Cưỡng chế dân lấn rạch để làm đường cho "đại gia"

07:00 | 14/10/2014

2,818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, người dân sống trên đường số 43 (phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM) vẫn chưa hết bức xúc trước việc UBND phường đứng ra làm “chủ đầu tư” lấp một phần rạch Thầy Tiêu (tức rạch Bần Đôn) nhằm mở đường đi vào đất không có nhà ở cho cá nhân. Đáng bất bình, phần rạch đang bị san lấp lại nằm ngay diện tích mà trước đó chính quyền địa phương cho rằng một người dân lấp, lấn chiếm và yêu cầu phải trả lại mặt bằng thông thoáng.

Năm 2002, bà Nguyễn Thị Nụ (SN 1974) mua mảnh đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một phần thửa số 138 tờ bản đồ thứ 9 (đường 43, khu phố 6, phường Bình Thuận, quận 7 - nay là nhà số 2A đường 43). Lô đất giáp rạch Thầy Tiêu (tức rạch Bần Đôn).

Năm 2003, bà Nụ đổ đất san lấp một phần rạch với bề ngang 2,67 m (tổng diện tích lấp rạch là 93,4 m2 - PV) để gia cố nền và dựng rào tôn phía trước nhằm ngăn trộm. Bà Nụ đổ đất lấp rạch không bị chính quyền địa phương xử phạt hay yêu cầu phục hồi nguyên trạng, cũng như không ai tranh chấp hay khiếu nại.

Cưỡng chế dân lấn rạch để làm đường cho “đại gia”

UBND phường làm chủ đầu tư để lấp rạch, mở đường cho “đại gia”

Ngày 25/3/2013, bà Nụ bị Thanh tra xây dựng quận 7 dựa trên đơn phản ánh của ông Lê Xuân Thành (SN 1962, ngụ 676 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7) mời lên trụ sở để làm việc lấn rạch. Bà Nụ thừa nhận có san lấp diện tích rạch nêu trên. Ngày 20/8/2013, UBND phường Bình Thuận tiếp tục mời và bà Nụ tái khẳng định sẵn sàng móc đất khôi phục hiện trạng ban đầu là rạch.

Sau nhiều lần, UBND quận 7 ra nhiều thông báo, quyết định… và đến ngày 30/5/2014, UBND quận 7 ban hành quyết định “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”. Ngày 20/6/2014, bà Nụ thuê xe múc lại số đất đã lấp để trả lại hiện trạng ban đầu là rạch theo như đề nghị của ông Hồ Thái Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 7.

Trong văn bản này, ông Thành đã thể hiện: “Phần diện tích lấn chiếm rạch do bà Nụ tự san lấp, lấn chiếm, đề nghị bà khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu, do rạch còn chức năng thoát nước, có hành lang bảo vệ rạch 20m”.

Sau khi bà Nụ móc đất trả hiện trạng là rạch để tạo thông thoáng cho dòng chảy, đến ngày 30/7/2014, UBND quận 7 ban hành văn bản số 2331/UBND-QLĐT để “Thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường vào khu đất của ông Lê Xuân Thành và các hộ dân có đất bên trong đường số 43, phường Bình Thuận”.

Cưỡng chế dân lấn rạch để làm đường cho “đại gia”

Hợp đồng xây dựng đường vào khu đất bên trong đường số 43

Ngày 16/9/2014, lực lượng công nhân, máy cẩu, xe ben chở đất, cát, cừ tràm, đến lấp lại phần diện tích rạch mà bà Nụ đã móc. Quá bức xúc trước việc làm phi lý này, người dân đã phản ứng gay gắt và đề nghị làm rõ trước việc làm trên. Ngày 6/10/2014, ông Lê Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND quận 7 mới có công văn số 3243/UBND-QLĐT gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM nhằm thỏa lấp cho hành vi… “làm liều” trước đó.

Công văn thể hiện: “Thỏa thuận mép bờ cao tuyến rạch Thầy Tiêu tại khu vực cuối đường số 43, phường Bình Thuận”. Thực chất của việc làm này, UBND quận 7 nhằm “hợp thức hóa” việc lấp rạch mà chưa được Sở GTVT TP HCM chấp thuận để mở đường cho ông Thành.

Điều đáng nói, rạch Thầy Tiêu đã được Sở NN-PTNT TP HCM đưa vào “danh mục sông, kênh, rạch có chức năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển rừng” trong quyết định 444 ngày 21/11/2011, mà theo đó “Nghiêm cấm mọi cá nhân và tổ chức san lấp, lấn chiếm trái phép dưới mọi hình thức”.

Có dấu hiệu bất thường!

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM phân tích:

Tôi cho rằng trong trường hợp này, chính quyền nên để các hộ dân tự thỏa thuận với nhau về việc mở lối đi ra đường chính mà không nên can thiệp vào việc dân sự giữa các bên.

Bởi vì điều 275 Bộ luật Dân sự 2005, quy định chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng.

Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó, người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác. Nếu các bên không thỏa thuận được, có quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.

Long Đỗ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc