Hóa giải tư duy trọng nam khinh nữ

07:00 | 10/10/2014

7,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” là quan niệm tưởng như đã hết thời trong xã hội hiện nay. Nhưng hóa ra nó chỉ chuyển từ “công khai” sang “bí mật” trong tư duy của mỗi người. Mất cân bằng giới tính được cảnh báo trong vòng 5 năm nay, đặc biệt là từ năm 2011, với tỷ số giới tính khi sinh mà Tổng cục Dân số, Bộ Y tế vừa công bố tại chương trình khởi động chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” tại Việt Nam vừa diễn ra là gần 114 bé trai trên 100 bé gái đã chứng minh điều này. Vậy làm thế nào để “hóa giải” quan niệm trên?

Năng lượng Mới số 361

Khát con giai

Có lẽ nhìn thấy rõ nhất sự phân biệt đối xử giữa bé trai và gái thì không ở đâu bằng các cơ sở y tế liên quan đến sinh sản, nhất là những nơi thực hiện biện pháp “kế hoạch hóa gia đình”. Đến những nơi này, có thể bên cạnh công việc vô cùng hạnh phúc là đón những đứa bé chào đời thì cũng phải thực hiện một chuyên môn khác không mấy nhẹ nhàng là kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp nạo, hút bỏ… những thai nhi. Với hàng chục ca mỗi ngày, nhân lên là hàng trăm ca nạo hút thai mỗi tháng tại những cơ sở này, theo một nữ bác sĩ chuyên thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong số đó không ít ca “giết con” từ khi còn trứng nước chỉ vì biết con là con gái!

Đau xót nhất là có sản phụ Nguyễn Thanh Thúy, 39 tuổi ở Hà Nội, mang thai lần thứ 3 đã 2 tháng nhưng một mực xin bỏ thai chỉ với lý do: “Em vừa đi bắt mạch đã biết thai của em lại là con gái. Mà em đã có 2 con gái rồi nên không muốn có thêm con gái nữa”. Mặc dù đã được các bác sĩ khuyên can cũng như tư vấn để thấy hậu quả của việc bỏ thai lớn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào. Tuy nhiên, sản phụ Nguyễn Thanh Thúy vẫn nhất quyết giữ nguyên quyết định của mình.

Chính bác sĩ tư vấn cho chị kể lại: “Thực ra, Thúy rất khổ tâm khi phải bỏ thai như vậy nhưng cô ấy tâm sự rằng: Cô phải chịu sức ép rất lớn từ gia đình nhà chồng, đặc biệt là chồng vì chồng cô là con “độc đinh”, không có ai ngoài chồng cô giữ giỗ ông bà tổ tiên. Nếu chồng cô không có con trai thì theo quan niệm của những người trong dòng họ, nhà chồng cô không những bị “tiệt giống” mà còn không có ai “thờ họ”. Chính bởi vậy, khi biết mình mang thai là gái, Thúy phải bỏ ngay để còn chuẩn bị… mang thai lần khác”.

Hoá giải tư duy trọng nam khinh nữ

Không chỉ Thúy mà nhiều sản phụ khác đến kế hoạch hóa gia đình tại một phòng khám tư nhân cũng với lý do tương tự. Ấy là bệnh nhân Vũ Mai Hương, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Bệnh nhân này mang thai lần thứ 3 khi ở tuổi 35. Điều đáng nói là khi ở lần mang thai thứ 2, sau khi đi siêu âm 3 chiều, được biết đang mang trong mình thai nhi bé gái, bệnh nhân Vũ Mai Hương đã bỏ thai theo yêu cầu của… mẹ chồng và chồng. Bởi theo họ, thực hiện đúng khuyến cáo “mỗi gia đình chỉ có 2 con” nên họ chỉ sinh 2 con. Tuy nhiên, con đầu đã là gái nên khi biết Hương mang thai lần thứ 2 là gái, họ đã bắt Hương phải bỏ.

Để có thai lần thứ 3 với “mục tiêu” chắc chắn là con trai, Hương và cả chồng cô đã phải “lao tâm khổ tứ” đủ mọi chuyện từ ăn đến ngủ, nào là ăn gì, ngủ quay hướng nào cũng như “ngủ” với nhau vào giờ nào để “được quý tử”… Nhưng đến lần thứ 3, tưởng được như ý, nhất là sau khi đã thực hiện đúng các “kinh nghiệm” để có được con trai, nào ngờ, bác sĩ siêu âm tại một phòng khám tư nhân lại thông báo: “Con gái nhé”. Hương kể, lúc đó đất dưới chân Hương như sụt xuống, như không tin vào lời bác sĩ, cô hỏi đi hỏi lại bác sĩ vài lần nữa và lần nào bác sĩ cũng khẳng định con cô là con gái càng làm cô chết lặng hơn. Cô chạy ra khỏi phòng khám với nước mắt tuôn lã chã. Đáng buồn hơn, nhìn thấy hành động của Hương, hiểu chuyện gì đã xảy ra, chồng cô phóng xe đi thẳng, bỏ mặc cô một mình đi trên phố.

Do bị chồng và mẹ chồng dằn vặt, thêm nữa lại không đủ tự tin để nuôi dưỡng con nếu giữ con lại do phụ thuộc về kinh tế, cuối cùng Hương đành phải làm theo chồng và mẹ chồng là tiếp tục… bỏ “núm ruột” của mình. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho cô kể: “Lúc lên bàn phẫu thuật rồi mà mẹ chồng Hương còn gọi điện hỏi: “Thế đã “làm” (bỏ thai) chưa? Lúc nào làm xong thì gọi điện cho tôi biết với nhé”. Quả thật là giữa thời đại này mà còn nhiều người trọng nam khinh nữ như vậy!”.

Được biết là để chắc chắn có con trai, để khỏi như “đánh xổ số” trong chuyện mang thai, sau lần bỏ thai đứa con thứ 3, Hương và chồng đã sang tận Thái Lan thụ tinh ống nghiệm để chủ động lựa chọn giới tính thai nhi. Đối với Hương, để có được con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng quả là một sự đánh đổi đầy cay đắng bằng tính mạng, bằng sự sống của ngay những đứa con của mình!

Phải bình đẳng!

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, người đã từng đứng đầu Viện Phụ sản Trung ương cho rằng, những chuyện trên đây không phải là hiếm, thậm chí còn hơn chúng ta tưởng tượng. Bởi để thống kê được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông đã cùng đoàn khảo sát phải tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trên toàn quốc và trên cơ sở đó, ông đã lo lắng: “Nhiều khi chúng tôi phải giật mình vì sự mất cân bằng giới tính trầm trọng, có những xã tỷ số giới tính khi sinh lên tới 150 bé trai/100 bé gái, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đó là một sự mất cân bằng khủng khiếp”.

Và theo ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phân tích: “Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của  phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền uy tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính, xã hội”.

Hoá giải tư duy trọng nam khinh nữ

Trước sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở nước ta, hệ lụy được các chuyên gia dự báo sẽ xảy ra nếu vấn đề không được giải quyết là: Ảnh hưởng tới cấu trúc dân số, tảo hôn, thất học, gia tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ… Và thực tế ở nhiều nước như Trung Quốc chẳng hạn đã xảy ra tình trạng phải nhập khẩu cô dâu dưới mọi hình thức.

Vì vậy để làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, phải thay đổi bằng được nhận thức, tư  tưởng của người dân bằng cách tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành giữa các tổ chức xã hội. Cần có những biện pháp thiết thực như vận động, giải thích cho người dân hiểu để tránh thực trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và bé gái như hiện tại.

Còn ông Arthur Erken lại khẳng định: “Giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng mà cần phải giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, bảo đảm nhân phẩm cùng các quyền con người của mỗi cá nhân phụ nữ, trẻ em như về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm bình đẳng với nam giới…”. Tuy nhiên, ông Arthur Erken cũng nói: “Nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề mà cần có sự hợp tác của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa - xã hội”.

Cũng cần nói thêm ở đây về một số quy định của Bộ Y tế nhằm góp phần làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới khi sinh là nghiêm cấm siêu âm chẩn đoán giới tính và không được phá thai với lý do lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chỉ là hình thức còn thực tế không phải như vậy. Bởi vẫn đầy rẫy các cơ sở công khai giới tính cho sản phụ khi siêu âm, thậm chí không cần phải hỏi. Còn phá thai vì lựa chọn giới tính, nếu khảo sát tại các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện lớn, cũng hiếm nơi nào từ chối một cách dứt khoát về việc phá thai vì giới tính. Vì vậy, để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh một cách hiệu quả, ngay cả các giải pháp này cũng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt và cần có sự giám sát chặt chẽ từ Bộ Y tế.

 Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc