Ngựa Hồ - Chim Việt

11:20 | 23/01/2016

|
Bạn đọc: Có lẽ nhiều người vẫn biết hai câu “Ngựa Hồ hí gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam” xuất xứ từ đôi câu đối tiếng Hán “Hồ mã tê Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi” của tiếng Hán. Nhưng trong tiếng Hán thì hai câu này xuất xứ từ đâu? Xin ông vui lòng cho biết. Cảm ơn ông. Trần Đông Ngạc (Cầu Giấy, Hà Nội) 

Học giả An Chi: Sài Môn thi đàn có bài "Ngựa Hồ Chim Việt" của Võ Doãn Nhẫn, mở đầu như sau:

"Ngựa Hồ, chim Việt "do chữ Hồ mã, Việt điểu. Trong Ðường thi có câu "Hồ mã tế (sic [gõ nhầm chăng?]) bắc phong, Việt điểu sào nam chi", nghĩa là "ngựa Hồ hí gió bấc, chim Việt đậu cành nam", do điển rợ Hồ ở phía bắc Trung Hoa đem dâng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay; nhưng từ khi sang Trung Hoa được nuôi ở vườn Thượng lâm thì bỏ ăn trông rất buồn và mỗi khi có gió bấc thổi thì hí lên. Lại tích chim Việt thì đời Hùng Vương có đem dâng cho vua Châu Thành Vương một con chim bạch trĩ, chim này chỉ chọn cành nào hướng về phương Nam thì đậu".

Võ Doãn Nhẫn khẳng định như trên, nhưng tiếc rằng thơ Đường thì lại không bài nào có hai câu "Hồ mã tê (không phải "tế") bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Thực ra thì hai câu này đã có từ đời nhà Hán ở bên Tàu. Đây là hai câu nằm trong bài đầu tiên của Cổ thi thập cửu thủ (Mười chín bài thơ cổ) mà tác giả không được biết tên (Vô danh thị). Mười chín bài này được sưu tập sớm nhất là trong "Chiêu Minh văn tuyển" của Chiêu Minh Thái tử Tiêu Thống 

[蕭統], con trai trưởng của Lương Vũ Đế. Những bài thơ này không có tên nên được lấy câu đầu làm nhan đề. Hai câu đang xét nằm trong bài đầu tiên là "Hành hành trùng hành hành" [行行重行行], gồm 16 câu thơ ngũ ngôn, nguyên văn chữ Hán như sau: 

行行重行行, 與君生別離。

相去萬餘里, 各在天一涯;

道路阻且長, 會面安可知?

胡馬依北風, 越鳥巢南枝。

相去日已遠, 衣帶日已緩;

浮云蔽白日, 游子不顧返。

思君令人老, 歲月忽已晚。

棄捐勿復道, 努力加餐飯。

Phiên âm:

Hành hành trùng hành hành - Dữ quân sinh biệt ly

Tương khứ vạn dư lý - Các tại thiên nhất nhai

Đạo lộ trở thả trường - Hội diện an hà tri

Hồ mã y Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi

Tương khứ nhật dĩ viễn - Y đái nhật dĩ hoãn

Phù vân tế bạch nhật - Du tử bất cố phản

Tư quân lệnh nhân lão - Tuế nguyệt hốt dĩ vãn

Khí quyên vật phục đạo - Nỗ lực gia xán phạn.

Dịch ý:

Chàng cứ đi, đi mãi - Thiếp với chàng sinh ly

Xa nhau hơn muôn dặm - Mỗi người một phương trời

Đường gian truân xa thẳm - Tái ngộ biết chừng nao

Ngựa Hồ trông gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam

Xa nhau ngày càng dài - Áo mặc ngày một rộng

Mây trôi che khuất nắng - Chàng nào nhớ ngày về

Tiều tụy vì nhớ chàng - Năm tháng càng trôi nhanh

Tâm tư không nói hết - Chỉ mong chàng yên thân.

Cứ như trên thì hai câu "Ngựa Hồ hí gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam" không xuất xứ từ thơ Đường, mà từ một bài thơ trong "Cổ thi thập cửu thủ", được giới nghiên cứu cho là đã ra đời vào khoảng từ 140 đến 190, tức khoảng cuối đời Thuận Đế đến trước đời Hiến Đế nhà Đông Hán. Bài thơ đã phản ánh một cách sinh động tâm tư của người thiếu phụ xa chồng trong cảnh xã hội loạn ly, làm cho người đọc không kìm được sự xúc động, được Thi phả của Trần Dịch [陳繹] ghi nhận là "tình chân, cảnh chân, sự chân, ý chân" (tình thật, cảnh thật, chuyện thật, ý thật). Ý kiến vô căn cứ của Võ Doãn Nhẫn đã làm giảm tuổi thọ của bài thơ từ 400 năm trở lên.

Ngay trước đời Đường thì khai quốc công thần nhà Tùy là Dương Tố cũng đã dụng điển mà viết trong bài "Xuất tái" (Ra biên ải) thứ nhất (vì có hai bài) hai câu "Bắc phong tê sóc mã - Hồ sương thiết tái hồng" [北風嘶朔馬,胡霜切塞鸿]. "Sóc" chỉ hướng Bắc, "sóc mã" chẳng qua là "Hồ mã" và "Bắc phong tê sóc mã" chẳng qua là "Hồ mã tê Bắc phong", có tu từ bằng hình thức đảo ngữ mà thôi. 

Đến đời Đường, Lưu Trường Khanh cũng dụng điển mà viết trong bài "Tòng quân" thứ sáu (vì có sáu bài) hai câu "Hồ mã tê nhất thanh - Hán binh lệ song lạc" (Ngựa Hồ hí một tiếng - Lính Hán lệ [chảy] hai hàng). 

Đến đời Tống, nhiều nhà thơ đã dụng điển "Hồ mã". Dương Ức có bài thơ ngũ ngôn 12 câu nhan đề "Hồ mã tê Bắc phong" nhưng chỉ dụng điển làm nhan đề cho bài thơ mang tính phúng dụ chứ trong 60 chữ của ông không có một chữ "mã" nào cả. Còn trong bài "Đại Trần Vô Kỷ thuật hoài", Ngô Cảnh (có thể đọc Kỉnh) [吳儆] đã mượn gần như "nguyên xi" hai câu cổ thi mà viết "Hồ mã tê Bắc phong - Việt điểu y Nam chi" [胡馬嘶北風 - 越鳥依南枝] làm hai câu đầu cho bài thơ ngũ ngôn 12 câu của mình. Trong bài "Phát Lăng Châu", Văn Thiên Tường viết "Kiện mã tê Bắc phong - Tiềm ngư lạc thâm uyên" [健馬嘶北風 - 潜魚樂深淵]. Lưu Xưởng viết trong bài "Phụ huyên" thứ tư (vì có bốn bài) hai câu "Hồ sô đề triêu sương - Biên mã tê sóc phong" [胡雛啼朝霜 - 邊馬嘶朔風]. Trong bài "Đông mộ" (Chiều đông), Triều Công Tố viết: "Biên mã tê Bắc phong - Tái hoàn thảo diệc suy" [邊馬嘶北風 - 塞垣草亦衰]. Tào Huân viết trong bài "Thu tứ": "Hải thảo vị điêu lục - Hồ mã tê Hàm Tần" [海草未凋綠 - 胡馬嘶咸秦]. V.v... và v.v...

Xin chú ý là vì lý do dị bản nên có một vài nguồn ghi chữ "y" [依] thay cho chữ "tê" (trong câu trước) hoặc chữ "sào" (trong câu sau), khi chép lại bài "Hành hành trùng hành hành". Cuối cùng, xin nói rằng "Hồ mã y Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi" cũng chỉ là hai câu thơ đối ý chứ không phải là hai câu đối chính danh vì, chiếu theo luật đối, thì nó đã hỏng ngay từ đầu vì chữ cuối của hai câu đều thuộc vần bằng (nên sai hẳn luật).

Năng lượng Mới 493