Cần hiểu đúng về nghị định quản lý Internet mới

00:50 | 02/09/2013

2,153 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1/9/2013, Nghị định 72 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực. Mặc dù đây được xem là hành lang pháp lý minh bạch, kích thích sự phát triển cởi mở và lành mạnh của Internet nhưng đã xuất hiện nhiều cách hiểu không đúng về nghị định này.

Một số phương tiện truyền thông nước ngoài thậm chí còn quy kết một cách sai trái rằng nghị định này bóp nghẹt tự do Internet. Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng về Nghị định 72?

Hai điểm được quan tâm nhất của nghị định này là việc phân loại, quy định quyền hạn của các trang thông tin điện tử và việc xử lý những đối tượng giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến an ninh quốc gia.

Về vần đề phân loại các tranh thông tin điện tử. Nghị định 72 phân ra làm nhiều loại trang tin điện tử gồm: Trang tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử cá nhân, trang tin điện tử của các doanh nghiệp… Quy định như vậy để những ai muốn lập trang tin điện tử thì phải biết họ có quyền gì và giới hạn đến đâu.

Trong vấn đề này, các trang web cá nhân, blog, mạng xã hội được quy định là trang thông tin cá nhân. Vì vậy, các trang này không được tổng hợp thông tin.

Đây không chỉ là câu chuyện về vấn đề thông tin mà là câu chuyện của sở hữu trí tuệ. Lâu nay, nhiều trang thông tin cá nhân vẫn thường copy nguyên xi từ các nguồn tài liệu khác và xem như đó là của mình. Thậm chí, những thông tin này được cắt ghép, thêm bớt và đăng theo hướng phục vụ cho mục đích cá nhân không trong sáng. Việc này không chỉ xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ mà còn làm nảy sinh những tiêu cực trên môi trường mạng.

Nội dung này bị hiểu nhầm thành cấm đoán thông tin, bóp nghẹt tự do Internet. Tuy nhiên Điều 10 và Điều 26 quy định về quyền và nghĩa vụ người sử dụng Internet và sử dụng mạng xã hội cũng đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết, không có câu chữ nào ngăn cấm người sử dụng mạng xã hội được chia sẻ, đăng tải lại tin tức. Nghị định 72 cũng “mở cửa” cho những người muốn tổng hợp, phát tán thông tin: Công việc này phải do tổ chức quản lý, chứng minh được nguồn tin, tiềm lực tài chính, khả năng duy trì bộ máy và chịu trách nhiệm với các thông tin mình đưa ra.

Nghị định 72 sẽ xử lý nghiêm minh các trang tin mạo danh. Thực tiễn thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng môi trường mở của Internet để phục vụ cho các ý đồ xấu. Một số trang tin mạo danh không dừng lại ở mức gây hại cho một vài cá nhân mà còn có biểu hiện cố tình tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin về tài chính, tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế, hoặc gây thông tin chia rẽ ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ…

Chính vì vậy, Nghị định 72 đã quy định rất rõ việc cấm “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

2 điểm mấu chốt nhất của Nghị định 72 rõ ràng đã tạo ra một hành lang pháp lý cởi mở và minh bạch cho sự phát triển của Internet. Điều này hết sức cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 1/3 dân số.

 

Hoàng Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc