Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt

10:56 | 19/09/2015

|
Bạn đọc: Sau bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE” của ông An Chi trên Báo Năng lượng Mới số 454, rồi số 455, ông Nguyễn Đại Cồ Việt đã phản hồi với 4 điểm xác nhận và 2 điểm về ý kiến riêng. Xin ông An Chi cho nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Đại Cồ Việt? Xin cảm ơn.  Bảy Quán Cóc (Bà Chiểu, TP HCM)  

Học giả An Chi: Điểm thứ nhất trong phần xác nhận của ông Nguyễn Đại Cồ Việt là “bác Nguyễn Cung Thông có ý kiến khác bác An Chi”. Mà điểm khác nhau đầu tiên giữa ông Nguyễn Cung Thông và An Chi là về chữ “tàu” mà ông Thông cho là “không có một văn bản nào liên hệ Tàu với quan cai trị cả”. Nhưng làm từ nguyên thì không thể nói đơn giản như thế được. Trước nhất, như chúng tôi đã chứng minh trên một kỳ Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức Ngày nay, “tàu” là điệp thức của chữ “tào” mà ta còn có thể thấy qua những trường hợp đồng dạng từ nguyên học khác nữa như sau:

- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�], có nghĩa là “quan [lại]”;

- “Tàu” là điệp thức của “tào” [艚], có nghĩa là “thuyền”;

- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�], có nghĩa là “máng”;

- “Tàu” là điệp thức của “tào” [�+�], có nghĩa là “cũ”.

Bốn trường hợp đồng dạng từ nguyên học trên đây tự chúng đã khẳng định lẫn nhau một cách không thể nào chối cãi được. Vậy “tàu” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [�], mà âm Hán Việt hiện hành là “tào”, có nghĩa là “cơ quan của triều đình”, hiểu rộng ra là “quan [lại]”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng “tào” [�] là “quan-thự chia chức-vụ ra nhiều bộ-phận gọi là tào”; Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là “nha quan, phân chức làm việc gọi là tào”; Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “bộ phận của cơ quan triều đình”; Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng là “quan thự chia ngành làm việc thời xưa”; Từ điển Hán-Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên giảng là “cơ quan nhà nước trông coi một mặt một ngành thời xưa”. Chữ “tào” [�] còn dùng để chỉ cá nhân quan chức nên đã được Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “an official”, tức là “viên chức”, “công chức”. Nghĩa này cũng được xác định trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993): “Dã dụng lai xưng hô quản mỗ sự đích chức quan”, nghĩa là “cũng dùng để gọi chức quan phụ trách một công việc nhất định”. Do đó mới có danh ngữ “bộ tào” [��], mà Mathews’ dịch là “member of one of the former six boards”, nghĩa là “thành viên của một trong sáu bộ thời xưa”. Cứ như trên thì hiển nhiên là có nhiều “văn bản liên hệ “tàu/tào” với quan cai trị”, chứ không phải là không như ông Nguyễn Cung Thông đã khẳng định một cách võ đoán (nhưng vẫn được ông Nguyễn Đại Cồ Việt ủng hộ).

Điểm thứ hai trong phần xác nhận của ông Nguyễn Đại Cồ Việt là: “Trong từ điển Việt Bồ La không có từ “tàu” với nghĩa là chỉ người Trung Quốc, hoặc thuộc về Trung Quốc (việc giải thích tại sao không có là suy luận của từng tác giả)”.

Thực ra, đây chỉ là do “suy luận” riêng của ông Nguyễn Cung Thông và ông Nguyễn Đại Cồ Việt mà thôi, chứ chữ “tàu” với nghĩa là “Trung Hoa” đã nằm ngay trong danh ngữ “mực tàu” của Từ điển Việt Bồ La. Huống chi, nếu thực sự quyển từ điển này không có từ “tàu” dùng để chỉ Trung Hoa thì điều này cũng tuyệt đối không có nghĩa là từ 1651 trở về trước và ngay cả ở thời điểm 1651, từ “Tàu” dùng để chỉ khái niệm đó cũng không tồn tại. Chỉ có khi nào ông Thông và ông Việt dám khẳng định rằng, vào thời đã nói, từ vựng của tiếng Việt chỉ bao gồm vẻn vẹn có những từ mà A. de Rhodes đã đưa vào Từ điển Việt Bồ La mà thôi - ngoài ra không còn bất cứ từ nào khác - thì lập luận của hai ông mới có thể có giá trị. Còn trên thực tế thì từ điển cũng có thể “phớt lờ” nhiều từ hoặc từ tổ cố định của ngôn ngữ; đó là còn chưa nói đến nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn mục từ của từng tác giả cho từng quyển từ điển.

Xin lấy dẫn chứng nhãn tiền cho dễ thấy vấn đề. Về môn bóng đá chẳng hạn, Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) đã “bỏ sót” các từ tổ: bóng bổng, bóng chết, bóng chìm, bóng sệt, bọc lót, chạy chỗ, chọc khe, ói bóng, tì đè, v.v…, nhưng điều này tuyệt nhiên không có nghĩa là những từ tổ này không tồn tại. Một từ rất quen thuộc với các bà, các cô là “siu” (< “silk” của tiếng Anh) dùng để chỉ một loại vải, chẳng hạn, đã không được từ điển Hoàng Phê thu thập nhưng không một thế lực ngữ học nào có thể phủ nhận sự tồn tại của nó.

(Xem tiếp kỳ sau)

Năng lượng Mới 458