Trâu chết, người khổ!

07:00 | 22/02/2014

2,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi lần có dự báo cái rét chuẩn bị quét tới là bản làng lại thấp thỏm một nỗi lo… trâu chết.

Vượt cung đường băng giá trên quốc lộ 4D từ TP. Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, tàn dư của đợt rét vừa qua vẫn còn nguyên trên đường quốc lộ. Mặc cho đường còn ẩm ướt, trơn trượt, nhưng các phương tiện tham gia giao thông vẫn nối đuôi nhau mò mẫm trong sương mù để đến Sa Pa ngắm cảnh và lùng thịt trâu.

Chủ buốt ruột, khách hỉ hả

Sau thông tin tuyết rơi cộng với trâu chết la liệt ở Sa Pa vào ngày 18-19/2, đến nay vẫn nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đây thăm thú và lùng thịt trâu.

Dọc hai bên đường từ TP Lào Cai đến thị trấn Sapa, thỉnh thoảng lại bắt gặp một “chốt” bán thịt được dựng tạm bợ, “chốt” cũ chưa kịp bỏ đi đã có ngay "chốt" mới dựng bên cạnh. Nói là chốt cho oai chứ thực ra chỉ là những cái sạp hàng được trải bằng bao tải, có khi chỉ là những đống lửa ven đường do chủ trâu đốt lửa, sưởi ấm để ngồi… bán thịt.

Dừng lại một “chốt” ven đường, cả chục người cả chủ lẫn khách lùm xùm ra và trả giá. Thoạt nhìn cũng biết bàn tay lóng ngóng chặt, phả thịt không phải dân bán thịt chuyên nghiệp, vậy nên khách cũng mặc sức kì kèo.  

Trâu chết hàng loạt sau đợt rét hại ngày giữa tháng 2 vừa qua (Ảnh: báo Lào Cai)

Không biết chào khách, anh Giàng A Pử (xã Trung Chải, Sa Pa) đứng lặng nhìn khách lật qua, lật lại con nghé anh vừa chở từ bản xuống, vừa tiếc rẻ, vừa than thở: Nuôi nó mới được hơn 2 năm, rét mướt tao cũng chăm nó lắm. nhưng nó vẫn chết. Nhà tao có mỗi hai con nghé, một con đã chết đợt rét trước, giờ đến con này. Hiện chỉ còn lại mỗi con trâu mẹ. Nó mà chết thì tao cũng chết theo”.

Chỉ vào chỗ thịt đã được xẻ vãn, A Pử nói tiếp: Nếu sống, nó phải được hơn chục triệu đồng, nhưng giờ nó chết rét thì cùng lắm được 3 triệu thôi.

Anh Lý Sài Phan (xã Bản Khoang) cũng buồn rầu: Con trâu này mới bị chết sáng sớm. Chúng tôi phải xẻ thịt gấp để mang xuống thị trấn Sa Pa bán gỡ lại ít vốn. Tài sản cả nhà, gom mãi chỉ có nó. Giờ nó chết, thành ra tay trắng.

Trong khi chủ trâu buốt ruột thì nhiều khách chỉ đợi trâu chết để mua 

Ngay “chốt” bên cạnh, chị Châu Seo Pửng có vẻ may mắn hơn bởi nuôi một đàn nhưng  sau đợt rét này chỉ có một con bị chết. Theo chị Pửng thì do đã có kinh nghiệm nuôi nhiều trâu và cũng quá quen với cảnh trâu chết nên việc bán thịt cũng không có gì khó.

Trong khi dân bản buốt ruột trước thực trạng trâu chết thì nhiều khách thăm quan lại hỉ hả mặc cả. Giá thịt trâu chết chỉ được bằng 1/2 giá trâu sống, những ngày trước mưa gió giá cả còn thấp hơn. Hôm nay nắng hửng, người đổ về quốc lộ 4D “lùng” thịt trâu nhiều mới được giá thêm đôi chút.

Hí hửng ôm chiếc đầu trâu bỏ vào bao tải, anh Hoàng Văn Toản (TP Lào Cai) cho biết: “Trời rét, trâu mới chết, thịt trâu mới rẻ, chúng tôi mới có tiền mua mà ăn. Ngày bình thường cả triệu bạc cũng chẳng mua được cái đầu trâu như thế này đâu. Như cái này tôi mua có 400.000 đồng thôi”.

Canh cánh nỗi lo mất... "đầu cơ nghiệp”

Vẫn biết, trâu chết là hiện tượng không lạ đối với bà con nơi đây, nhưng việc chết hàng loạt như đợt này rét vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của dân bản.

Theo anh Giàng A Thính (Lao Chải, Bát Xát) bộc bạch: Cứ tưởng trời hửng như dịp trước Tết nên chúng tôi không lùa trâu về bên dưới tránh rét. Không ngờ rét đậm đến nhanh và kéo dài khiến chúng tôi không kịp trở tay.

Những "cơ nghiệp" còn lại sau đợt rét được đưa xuống núi

Được biết, mỗi đợt rét là các cơ quan chức năng đều đến tận các bản làng để hướng dẫn người dân phòng tránh rét cho gia súc, gia cầm, nhưng đợt này, do rét đậm, rét hại kéo dài, lại đúng vào thời điểm rét cuối mùa, hết thức ăn cùng với tâm lý chủ quan của dân bản nên số lượng trâu, bò chết rét vẫn cao.

Tìm đến địa bàn có số trâu chết rét nhiều nhất đợt vừa qua là xã Trung Chải, huyện Sa Pa, chúng tôi đã bắt gặp không ít những đôi mắt ủ dột vì mất đi “đầu cơ nghiệp”. Ông Ma A Sừ buồn rầu kể: Do chủ quan nên trong đợt rét này, gia đình tôi không thả trâu vào rừng mà nhốt tại nhà, không ngờ nhiệt độ xuống thấp quá khiến trâu bị chết. Bình thường con trâu này phải đến 20 triệu đồng, nhưng vì chết rét chắc chỉ bán được 8 triệu là cùng. Khổ nhất là sắp vào mùa làm đất cấy vụ xuân mà giờ không biết tính sao”.

Hầu hết các hộ trong bản Trung Chải đều thuộc diện nghèo. Vậy mà, chỉ tính riêng đợt rét thứ 2 này cả xã đã mất hơn 30 con trâu.

Hiện rét đã tan, nắng đã hửng nơi mảnh đất nhiều băng giá này, những con trâu còn sót lại sau trận rét cũng được đưa đi tắm nắng, nhưng lòng người dân thì vẫn bộn bề những nỗi lo. Chia tay Trung Chải, dọc đường về chúng tôi thấy những thửa ruộng bậc thang đang chuẩn bị vào mùa. Không biết liệu nhiều gia đình mất trâu trong đợt rét hại vừa qua có phải dùng sức người để kéo?!

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc