữ học. Thực ra, “cognatic/cognatique” vốn có nghĩa là liên quan đến họ ngoại, được dùng trong thế đối lập với “agnatic/agnatique”, là liên quan đến họ nội. Từ điển Littré 1876 cho biết “cognatique” là một thuật ngữ luật học xưa còn Le Grand Larousse Illustré, édition Prestige 2015, cũng không hề ghi nhận từ này có liên quan gì đến ngữ học. Vì vậy mà, thay vì “cognatic dictionary” và “dictionnaire cognatique”, người ta chỉ dùng “etymological dictionary” và “dictionnaire étymologique”, nghĩa là từ điển từ nguyên, như vẫn thường thấy. Vấn đề là phải dùng cho đúng thuật ngữ của lĩnh vực mình biên soạn, chứ không phải là lật từ điển ra để tìm cái từ mà mình áng chừng là thích hợp để dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Thế nhưng BS Vọng lại còn giới thiệu sách của mình là “cognatic reference dictionary”. Không biết các nhà ngữ học Ăng Lê và Huê Kỳ nghĩ sao về cái ngữ đoạn này?

(Xem tiếp kỳ sau)

Năng lượng Mới 448