Lại tăng giá vé xe buýt?

12:04 | 20/02/2014

1,492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 19/2, Liên ngành Giao thông Vận tải, Tài chính và Kế hoạch đầu tư TP Hà Nội chính thức có tờ trình đề nghị tăng giá vé xe buýt. Giá vé sẽ tăng với mức thấp nhất là 7.000 đồng/lượt và cao nhất là 200.000 đồng/tháng.

Cụ thể, giá vé tuyến có cự ly dưới 25km tăng từ 5.000 đồng/lượt lên 7.000 đồng/lượt; tuyến từ 25-30km tăng từ 6.000 đồng/lượt lên 7.000 đồng/lượt; cự ly trên 30km tăng từ mức 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt. Đối với vé tháng, loại ưu tiên một tuyến tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng; loại ưu tiên liên tuyến tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng. Đối tượng không ưu tiên một tuyến tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng; đối tượng không ưu tiên liên tuyến tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng.

Lý giải của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc tăng giá vé, những năm qua thành phố đã phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể, năm 2010 là 612 tỉ đồng, năm 2011 là 1.332 tỉ đồng, năm 2012 là 1.020 tỉ đồng và năm 2013 là 1.134 tỉ đồng. Trong bối cảnh giá đầu vào như nhiên liệu, tiền lương… dẫn đến chi phí cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tăng cao và tình hình thu ngân sách của thành phố giảm do bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế, việc điều chỉnh giá vé trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, góp phần giảm gánh nặng trợ giá cho ngân sách thành phố, tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho hiện tại và tương lai.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau khi được tăng giá vé như trên, mức trợ giá cho xe buýt sẽ chỉ còn khoảng xấp xỉ 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc nâng giá xe buýt sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý hành khách.

Giá vé xe buýt phải tỉ lệ thuận với chất lượng phục vụ.

Tăng giá vé để bù lỗ là việc không tránh khỏi đối với một doanh nghiệp, nhưng lạm dụng quá sẽ phát sinh những hệ lụy. Nếu giá vé quá cao, người dân quay lưng lại thì xe buýt chỉ còn cách đóng cửa. Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, để cắt giảm chi phí, xe buýt cần áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thu vé. Nếu xe buýt áp dụng hình thức thu vé qua thẻ thông minh thì mỗi chiếc xe buýt sẽ bớt đi một lao động. Đây cũng là khoản chi phí tương đối lớn. Không thể tăng giá vé mãi được.

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng, sinh ra để hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông, nhưng lại tăng giá một cách vô tội vạ. Tháng 10/2012, giá vé xe buýt tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 5.000 đồng/lượt. Giá vé liên tuyến không ưu tiên tăng từ 80.000 đồng lên 140.000 đồng/tháng. Đồng ý với việc tăng giá, nhưng nhiều người hoài nghi về chất lượng của loại hình vận tải này. Việc phải tăng giá vé xe buýt là điều khó tránh bởi giá nhiên liệu, trả lương công nhân đều tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá vé xe buýt đòi hỏi phải đồng thời tăng chất lượng phục vụ, nhất là bảo đảm an toàn cho hành khách. Có không ít người chia tay với xe buýt vì sợ bị móc túi, thậm chí trấn lột. Xe buýt còn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông, bởi có một số lái xe lợi dụng được ưu tiên đã chạy ẩu, chạy bừa gây tai nạn cho người đi đường. Xe buýt cũng là phương tiện thải khói gây bụi trực tiếp ảnh hưởng tới người đi đường.

Để có mạng lưới xe buýt sạch đẹp, an toàn, tiện lợi, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên nghiên cứu lại luồng tuyến xe buýt sao cho phủ kín địa bàn, xe không phải chạy lòng vòng mất thời gian đi lại của hành khách. Ngành chức năng cần có biện pháp kiên quyết triệt phá các băng nhóm lừa gạt, móc túi trên xe buýt để hành khách có thể yên tâm khi sử dụng xe buýt. Có như vậy mới hy vọng giảm bớt các loại xe cá nhân đang quá tải hiện nay.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc